Saturday, October 3, 2015

TƯỞNG NIỆM 3 VỊ ANH HÙNG DÂN TỘC: đức TRẦN HƯNG ĐẠO – LÊ LAI – LÊ LỢI

Thứ Bảy, ngày 03.10.2015
Kính thưa quý thính giả, ba ngày cuối tuần này, thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật là các ngày giỗ 3 vị đại anh hùng, hào kiệt thuộc hai triều đại đã viết lên những trang sử oai hùng của dân tộc Việt ... Trong tiết mục “Danh Nhân Nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả bài “tưởng niệm đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đức Trung Liệt Hầu Lê Lai và đức Bình Định Vương Lê Lợi” vừa được tuyên đọc trong buổi tế lễ tại Nhà Thờ Quốc Tổ ở Sydney tối hôm nay, và đây là cũng là tiết mục để kết thúc chương trình phát thanh, mời quý thính giả cùng theo dõi
Trong một trùng hợp hiếm có trong lịch sử Việt Nam, tháng 8 Âm lịch có 3 ngày giỗ liền kề nhau để tưởng nhớ đến ba vị anh hùng dân tộc. Đó là ngày 20/8 đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn từ trần, và kế đó là "21 Lê Lai, 22 Lê Lợi".
Suốt mấy trăm năm qua, dưới bất cứ triều đại nào, trừ triều đại cộng sản hiện nay, ba ngày này đều được xem là lễ lớn của dân tộc. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, đây là 3 ngày quốc lễ vinh danh các bậc tiền nhân của hai triều đại đã đổ biết bao xương máu để gìn giữ mảnh giang sơn gấm vóc Đại Việt trong những giờ phút nguy nan nhất của đất nước. Đó là triều Trần mà biểu tượng là đức Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, và triều Hậu Lê mà đức Bình Định Vương Lê Lợi đã khai sáng sau khi đánh đuổi giặc Minh.
Cả hai triều đại và các vị anh hùng đó tuy sống cách nhau 200 trăm năm, nhưng đều là linh hồn của các cuộc kháng chiến chống giặc phương Bắc để duy trì nền tự chủ hay giành lại nền độc lập cho nước Việt. Hai triều đại này đã tô đậm thêm những trang sử hào hùng của nòi giống Tiên Rồng, với 3 lần chiến thắng quân Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của đức Hưng Đạo Đại Vương vào thế kỷ 13, và 10 năm kháng chiến chống quân Minh của đức Lê Lợi vào thế kỷ 15.
Chính vì thế trong ba ngày quốc lễ này, người dân Việt không chỉ tưởng niệm đức Hưng Đạo Vương, đức Lê Lai hay đức Lê Lợi mà còn là tưởng niệm toàn bộ quân dân Đại Việt đã nằm xuống trong các cuộc chiến giữ nước vô cùng gian khổ đó.
Trước khí thế hung mãnh của một đạo quân Mông Cổ đã san bằng thành bình địa nhiều quốc gia Âu - Á, triều đình Đại Việt dưới thời nhà Trần đã may mắn có được một guồng máy ổn định, với "vua quan đều đồng lòng, quân dân đều quyết tử", thể hiện qua hai hội nghị Bình Than và Diên Hồng, dẫn đến 3 lần đánh bại quân Nguyên.
Trong khi đó thì nghĩa quân Lam Sơn của đức Lê Lợi không có được cái may mắn của triều Trần vì đất nước Đại Việt khi ấy đã nằm dưới gót giày của quân Minh và nhiều phong trào kháng chiến của các tôn thất nhà Trần lần lượt bị tan rã. Bình Định Vương Lê Lợi cũng 3 lần thất bại khi phất cờ khởi nghĩa, và trong một lần bị quân Minh vây khốn, đức Lê Lai đã chấp nhận mưu kế "thay mận đổi đào", hy sinh tính mạng của mình để đức Lê Lợi có cơ hội thoát khỏi vòng vây.
