Thứ Hai, 28.03.2016
Cộng sản VN khinh thường trí thông minh của dân Việt bằng cách lớn lối hô hào chống tham nhũng, nhưng mắt khác, qua chỉ thị 15 của Trung Ương Đảng, cấm công an điều tra hành vi tham nhũng của cán bộ. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề: "Tham nhũng và chống tham nhũng ở Việt Nam."sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Nạn tham nhũng hoành hành ở Việt Nam là điều hầu như ai cũng biết. Cả
thế giới biết: Trong các bảng xếp hạng về chỉ số tham nhũng của các tổ
chức quốc tế, Việt Nam bao giờ cũng là một trong những quốc gia đứng đầu
trong danh sách các quốc gia tham nhũng nhiều nhất. Người dân Việt Nam
lại càng biết rõ điều đó. Ở đâu và làm gì cũng thấy tham nhũng. Việt
kiều về nước, để khỏi bị hạnh hoẹ ở phi trường, nhiều người kẹp vài chục
đô la trong passport. Đi làm giấy tờ, để cho nhanh, người ta phải đút
lót cho cán bộ. Tìm trường học cho con cái, người ta phải hối lộ. Vào
bệnh viện, muốn có giường nằm tốt, người ta phải xì tiền ra cho y tá.
Lái xe trên đường, phạm lỗi, người ta phải gí tiền vào tay cảnh sát giao
thông.
Tôi có một số sinh viên và người quen, sau khi học xong ở Úc, về Việt
Nam, gõ bao nhiêu cánh cửa, tất cả đều im bằn bặt, cuối cùng, theo lời
khuyên của người trong nước, chịu hối lộ mới có được việc làm tương đối
khá. Nói chuyện với một số người có thẩm quyền ở Việt Nam, tôi được biết
đó là một hiện tượng phổ biến. Tốt nghiệp ở các trường Sư phạm, muốn có
việc làm trong thành phố: hối lộ. Tốt nghiệp Y khoa, muốn có việc làm
trong các bệnh viện lớn: hối lộ. Nói chung không có việc làm nào có mức
lương kha khá trong bộ máy nhà nước lại không cần hối lộ. Ngay cả quan
chức chính quyền cũng hối lộ. Mỗi chiếc ghế đều có cái giá của nó. Những
chiếc ghế béo bở, giá càng cao.
Tất cả các hình thức vừa nêu, hầu như ai cũng có thể nhìn thấy. Theo
một cuộc điều tra của tổ chức quốc tế vào năm 2013, trong số những người
Việt Nam được hỏi, chỉ có 18% nói tham nhũng có chiều hướng giảm; 27%
cho tham nhũng vẫn y nguyên; và 55% cho tham nhũng càng lúc càng gia
tăng.
Chính các cán bộ Việt Nam cũng thừa nhận điều đó. Đại biểu Quốc Hội
Nguyễn Ngọc Phương phát biểu công khai: "Hầu hết mọi lĩnh vực đều có
tham nhũng, người không tham nhũng bị người tham nhũng cô lập, tham
nhũng chính sách cho hộ nghèo, chế độ chính sách với người có công. Tham
nhũng vặt và hối lộ công diễn ra phổ biến và nghiêm trọng. Hối lộ xảy
ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán."
Tuy nhiên, những hình thức tham nhũng mà ai cũng dễ dàng nhìn thấy ấy
đều là những vụ tham nhũng nho nhỏ, từ vài chục đến vài trăm hay vài
ngàn đô la. Chúng làm cho dân chúng bất mãn, niềm tin đối với chế độ bị
bào mòn. Nhưng ở Việt Nam còn có những hình thức tham nhũng lớn và
nghiêm trọng hơn rất nhiều. Rõ nhất là trong các dự án, các cuộc đấu
thầu, các hợp đồng kinh tế, các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng
cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị, v.v... Hầu như không có dự án lớn nào,
muốn được chấp nhận, người ta lại không phải hối lộ. Ngay cả các dự án
quốc tế, do những tổ chức ngoại quốc thực hiện, người ta cũng phải hối
lộ. Chính phủ cũng như báo chí tại Nhật và Úc đã nhiều lần lên tiếng tố
cáo các việc hối lộ này (trong đó gây ồn ào nhất là vụ nhận hối lộ của
ông Huỳnh Ngọc Sĩ trong Ban Quản lý dự án PMU tại thành phố Hồ Chí Minh
và vụ nhận hối lộ của ông Lê Đức Thuý trong việc in tiền Việt Nam tại
Úc). Số tiền hối lộ có khi lên đến cả hàng triệu đô la.
