Tuesday, March 8, 2016

Đường ta ta cứ đi!

Thứ Ba, 08.03.2016
Thưa quý thính giả, con đường duy nhất để kiến tạo một Việt Nam hùng cường, độc lập, trong đó đời sống của mọi người dân được thăng thăng tiến về mọi mặt là dân chủ đa nguyên, chủ nghĩa cộng sản phải được loại bỏ. Trong tiết mục đất nước đứng lên hôm nay, mời quý thính giả theo dõi phần lược trích bài viết "Hãy cùng nhau xây dựng mùa Xuân của Dân tộc - Đường ta ta cứ đi, quyền ta ta cứ làm!" của tiến sĩ Âu Dương Thệ, qua sự trình bày của Nguyên Khải.
Bất kể chính kiến, quá khứ chính trị, tôn giáo và chủng tộc - dân tộc VN trong Thế kỉ 21 có mục tiêu chung chính đáng và cao cả là củng cố độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, cùng nhau kiến tạo một nước VN hùng cường trở thành một cường quốc dân chủ ở Đông nam á. Với diện tích, dân số và tài nguyên đa diện và dồi dào của VN, nước ta không phải tiểu quốc và nhược quốc, ngược lại là một nước lớn. Nhiều nước nhỏ hơn, dân số ít hơn và tài nguyên không nhiều như VN, nhưng đã trở thành những cường quốc khu vực hoặc thế giới vì họ có thể chế chính trị văn minh, như Nhật, Đức, Đại hàn...
Nếu có môt thể chế chính trị thích hợp, thực hiện đường lối nội trị sáng suốt để phát triển nội lực, biến ý chí chung, sự thông minh và cần cù của mọi tầng lớp nhân dân thành động lực canh tân và phát triển, biến tiềm năng của tài nguyên thành sức mạnh vật chất thì chúng ta có thể tự tin là, VN sẽ trở thành một cường quốc trong khu vực, nhân dân được ấm no hạnh phúc. Nếu VN thực hiện một chính sách ngoại giao và quốc phòng -an ninh thông minh thì Trung quốc không dám động đến dân tộc ta, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ được bảo đảm mà không phải dùng đến chiến tranh!
Thể chế chính trị tiến bộ của thời đại đang được đại đa số các dân tộc văn minh trên thế giới thực hiện rất thành công trong việc gây dựng hạnh phúc, giữ gìn phẩm giá cho nhân dân và phú cường cho đất nước chính là chế độ Dân chủ đa nguyên. Triết lí tư tưởng và nền tảng tổ chức của chế độ chính trị này là sự kết tinh của học tập và rút kinh nghiệm của nhiều dân tộc trên thế giới và trải qua nhiều thế kỉ đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp nhất với xã hội văn minh.
Ngày nay thể chế Dân chủ đa nguyên còn đang được sự hỗ trợ mạnh mẽ của hai trào lưu mới của thời đại. Đó là tiến trình toàn cầu hóa về kinh tế, tài chánh, thương mại đang làm cho các quốc gia và các dân tộc liên đới và phụ thuộc lẫn nhau. Và sự bùng nổ của kỉ nguyên thông tin điện tử làm cho các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới sát lại và hiểu biết nhau hơn. Vì thế chỉ trong vài thập niên gần đây hàng loạt các nước độc tài ở Âu châu, Mĩ-latinh và Á châu cũng đã chuyển thành công sang Dân chủ đa nguyên, trong đó phần chính là không phải dùng tới bạo lực!
