Thứ Hai, 07.03.2016
"...Họ tìm mọi cách, mọi lúc để "đá" dân từ cơ quan này sang cơ quan khác, và biến dân như những trái banh để họ làm tiền. Thực dân Pháp ngày xưa có lẽ cũng không hành dân như cán bộ Nhà nước ngày nay...". Đó là nhận xét của tác giả Nguyễn Văn Tuấn sau một chuyến về thăm lại Việt Nam. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình hôm nay, mời quý thính giả theo dõi tiếp phần cuối bài viết "Việt Nam, cảm nhận từ đường phố" của Nguyễn Văn Tuấn, sẽ được Minh Nguyệt trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh tối nay.
Tôi vừa có một chuyến đi gần 1 tháng ở bên nhà. Đó là một thời gian
tương đối dài đối với tôi, một phần là vì công việc, và một phần khác là
nghỉ hè. Chính vì hai việc này mà tôi có dịp đi đây đó, và có dịp quan
sát quê hương — không phải từ phòng máy lạnh, mà từ thực địa. Tôi e rằng
những quan sát và cảm nhận của tôi hơi bi quan. Thú thật, tôi không
thấy một Việt Nam sẽ "tươi sáng", mà chỉ thấy một đất nước sẽ tiếp tục
tụt hậu và lệ thuộc, nhất là trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN.
1. Một đất nước trên đà suy thoái
Cái ấn tượng chung và bao quát trong chuyến về thăm quê là đất nước
này đang trên đà suy thoái hầu như về mọi mặt. Mặc cho những con số
thống kê kinh tế màu hồng được tô vẽ bởi Nhà nước, trong thực tế thì
cuộc sống của người dân càng ngày càng khó hơn. Hơn 70% dân số là nông
dân hay sống ở miệt quê, nên chúng ta thử xem qua cuộc sống của một gia
đình nông dân tiêu biểu, gồm vợ, chồng và 2 con. Gia đình này làm ra gạo
để các tập đoàn Nhà nước đem đi xuất khẩu lấy ngoại tệ (và chia chác?)
nhưng số tiền mà họ để dành thì chẳng bao nhiêu. Gia đình này có thể có 5
công đất (hoặc cao lắm là 10 công đất), sau một năm quần quật làm việc
"bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cả nhà chỉ để dành khoảng 10-15
triệu đồng, có khi còn không bằng một bữa nhậu của các quan chức.
Cuộc sống của người nông dân là nợ triền miên. Đầu mùa thì vay ngân
hàng để mua giống, mua phân, mua thuốc trừ sâu; thu hoạch xong thì phải
trả nợ cộng tiền lời cho ngân hàng. Rồi đến mùa vụ kế tiếp thì cái vòng
vay – trả nợ lại bắt đầu. Con của người nông dân đi học, thì mỗi đứa
phải gánh ít nhất là 10 loại phí khác nhau, có khi lên đến 20 phí! Các
trường, các uỷ ban nhân dân, các cơ quan công quyền, v.v. đua nhau sáng
chế ra những loại phí để moi móc túi tiền người dân vốn đã quá ít ỏi. Họ
không cần biết người dân có tiền hay không, phí là phí, và phải đóng
phí. Không ít gia đình không có tiền đóng phí nên cho con nghỉ học. Đã
có tình trạng người dân không đủ tiền trả viện phí nên tìm đến con đường
tự tử.
Môi trường sống xuống cấp thê thảm. Sự gia tăng dân số gây áp lực cực
kì lớn đến môi sinh. Mật độ dân số tăng nhanh, ngay cả ở vùng nông
thôn. Có thể nói rằng hầu hết các con sông ở VN đang chết. Tất tần tật,
kể cả heo gà và có khi cả người chết, cũng bị vứt xuống sông. Những con
sông VN đang chết vì chúng đã biến thành những bãi rác di động khổng lồ.
Đó là chưa nói đến sự xâm nhập của nước mặn vào các con sông vùng Đồng
bằng sông Cửu Long, một phần là do mấy cái đập lớn Tàu xây trên thượng
nguồn của sông. Tôi cho rằng sự suy thoái về môi trường là mối đe doạ
lớn nhất đến sự tồn vong của đất nước.
