Chủ Nhật, 20.03.2016
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh, HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả của đài DLSN cùng chị HA.
Hoàng Ân: Thưa anh TA, anh có ghi nhận như thế nào
trước việc nhà cầm quyền Hà Nội đã chụp mũ lên đầu các ứng cử viên độc
lập khi họ đứng ra ứng cử vào quốc hội?
Trường An: Theo như tôi được biết, một thành viên
của cái gọi là tiểu ban an ninh của hội đồng bầu cử đã tuyên bố là có
những "tổ chức phản động" đứng sau lưng những người tự ứng cử vào quốc
hội lần này.
Các tờ báo lề đảng không nêu danh tính quan chức bố láo này, nhưng
cho biết lời tuyên bố được nêu ra trong buổi họp giữa ban giám sát bầu
cử với phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội. Và vì lý do "phản
động" nên một số ứng viên đã bị loại khỏi danh sách ứng cử trong vòng sơ
tuyển lần thứ hai của Mặt trận Tổ quốc VN, một cơ quan ngoại vi của
đảng CSVN.
Xin được nhắc lại là trong mấy tuần qua, rất nhiều nhân sĩ trí thức,
không phải là đảng viên, đã nộp đơn xin ứng cử vào quốc hội khóa 14. Bà
Nguyễn Thị Ngọc Bích, chủ tịch ủy ban bầu cử Hà Nội, cho biết có 47
người tự ứng cử tại thành phố này, nhưng ủy ban phải loại trừ một số
người mà bà này gọi là "đối tượng đặc biệt".
Việc vu cáo và chụp mũ phản động lên đầu những ứng viên độc lập giúp
cho dư luận thấy rõ thêm bộ mặt "dân chủ đến thế là cùng" mà Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã đắc chí tuyên bố sau khi loại được phe cánh Nguyễn
Tấn Dũng trong đại hội đảng vào đầu tháng Giêng vừa qua.
ĐPV Hoàng Ân: Theo như tôi được biết mặc dù bị nhà
cầm quyền VN gây khó khăn cho các ứng cử viên độc lập đứng ra ứng cử vào
quốc hội, tuy nhiên vẫn có hàng chục ứng cử viên độc lập đã vượt qua
được vòng loại thứ 2. Xin anh nói rõ hơn về việc này để quý thính giả
của đài được tường tận hơn?
PV Trường An: Đúng như chị vừa nói, theo công bố của
nhà cầm quyền VN thì hàng chục ứng viên độc lập, không do đảng cộng sản
đề cử, đã lọt qua được vòng tuyển chọn thứ nhì của Mặt trận Tổ quốc VN.
Được biết tại Hà Nội thì có 50 người tự ra ứng cử vào quốc hội, trong
số đó có Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diệu và thầy giáo Đỗ Việt
Khoa. Tại Sài Gòn cũng có hàng chục nhân sĩ trí thức ra ứng cử tại các
đơn vị cử tri. Và tại tỉnh Phú Yên thì Luật sư Võ An Đôn cũng có tên
trong danh sách ứng cử viên quốc hội.
Nhân đây tôi xin được nói thêm là vào đầu tuần này, một thành viên
thuộc hội đồng bầu cử quốc gia đã lớn tiếng cáo buộc là một số ứng viên
độc lập có thế lực "phản động" đứng đằng sau yểm trợ. Ngay lập tức nhiều
ứng cử viên đã gửi thư đến hội đồng yêu cầu giải thích về lời tuyên bố
láo lếu nói trên. Thiếu tướng Lê Mã Lương, một thành viên ban chấp hành
trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, nói rằng, việc đưa ra cáo buộc vô bằng
chứng nói trên là gây phương hại đến danh dự của những ứng viên độc lập.
ĐPV Hoàng Ân: Vào hôm thứ 3 vừa qua công an huyện
Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã huy động hàng chục côn đồ đến trước nhà tù nhân
lương tâm Trần Minh Nhật để chửi bới và đe dọa gia đình anh trước sự
chứng kiến của hàng chục bạn bè trong giới đấu tranh đang đến thăm anh.
Xin anh nhắc lại sự kiện này để quý thính giả của đài cùng nghe?
PV Trường An: Theo tôi được biết khi xe vừa đến địa
phận Lâm Hà thì đoàn bị lực lượng an ninh mang thường phục sách nhiễu và
buộc xe quay trở lại Sài Gòn. Tuy nhiên mọi người đã cùng lên tiếng
phản đối hành vi sách nhiễu, ngăn cản quyền tự do đi lại của công dân và
quyết tâm không quay đầu xe và tiếp tục tiến về khu đất của cựu tù nhân
lương tâm Trần Minh Nhật. Ngay lập tức, công an đã huy động hàng chục
tên côn đồ, trong đó có những đồng bào thiểu số, bao vây trước cổng và
la hét chửi bới.
Cho đến 2 giờ chiều, khi phái đoàn ra về thì không thể di chuyển vì
trên đường chất đầy những đống đá lớn và bị đám côn đồ ném đá vào xe. Vì
là con đường độc đạo nên phái đoàn đành phải quay lại nhà anh Nhật khi
ấy đã bị cúp điện. Gia đình đã liên tục gọi điện cầu cứu nhưng không ai
can thiệp
ĐPV Hoàng Ân: Vào sáng sớm ngày 18/3, bạo quyền Sài
Gòn đã huy động một lực lượng đông đảo đến cưỡng chiếm nhà cửa của 200
gia đình tại phường Bình Hưng Hòa thuộc quận Bình Tân. Anh có ghi nhận
như thế nào trước việc này?
PV Trường An: Đây là khu vực nằm trong cái gọi là dự
án Tham Lương – Bến Cát, được tiến hành từ năm 2004 để giải quyết tình
trạng ngập lụt tại thành phố Sài Gòn. Ngân hàng Thế giới đã cho vay
khoảng 350 triệu Mỹ kim để bồi thường việc trưng thu đất đai và nhà cửa
của 3 ngàn gia đình trong khu vực. Thế nhưng, những gia đình bị mất nhà
cửa chỉ nhận chưa tới một phần mười số tiền bồi thường.
Chính vì thế, sau nhiều lần đe dọa và cưỡng bức, chỉ có khoảng 2800
gia đình đồng ý nhận tiền và chuyển sang nơi khác sinh sống, trong khi
200 gia đình còn lại vẫn tiếp tục chống đối hơn 10 năm qua.
Được biết là vào buổi tối trước khi diễn ra vụ cưỡng chiếm, nhà cầm
quyền đã tổ chức một cuộc họp với các gia đình nạn nhân. Khi bị chất vấn
về số tiền đền bù, phó chủ tịch quận Bình Tân né tránh trả lời và tuyên
bố cuộc họp chỉ nhằm giải thích về ranh giới của dự án, chứ không giải
quyết các vấn đề khác.
ĐPV Hoàng Ân: Thế còn việc dân oan Nguyễn Thị Tâm đã
mạnh mẽ tố cáo viên công an điều tra đã dùng báng súng đánh đập để ép
bà nhận tội, khiến một bên lỗ tai của bà đã bị điếc thì sao thưa anh?
PV Trường An: Theo tôi được biết trong phiên xử phúc
thẩm vào hôm 16/3 vừa qua, tòa án tỉnh Bình Phước đã tuyên án 2 năm 6
tháng và 17 ngày tù đối với bà Nguyễn Thị Tâm. Số ngày tù này vừa đúng
với số ngày bà Tâm bị bắt giam nên được trả tự do ngay sau đó. Khi vừa
kết thúc phiên xử, bà Tâm ôm cô con gái và bật khóc trong uất hận.
Theo lời kể của bà Tâm, trong thời gian gọi là điều tra vụ án "gây
rối trật tự công cộng", tên đại úy công an Nguyễn Đình Khuyên của huyện
Bù Đăng đã bắt bà quỳ xuống, sau đó dẫm lên hai tay bà và dùng báng súng
đánh đập khiến bà bị điếc một lỗ tai và thường bị khó thở suốt hai năm
qua.
Cũng trong phiên tòa nói trên, ông Ngô Văn Huynh, chồng bà Tâm, bị
kết án 3 năm tù vì thế phải thọ án thêm 6 tháng nữa. Đau khổ hơn nữa là
gia đình bà Tâm đã bị cướp đi toàn bộ ruộng vườn, không biết sẽ sinh
sống ra sao trong những ngày tới.
ĐPV Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực kinh tế, trong
cuộc hội thảo về hiệp ước TPP, do Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức,
giới doanh nghiệp VN đã lên tiếng than phiền về thủ tục hành chính đã
gây khó khăn cho họ rất nhiều. Xin anh nói rõ hơn việc này?
PV Trường An: Đúng vậy! Theo ông Trương Văn Cẩm,
Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN, nêu lên một ví dụ là phải mất đến 6
tháng làm thủ tục thì mới nhập được một chiếc máy in vải về VN. Hơn thế
nữa, việc thay đổi chính sách liên tục cũng khiến cho giới doanh nghiệp
cảm thấy chóng mặt và đã than phiền rất nhiều nhưng cho đến nay vẫn
không thấy sửa đổi.
Ngoài sự than phiền về thủ tục hành chính, các doanh nghiệp cũng cho
biết là mặc dù họ biết hiệp ước TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho nền
kinh tế VN nhưng đa số rất mù mờ về nội dung của nó. Theo bà Anabel
GonZalez, giám đốc phòng thương mại Ngân hàng Thế giới thì VN cần phải
cải tổ gấp rút về thủ tục hành chính, tăng cường lãnh vực tư nhân và
hiệu năng sản xuất thì mới tận dụng được lợi thế khi gia nhập vào khối
TPP.
ĐPV Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin
tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt
và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment