Saturday, October 3, 2015

Hà Nội chỉ nói mà không làm!

Thứ Sáu, ngày 02.10.2015    
Kính thưa quý thính giả, trong bài phát biểu của ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 25 tháng 9 vừa qua, có nói đến vấn đề an ninh tại Biển Đông, nhưng cũng như những lời phát biểu trước đây của Hà Nội, không thấy đưa ra một giải pháp cụ thể nào? Mời quý thính giả theo dõi Quan Điểm của Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc về một giải pháp cần có của Việt Nam trước tham vọng xác lập chủ quyền của Trung Cộng, sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Thưa quí thính giả,
Trước chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của chủ tịch Trung Cộng là ông Tập Cận Bình, chúng tôi đã nêu ra sự quan ngại về vấn đề Biển Đông, tuy có trong chương trình nghị sự của TT Obama, nhưng đó không phải là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung. Sự kiện đã diễn ra đúng như những gì chúng tôi nói đến. Đó là thái độ quyết đoán không lùi bước của ông Tập, với việc lặp lại quan điểm cố hữu rằng Biển Đông thuộc chủ quyền của TC từ thời cổ đại, nên ông phớt lờ những gì Hoa Kỳ và thế giới quan ngại. Điều ấy cũng dễ hiểu, vì HK đã nhiều lần khẳng định rằng họ không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, mà chỉ quan tâm đến an ninh hàng hải và hàng không trong khu vực này mà thôi. Dĩ nhiên hai bên có lời qua tiếng lại, nhưng vì những quyền lợi to lớn khác của cả hai bên, TC sẽ chẳng dại gì gây khó khăn cho tàu bè, phi cơ của Hoa Kỳ lưu thông trong vùng này, và HK cũng chẳng có lý do gì gây hấn với TC cả.
Đối với Việt Nam thì vấn đề không đơn giản như Hoa Kỳ, vì vị trí địa chính trị và những vướng mắc trong quá trình lịch sử giữa hai nước, đặc biệt sự gắn bó giữa hai đảng CS anh em, và cùng thể chế chính trị độc tài toàn trị như nhau, dẫn đến những ràng buộc xem chừng không thể gỡ ra được!
Trong bài phát biểu của ông Trương Tấn Sang tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, có đoạn, chúng tôi xin trích nguyên văn như sau:
"Việt Nam cũng đang nỗ lực cùng các nước ASEAN và các nước liên quan duy trì và củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, con đường huyết mạch kết nối ASEAN với các nước và khu vực khác. Chúng tôi kiên trì và nhất quán chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)".(hết trich)
Lời phát biểu trên được xem là muốn xoa dịu dư luận quốc tế và đáp ứng thái độ tích cực của Hoa Kỳ, qua việc chuyển sức mạnh quân sự sang Á Châu, nhằm duy trì an ninh trong khu vực, bảo vệ quyền lợi kinh tế của chính HK và của những nước đồng minh như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines. Lời phát biểu ấy cũng được xem là có ý phản biện những gì Tập Cận Bình đã nói về Biển Đông khi đến Mỹ.
Điều đáng nói ở đây là các ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng như Nguyễn Phú Trọng, bằng cách này cách khác có đề cập đến Biển Đông ở những mức độ và hoàn cảnh khác nhau, nhưng chỉ nói mà không thấy có hành động cụ thể nào chứng tỏ quyết tâm muốn bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước nhà. Trong khi ấy TC càng ngày càng tỏ ra quyết đoán, và ráo riết bồi đắp những đảo nhân tạo, biến những đảo này thành các căn cứ quân sự, với phi đạo, bến cảng, công thự, kho dự trữ tiếp liệu. Từ đó TC có thể khống chế toàn vùng Đông Nam Á, mà Việt Nam là quốc gia nạn nhân trước hết!
Vậy giải pháp nào thích hợp để giải quyết vấn đề tranh chấp biển đảo VN-TC đây? Liệu chủ nhà có còn cơ hội đối thoại với kẻ cướp khi bị chúng dí sung vào đầu hay không? Kinh nghiệm lịch sử đã chứng minh rằng TC có ý đồ thôn tính VN, không bằng vũ lực như trong những thế kỷ trước, thì bằng những cách khác tinh vi và thâm độc hơn xưa rất nhiều.
Trong lời phát biểu của ông Sang có nói đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, cụ thể là Công Ươc Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển; thì rõ rang TC đã và đang vi phạm nghiêm trọng luật này ngay trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Từ hành động dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, đến việc tấn chiếm nhiều đảo ở Trường Sa năm 1988, lại ngang nhiên đưa dàn khoan vào vùng lãnh hải thuộc đặc quyền kinh tế của VN để khai thác tài nguyên. Ngăn cản các nhà thầu thăm dò dầu khí trong thềm lục địa của VN. Ngăn cấm, cướp phá, bắn giết ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trong vùng biển nhà. Tự vẽ bản đồ bao trùm hầu hết Biển Đông. Những điều ấy đã quá đủ để VN kiện TC, chưa kể đến những chứng cứ rất vững chắc về phương diện lịch sử; vậy tại sao VN không dám đưa vấn đề này ra trước tòa án trọng tài quốc tế như Philippines đã làm từ năm 2013?
Trên diễn đàn quốc tế, chưa khi nào dư luận lại thuận tiện như lúc này để Việt Nam đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với TC ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc. Nếu đảng CSVN thật sự quan tâm đến tương lai của dân tộc, muốn bảo vệ chủ quyền đất đai, biển đảo của tổ tiên để lại, thì họ phải có những hành động cụ thể, dứt khoát, không lừng chừng nửa với, nói cho có nói, lặp đi lặp lại những lời cũ rích, trước những bước lấn chiếm không ngừng của TC. Ngược lại nếu họ vẫn hành xử như bấy lâu nay, thì hoặc họ tỏ ra vô trách nhiệm, hoặc họ là tay sai của kẻ thù Phương Bắc. Đó là điều bất hạnh cho chúng ta hôm nay.
Cám ơn quí thính giả đã lắng nghe quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Cứu Quốc

No comments:

Post a Comment