Ở đất nước này, chính quyền đã mắc cái bệnh vô cảm quá lâu, và bệnh
đã trở thành mãn tính, rất khó cứu chữa. Cái bệnh vô cảm của chính quyền
nó còn lan truyền sang cả xã hội, mà trong đó mọi người dùng mọi phương
cách và thủ đoạn để tranh nhau ngoi lên mặt đất mà sống. Có thể nói cả
xã hội đang chạy đua. Cái chữ "chạy" ở VN đã có một ý nghĩa khác. Dân
chạy để đưa con cái vào đại học, vào cơ quan Nhà nước để hi vọng đổi
đời. Quan chức cũng chạy đua vào các chức vụ trong guồng máy công quyền,
và họ chạy bằng tiền. Tiền dĩ nhiên là từ dân. Thành ra, cuối cùng thì
người dân lãnh đủ. Sự suy thoái ở VN diễn ra trên mọi mặt, từ kinh tế,
môi trường, y tế, giáo dục, đến đạo đức xã hội.
2. Đất nước đang bị "bán"
Một anh bạn tôi vốn là một doanh nhân (businessman) thành đạt cứ mỗi
lần gặp tôi là than thở rằng đất nước này đang bị bán dần cho người nước
ngoài. Mà, đúng là như thế thật. Ở khắp nơi, từ Đà Nẵng, đến Nha Trang,
tận Phú Quốc, người ta "qui hoạch" đất để bán cho các tập đoàn nước
ngoài xây resort, khách sạn, căn hộ cao cấp. Một trong những "ông chủ"
mới thừa tiền để mua tất cả của Việt Nam là người Tàu lục địa.
Chẳng những đất đai được bán, các thương hiệu của VN cũng dần dần bị
các tập đoàn kinh tế nước ngoài thu tóm và kiểm soát. Chẳng hạn như các
tập đoàn Thái Lan đã thu tóm những thương hiệu bán lẻ và hàng điện tử
của Việt Nam. Tuy nhiên, người dân có vẻ "ok" khi người Thái kiểm soát
các cửa hàng này, vì dù sao thì người Thái đem hàng của họ sang còn có
phẩm chất tốt và đáng tin cậy hơn là hàng hoá độc hại của Tàu cộng.
Đó là chưa kể một loại buôn bán khác: buôn bán phụ nữ. Phụ nữ Việt
Nam được quảng cáo ở các nước như Tàu, Đài Loan, Singapore và Đại Hàn.
Chưa bao giờ người Việt Nam chịu nhục khi con gái VN được cho đứng trong
lồng kiếng như là những món hàng để người ta qua lại ngắm nghía và trả
giá! Thử hỏi, có người Việt Nam nào tự hào được khi đồng hương mình bị
đem ra rao bán như thế. Xin đừng nói đó là những trường hợp cá biệt; đó
là tín hiệu cho thấy một đất nước đang bị suy thoái về đạo đức xã hội.
3. Tham nhũng tràn lan
Không cần phải nhờ đến tổ chức minh bạch quốc tế chúng ta mới biết
Việt Nam là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới. Chỉ cần tiếp
xúc với hải quan, hay bất cứ cơ quan công quyền nào, người dân đều có
thể nếm "mùi tham nhũng". Tham nhũng từ dưới lên trên, từ bên này sang
bên kia, từ cấp thấp đến cấp cao. Có khi tham nhũng công khai, và kẻ vòi
tiền mặc cả cái giá mà không hề xấu hổ. Các cơ quan Nhà nước phải hối
lộ các cơ quan Nhà nước khác, và họ xem đó là bình thường. Ngay cả những
ngành dịch vụ tưởng như là "trí thức" như giáo dục và y tế mà cũng tham
nhũng, và vì họ có học nên tham nhũng ở hai ngành này còn "tinh tế" hơn
các ngành khác!
Có thể nói là tham nhũng (và hối lộ) đã trở thành một thứ văn hoá.
Cái văn hoá này nó ăn sâu vào não trạng của cán bộ Nhà nước. Đã là văn
hoá thì nó rất khó xoá bỏ một sớm một chiều. Ngay cả ông tổng Phú Trọng
còn thú nhận rằng trạng tham nhũng như "ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó
chịu", nhưng cho đến nay ông cũng không làm được cái gì để giảm tình
trạng này.
Nguyễn Văn Tuấn (tiep theo)
No comments:
Post a Comment