Friday, March 25, 2016

HẬU QUẢ TẤT YẾU CỦA ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP

Thứ Sáu, 25.03.2016
Thưa quý thính giả, Quốc Hội CS Việt Nam quyết định miễn nhiệm 3 chức vụ chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính Phủ và Chủ tịch Quốc Hội vào đầu tháng 4 thay vì chờ đến đầu tháng 7 như Hiến Pháp quy định. Phải chăng quyết định này vi hiến? Mời quý thính giả theo dõi Quan Điểm "Hậu Quả Tất Yếu của Điều 4 Hiến Pháp" của Lực Lượng Cứu Quốc do Hải Nguyên trình bày:
Ngày 10 tháng 3, khai mạc hội nghị lần thứ 2 ban chấp hành trung ương đảng CSVN khóa 12, TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên bố (xin trích) 'cần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung'. Ba ngày sau, Hội nghị này bế mạc với quyết định giới thiệu Ông Trần Đại Quang vào chức danh Chủ tịch Nước, Nguyễn Xuân Phúc vào Thử tướng Chính phủ và Nguyễn Thị Kim Ngân vào Chủ tịch quốc hội. Đây chỉ là hình thức vì chức danh 3 người này đã được quyết định trong Đại Hội 12 cuối tháng Giêng vừa qua.
Một tuần sau Hội nghị trên, ngày 21 tháng 3, Quốc hội VN, cơ quan ngoại vi của đảng CSVN, đã họp phiên cuối, dự trù kéo dài đến ngày 12 tháng 4. Nghị trình phiên họp quy định ngày 31 tháng 3 sẽ bầu tân chủ tịch Quốc hội, và người này sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay sau đó. Chiều cùng ngày Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ngày 2 tháng 4 sẽ bầu tân Chủ tịch nước. Bốn ngày sau, tức 6 tháng 4, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hôm sau, ngày 7/4, Quốc hội bầu Thủ tướng.
Trước sự kiện này, dư luận bàn tán xôn xao vì cho rằng theo Hiến Pháp, ba chức vụ Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội phải được Quốc hội bầu vào đầu tháng 7 trong phiên họp đầu tiên của tân quốc hội, mà theo dự tính, sẽ được bầu ra trong tháng 5. Chẳng hạn, về nhiệm kỳ của Chủ tích nước, điều 87 hiến pháp hiện hành đã quy định rõ, (xin trích) "Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu raChủ tịch nước" (hết trích). Tương tự, Điều 97 quy định nhiệm kỳ của Chính phủ, (xin trích) "Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ mới." (hết trích).
Dựa vào các điều khoản của Hiến Pháp vừa kể, dư luận cho rằng phe nhóm ông Nguyễn Phú Trọng, vì muốn loại ngay phe cánh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên đã hành xử bất chấp Hiến Pháp. TBT Trọng muốn loại ngay ông Dũng khỏi chức vụ Thủ tướng đầy quyền lực ít nhất cũng vì hai lý do hiện tiền. Một là để phe ông Dũng không còn kịp huy động, tổ chức lực lượng, hầu có thể phản công lại phe cánh Trọng. Và hai là để Dũng không còn là nhân vật chủ động đón tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama khi qua thăm Việt Nam vào tháng 5 sắp tới.
Thật ra trách cứ TBT Nguyễn Phú Trọng, nói riêng, hay tập đoàn nắm quyền lãnh đạo đảng CSVN nói chung, có hành động "vi hiến" khi không tôn trọng các điều khoản 87 và 97 thì mới chỉ nhìn thấy nửa sự thật !
Thật vậy, mặc dù nhóm Nguyễn Phú Trọng vi phạm điều 87 và 97, nhưng nếu vì lợi ích của Đảng, thì Đảng có quyền "đứng ngoài và đứng trên luật pháp" như Điều 4 Hiếp Pháp đã cho phép. Nguyên văn của điều khoản này như sau (xin trích) "Đảng CSVN là Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác –Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội"
Cái lợi ích mà TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, như đã nói ở trên, là để "bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung.'
Nếu Điều 4 này đã cho Đảng CSVN đứng trên và đứng ngoài luật pháp thì việc vi phạm các điều 87 và 97 đâu có gì đáng ngạc nhiên. Cũng chính Điều 4 đã cho phép một nhúm đảng viên Đảng CSVN, qua Đại Hội 12, chọn Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, thay cho gần 90 triệu nhân dân Việt Nam, thì việc quyết định chấm dứt nhiệm kỳ sớm hơn vài tháng của các chức vụ này có gì đáng nói.
Tóm lại, cái đại nạn của Dân Tộc Việt chính là Điều 4 Hiến Pháp. Chừng nào Điều khoản này còn, tức là Đảng CSVN vẫn là chủ nhân ông đất nước duy nhất và vĩnh viễn, thì những trò "vi hiến" này còn tiếp tục diễn ra./.
Lực Lượng Cứu Quốc

No comments:

Post a Comment