Thế nhưng không chỉ có đức Lê Lai hy sinh tính mạng trong giờ phút sinh tử đó. Lịch sử ghi rõ, cùng với Lê Lai là hàng trăm nghĩa sĩ đã dẫn dụ cánh quân Minh kéo đến bao vây, mở ra một con đường thoát thân cho toán quân còn lại của đức Lê Lợi. Chính vì thế, tưởng niệm đức Lê Lai cũng chính là tưởng niệm những liệt sĩ vô danh đã chấp nhận hy sinh để nghĩa quân Lam Sơn còn người lãnh đạo và phong trào kháng chiến chống Minh được tiếp tục. Điều đáng trân quý là đức Lê Lợi sau khi lên ngôi vẫn nhớ đến sự hy sinh oai hùng của đức Lê Lai. Ngài căn dặn con cháu: "Sau khi ta mất, mỗi khi cúng giỗ thì nhớ làm giỗ Lê Lai trước một ngày". Và đó chính là nguyên nhân có hai ngày giỗ liền kề nhau: "21 Lê Lai, 22 Lê Lợi", thay vì ngày giỗ phải là ngày đức Lê Lai tử trận dưới chân núi Chí Linh.
Lịch sử Việt cũng ghi nhận hàng loạt khí phách hào hùng như thế của quân dân Đại Việt trong các cuộc chiến đẫm máu đó. Và tên tuổi của họ đã thành những tượng đài bất diệt trong lòng dân tộc. Họ không chỉ là các tôn thất nhà Trần như Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Trần Quang Khải hay Trần Khánh Dư... mà còn là những người xuất thân dân dã như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng... và 200 năm sau đó là một loạt các danh thần võ tướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo... xuất hiện.
Thế nhưng, điều đáng buồn là trong bối cảnh đế quốc Hán Cộng đang trỗi dậy, rất nhiều người Việt đã thiếu tự tin về sức mạnh của dân tộc trước khí thế hung hăng và hiếu chiến của lũ giặc Bắc phương. Họ đã quên là triều đình nhà Nguyên khi tràn xuống phía Nam cũng ngạo mạn cho rằng sự kháng cự của quân dân Đại Việt sẽ chỉ là "châu chấu đá xe". Kết quả là hàng chục vạn quân Mông Cổ bách chiến bách thắng đã chết thê thảm dưới chân các con "châu chấu" của đức Trần Hưng Đạo. Và hai thế kỷ sau đó, đến phiên đạo binh hùng tướng mạnh của triều Minh, vô cùng ngạo mạn sau khi diệt được nhà Nguyên, lại lần lượt ngã ngựa hay đầu hàng nghĩa quân Lam Sơn.
Dĩ nhiên là để đạt được các chiến thắng vinh quang ấy, quân dân Đại Việt đã có những hy sinh rất lớn. Triều đình nhà Trần phải 3 lần triệt thoái khỏi kinh đô Thăng Long trước khí thế hùng mạnh của quân giặc. Nghĩa quân Lam Sơn cũng từng lâm vào cảnh:
Khi Linh sơn lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi huyện quân không một đội.
Thế nhưng bằng lời thề "Sát Thát", và bằng tinh thần:
Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào,
Khắp tướng sĩ một lòng phụ tử.
Cùng với chiến thuật "lấy yếu chống mạnh" và "lấy ít thắng nhiều", quân dân Đại Việt đã có những chiến thắng vang dội ở Hàm Tử Quan, Chương Dương, Vạn Kiếp, Chi Lăng, Đông Đô... để minh chứng thêm tinh thần bất khuất của một dân tộc "vốn xưng nền văn hiến đã lâu" .
Một điều đáng chú ý là năm 2015 này cũng đúng 800 năm ngày sinh của Thành Cát Tư Hãn, đại đế của sắc dân Mông Cổ. Nhiều sử gia thế giới đã nhắc đến nhân vật này, nhưng không người nào nhắc đến các thảm bại của đạo quân Mông Cổ tại VN vào thế kỷ thứ 13.
Thế nhưng những con dân Việt còn tha thiết đến tiền đồ của dân tộc thì không thể nào quên được sự hy sinh to lớn của hai thế hệ Hưng Đạo Đại Vương và Bình Định Vương trong giai đoạn sinh tử của đất nước. Và nếu còn tự hào về truyền thống bất khuất của nòi giống Tiên Rồng, thì đã đến lúc phải đứng lên hét to hai chữ "Sát Thát" và "Quyết chiến" vào mặt lũ giặc Trung Cộng và tập đoàn tay sai bán nước ở Ba Đình!
Chỉ có dũng cảm đứng lên đánh bại hai lũ giặc "ngoại xâm và nội thù", thì đất nước VN mới có thể thoát khỏi tình trạng băng hoại khắp mọi lãnh vực, kể cả về đạo đức và giáo dục!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment