Thứ Năm, 03.03.2016
Chỉ hai tuần sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền, hàng chục ngàn công nhân đã xuống đường đình công đòi quyền lợi, chống đối xử hà khắc, bất công ở Đồng Nai. Nó báo hiệu một năm đầy sóng gió cho chế độ csVN khi đường lối chính trị bế tắc, đất nước tụt hậu, lòng dân oán than khắp nơi, giờ đến lượt giới công nhân lực lượng hùng hậu nhất đang bắt đầu hành động chống bóc lột lao động, chà đạp nhân phẩm...Trong tiết mục Người Dân Tự Quyết hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài " Công nhân cần có công đoàn độc lập " của Lý Trần Công sẽ được Hướng Dương gởi đến quý thính giả để tiếp nối chương trình đêm nay.
Trong 2 ngày, từ 25 đến 26/2/2016, khoảng 17,000 người trong tổng số
21,600 công nhân của Pouchen Việt Nam đã đồng loạt đình công để phản đối
những quy định được cho là bất hợp lý và khắt khe trong vấn đề thưởng
phạt. Pouchen Việt Nam là công ty có 100 vốn của Đài Loan, trú đóng tại
Quốc Lộ 1K, xã Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, vào chiều ngày 25/2/2016, quan chức liên
đoàn lao động thành phố Biên Hoà đã có mặt để can thiệp và ngăn chặn
việc đình công. Tuy nhiên, các nỗ lực của liên đoàn lao động đã bất
thành. Điều đáng lên án là vào lúc 14h 45 ngày 26/2/2016, trong lúc hàng
ngàn công nhân công ty Pouchen đang đình công thì xảy ra vụ xô xát giữa
một viên công an chìm và công nhân Pouchen khiến 4 công nhân bị thương
phải đưa đi cấp cứu. Theo các nhân chứng thuật lại thì vụ việc xảy ra là
cảnh sát hình sự cố bắt một nam công nhân không rõ lý do, những công
nhân khác cố giằng co giải cứu bạn mình thì bị chém bị thương. Sau đó,
công an sắc phục đã giải cứu người này đưa lên xe thùng của công an,
nhưng công nhân đã vây quanh xe công an không cho xe này chở đồng bọn
tẩu thoát. Để xoa dịu cơn phẫn nộ của công nhân, Trưởng Công an thành
phố Biên Hòa, Trần Tiến Đạt đã phải tuyên bố Nguyễn Thanh Hải, kẻ gây
thương tích cho các công nhân chính là nhân viên công an dưới quyền ông
ta. "Cán bộ này có sai chúng tôi sẽ làm rõ và xử lý đúng theo hiệu lực
và có thông báo kết quả cho bà con. Riêng đối với những người công nhân
bị thương tích gì thì trách nhiệm của công an và công đoàn sẽ lo tiền
thuốc men thoả đáng", ông Trần Tiến Đạt đã tuyên bố như trên.
Công nhân Pouchen đình công nhằm phản đối chính sách đánh giá hiệu
quả công việc, từ đó xếp loại lao động A-B-C để tính ra mức lương,
thưởng mà theo công nhân là quá khắt khe. Cách thức trừ của công ty theo
những người đình công là chưa hợp lý. Công nhân cho hay họ nghỉ không
phép hay có phép đều bị trừ, phép bệnh cũng không thoát khỏi bị tính.
Theo chính sách mới này, công nhân chỉ cần nghỉ một ngày không phép là
bị xếp loại C, cuối tháng hay cuối năm đều bị cắt hết các khoản trợ cấp
và tiền thưởng. Công nhân còn cho biết họ còn chịu nhiều quy định hà
khắc khác, chẳng hạn "trong lúc làm việc không được nói chuyện, bất cứ
một vi phạm nào đều bị cán bộ ghi để cuối tháng trừ điểm và xếp hạng
abc, ngay cả việc đi vệ sinh trong giờ làm việc cũng bị hạn chế tối đa.
Họ làm ra một vạch đường vàng bắt buộc công nhân ngồi thẳng hướng, ngay
hàng. Mình ngồi mỏi hay vô tình đi vô, đi ra, xê dịch một chút, không để
ý là bị ghi lỗi và trừ tiền thưởng, áp lực người ta quá, công nhân bị
coi như những người máy". Một công nhân tên Nga cho biết như trên.
Câu hỏi đặt ra là vai trò của Tổng Liên đoàn lao động - một cơ quan
chính thức đại diện cho công nhân Việt Nam, đã ở đâu và làm gì cho quyền
lợi của công nhân? Họ có biết các luật lệ khắt khe vi phạm quyền con
người, do giới chủ đặt ra để quản lý công nhân hay không? Nếu Tổng Liên
đoàn lao động của csVN biết mà không làm gì để bênh vực công nhân, thì
họ đã theo lệnh đảng, đồng lõa với giới chủ để bóc lột và chà đạp giới
công nhân không thương tiếc, trong khi hàng tháng họ vẫn ngửa tay nhận
tiền phí công đoàn do công nhân đóng góp.
Cuộc đình công tại công ty Pouchen chấm dứt, khi giới chủ công ty
đồng ý không áp dụng việc phân hạng A,B,C là lý do dẫn đến đình công,
nhưng một tình tiết rất đáng được nhắc đến của cuộc đình công này, là sự
lộ diện của công an mật vụ bên cạnh công đoàn nhà nước, đàn áp công
nhân để bênh vực giới chủ. Việc nhà nước csVN cài cắm cảnh sát hình sự
vào trong các công ty vốn ngoại quốc có đông công nhân lao động không
phải là mới. Nhưng vụ việc xẩy ra xô xát gây thương tích giữa mật vụ và
công nhân của công ty Pouchen, được xem là đỉnh điểm xung đột lợi ích
giữa một bên là giới chủ nhân, nhà nước csVN (bao gồm công đoàn, công an
và cả côn đồ), còn bên kia là giới công nhân. Việc công an mặc thường
phục Nguyễn Thanh Hải vào công ty Pouchen trong lúc công nhân đình công,
để cố bắt một nam công nhân đã dẫn đến nhận định rằng, người nam công
nhân trên là một trong những người khởi xướng cuộc đình công, đã bị công
an theo dõi và công an muốn bắt giữ người cầm đầu, để dập tắt cuộc đình
công càng sớm càng tốt. Trong giới đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam, từ
lâu đã râm ran việc các chủ nhân ông đến từ Đài Loan, Trung quốc, có mối
quan hệ khắng khít với các quan chức và an ninh mật vụ csVN trong việc
làm ăn tại Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát gia tăng,
lợi nhuận giảm sút thì quan hệ giữa giới chủ và người lao động càng gia
tăng xung đột về lợi ích. Còn csVN từ lâu đã nghiêng hẳn sang việc bảo
vệ giới chủ ngoại quốc, vì csVN cũng chính là "chủ nhân ông" của đất
nước này nên phải bảo vệ lẫn nhau...
Công nhân Việt Nam giờ đây chỉ có hai lựa chọn: một là vượt qua nỗi
sợ hãi đứng lên tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của mình, chống bóc
lột từ giới chủ và nhà nước Việt Nam, hai là tiếp tục cam chịu số kiếp
làm thân nô lệ, bị bóc lột sức lao động và nghèo đói... Hiệp Định Đối
Tác Xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là TPP, mà csVN vừa ký kết, trong đó
có các điều khoản quy định buộc csVN phải chấp nhận quyền tự do lập hội
và tổ chức công đoàn độc lập, do chính công nhân tự mình lập ra. Đây
chính là cơ hội để người công nhân trực tiếp lựa chọn người xứng đáng
đại diện cho quyền lợi chính đáng của mình. Vì vậy, muốn sự công bằng
công nhân phải tranh đấu, muốn có quyền làm người cần phải đứng thẳng
không cúi đầu.
Lý Trần Công
Ngày 3/3/2016.
No comments:
Post a Comment