Tuy vẫn còn có những mức độ khác nhau, nhưng các chế độ dân chủ đa nguyên có những giá trị chung được thừa nhận. Đó là các hoạt động chính trị vừa là quyền và trách nhiệm của mọi người dân, các công dân sử dụng quyền chính trị gián tiếp và trực tiếp (lập các tổ chức dân sự, chính đảng, bầu cử và ứng cử...) thông qua phương pháp hoạt động chính trị phi bạo lực. Nhân quyền được tôn trọng, dân tộc thiểu số được bảo vệ, người gặp khó khăn được xã hội đùm bọc. Kinh tế thị trường là nền tảng các hoạt động kinh tế và lao động; trong đó bảo đảm các quyền chính đáng của công nhân trong lao động, lương bổng và bảo hiểm; đồng thời tôn trọng quyền tư hữu, sáng kiến và qui luật cạnh tranh lành mạnh. Văn hóa, giáo dục và khoa học đặt nền tảng trên tôn trọng nhân phẩm, khuyến khích khả năng và tinh thần tự lập là động lực để cá nhân thăng tiến và đất nước giầu mạnh. Hiến pháp dựa trên tinh thần bình đẳng, công bằng và dân chủ tự do.
Để các tiêu chuẩn giá trị và các quyền căn bản trên đây được thực hiện, trong các chế độ Dân chủ đa nguyên phải có một hệ thống tổ chức chính quyền dựa trên nền tảng phân quyền độc lập và bình đẳng giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Có hệ thống thẩm phán và công chức độc lập. Các hoạt động báo chí, thông tin và văn hóa được độc lập và tự do. Các cơ quan công quyền từ trung ương tới cơ sở đều phải tuân theo hiến pháp và luật pháp. Các người đại diện của nhân dân phải do nhân dân tham gia trực tiếp và gián tiếp xuyên qua các cuộc bầu cử và ứng cử định kì và dân chủ tự do.
***
Do những sai lầm của những người cầm đầu CSVN trước đây và Nguyễn Phú Trọng hiện nay, nên VN đang phải đối diện với chủ trương bao vây và xâm lấn rất hiểm độc của nhà cầm quyền Bắc kinh trên toàn bộ biển Đông. Ngoài ra Bắc kinh còn sử dụng chiến lược mềm để lũng đoạn kinh tế, tài chánh, thương mại, chính trị và văn hóa, nhằm biến VN thành chư hầu, nơi tiêu thụ hàng Trung quốc và làm bàn đạp để mở rộng ảnh hưởng xuống Đông nam á.
Trong những năm gần đây sở dĩ Bắc kinh cứ ngang ngược lấn chiếm biển đảo nước ta là vì sự nhu nhược của Nguyễn Phú Trọng và VN không có đồng minh đủ mạnh để Bắc kinh kiêng nể không dám đụng tới. Vì vậy một nước VN mới phải hoạch định một "Sách lược Bắc phương", với mục tiêu trước mắt là ngăn chặn hữu hiệu sự bao vây và lấn chiếm và không để Bắc kinh dám sử dụng vũ lực và mục tiêu lâu dài là cùng các nước khu vực và quốc tế kiến tạo hòa bình, thịnh vượng và dân chủ tự do ở Á châu. Sách lược Bắc phương phải dựa trên một số yếu tố căn bản:
1. Xây dựng nội lực của VN làm căn bản với đoàn kết dân tộc và dân chủ đa nguyên.
2. Thiết lập quan hệ chiến lược với các nước dân chủ trong Asean, Nhật bản, Đại hàn, Ấn, Úc và Liên minh Âu châu.
3. Thiết lập quan hệ liên minh chiến lược với Hoa kì, siêu cường quân sự và kinh tế trên thế giới. Ba yếu tố cơ bản này gắn bó hữu cơ mật thiết với nhau. Chỉ khi nào VN có một chế độ dân chủ thực sự thì chính phủ và quốc hội Mĩ mới có thể thương lượng và thông qua các hiệp ước liên minh chiến lược lâu dài với VN. Nếu không có liên minh chiến lược với Hoa kì và các đồng minh chính của Hoa kì thì Bắc kinh sẽ tiếp tục lấn tới. Vì thế dân chủ ở VN và liên minh với Mĩ và các đồng minh của Mĩ là hai tiền đề căn bản để Bắc kinh không dám tiếp tục bành trướng và không dám đụng đến VN!
Âu Dương Thệ

No comments:

Post a Comment