Hình thức tham nhũng thứ hai này gắn liền với những người có thế lực
lớn trong xã hội, nghĩa là những cán bộ cao cấp trong guồng máy lãnh đạo
đảng và nhà nước. Đó là lý do tại sao hầu như tất cả các cán bộ cao cấp
đều giàu có một cách bất thường. Lương của họ, trên nguyên tắc, rất
thấp, nhưng trên thực tế, tài sản của người nào cũng cao ngất ngưởng,
nhà đất thì ê hề, con cái thì đi du học tự túc ở những quốc gia đắt đỏ
nhất thế giới. Chúng ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy điều đó qua hình
ảnh nhà cửa của các cựu Tổng bí thư đảng, từ Lê Khả Phiêu đến Nông Đức
Mạnh: nhà người nào cũng giống như lâu đài nguy nga và hết sức tráng lệ.
Căn cứ vào mức lương chính thức của họ, không ai có thể giải thích được
những sự giàu có và xa hoa ấy cả.
Gắn liền với giới lãnh đạo cao cấp ấy là các nhóm thường được gọi là
"nhóm lợi ích", những người có tiền và biết cách dùng tiền để ảnh hưởng
đến các chính sách của chính phủ, đặc biệt các chính sách liên quan đến
giải toả đất đai, xây dựng các cơ sở hạ tầng cũng như các dự án xã hội, y
tế, giáo dục. Những việc "chạy dự án" này tạo nên một khối liên minh
giữa những người có tiền và những người có quyền, làm cho những người có
tiền trở thành có quyền và những người có quyền thì có thêm tiền. Chúng
làm lũng đoạn nền kinh tế quốc gia dẫn đến sự phá sản của nhiều đại
công ty và khiến nợ công càng ngày càng chồng chất.
Chính vì gắn liền với những người có tiền và có quyền nên loại tham
nhũng này rất khó bị phát hiện. Nói cho chính xác hơn: Không có ai dám
phát hiện. Mới đây, thiếu tướng công an Phan Anh Minh cho biết, theo
luật tại Việt Nam (qua chỉ thị 15-CT/TW của Bộ chính trị), công an không
được quyền trinh sát đảng viên. Mà tất cả các cán bộ cao cấp đều là
đảng viên, hơn nữa, đều là đảng viên cao cấp, thuộc Ban chấp hành Trung
ương, thậm chí Bộ chính trị. Không được phép theo dõi, những người có
bổn phận điều tra tham nhũng đành bó tay trước những kẻ tham nhũng.
Mà có theo dõi và có phát hiện tham nhũng, người ta cũng không dám tố
cáo vì không dám đụng đến những người có quyền lực hơn hẳn mình. Đó là
lý do tại sao ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, tiết
lộ về nguy cơ "người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng" và
thành thực thú nhận: "Chống có khi chúng tôi chết trước". Và đó cũng là
lý do tại sao mặc dù đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam lúc nào cũng
lớn tiếng hô hào phòng và chống tham nhũng nhưng nạn tham nhũng, một
mặt, rất ít bị phát hiện và mặt khác, càng ngày càng hoành hành dữ dội.
Không có một nỗ lực chống tham nhũng nào có thể thành công khi những người dễ tham nhũng nhất lại nằm ngoài và ở trên pháp luật.
Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment