200 GIA ĐÌNH BỊ CƯỠNG CHIẾM NHÀ CỬA Ở SÀI GÒN
Vào sáng sớm hôm qua, bạo quyền Sài Gòn đã huy động một lực lượng
đông đảo đến cưỡng chiếm nhà cửa của 200 gia đình tại phường Bình Hưng
Hòa thuộc quận Bình Tân.
Đây là khu vực nằm trong cái gọi là dự án Tham Lương – Bến Cát, được
tiến hành từ năm 2004 để giải quyết tình trạng ngập lụt tại thành phố
Sài Gòn. Ngân hàng Thế giới đã cho vay khoảng 350 triệu Mỹ kim để bồi
thường việc trưng thu đất đai và nhà cửa của 3 ngàn gia đình trong khu
vực. Thế nhưng, những gia đình bị mất nhà cửa chỉ nhận chưa tới một phần
mười số tiền bồi thường.
Chính vì thế, sau nhiều lần đe dọa và cưỡng bức, chỉ có khoảng 2800
gia đình đồng ý nhận tiền và chuyển sang nơi khác sinh sống, trong khi
200 gia đình còn lại vẫn tiếp tục chống đối hơn 10 năm qua.
Được biết là vào buổi tối trước khi diễn ra vụ cưỡng chiếm, nhà cầm
quyền đã tổ chức một cuộc họp với các gia đình nạn nhân. Khi bị chất vấn
về số tiền đền bù, phó chủ tịch quận Bình Tân né tránh trả lời và tuyên
bố cuộc họp chỉ nhằm giải thích về ranh giới của dự án, chứ không giải
quyết các vấn đề khác.
HÀNG CHỤC ỨNG VIÊN ĐỘC LẬP VƯỢT QUA VÒNG LOẠI THỨ NHÌ
Theo công bố của nhà cầm quyền VN thì hàng chục ứng viên độc lập,
không do đảng cộng sản đề cử, đã lọt qua được vòng tuyển chọn thứ nhì
của Mặt trận Tổ quốc VN.
Tại Hà Nội thì có 50 người tự ra ứng cử vào quốc hội, trong số đó có
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diệu và thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Tại
Sài Gòn cũng có hàng chục nhân sĩ trí thức ra ứng cử tại các đơn vị cử
tri. Và tại tỉnh Phú Yên thì Luật sư Võ An Đôn cũng có tên trong danh
sách ứng cử viên quốc hội.
Cần nhắc lại là vào đầu tuần này, một thành viên thuộc hội đồng bầu
cử quốc gia đã lớn tiếng cáo buộc là một số ứng viên độc lập có thế lực
"phản động" đứng đằng sau yểm trợ. Ngay lập tức nhiều ứng cử viên đã gửi
thư đến hội đồng yêu cầu giải thích về lời tuyên bố láo lếu nói trên.
Thiếu tướng Lê Mã Lương, một thành viên ban chấp hành trung ương Mặt
trận Tổ quốc VN, nói rằng, việc đưa ra cáo buộc vô bằng chứng nói trên
là gây phương hại đến danh dự của những ứng viên độc lập.
QUỐC HỘI PHÁP THÔNG QUA HIỆP ƯỚC HỢP TÁC TOÀN DIỆN ÂU CHÂU – VN
Hạ viện Pháp vào hôm qua đã chính thức thông qua hiệp ước hợp tác
toàn diện giữa Liên hiệp Âu châu và VN (gọi tắt là PCA), nâng tổng số
các nước Âu châu chấp thuận hiệp ước này là 26 nước. Hiện chỉ còn Hy Lạp
và Ý là hai nước chưa thông qua hiệp ước PCA.
Cần biết là hiệp ước hợp tác toàn diện giữa VN và Liên hiệp Âu châu
đã hoàn tất vào cuối tháng 6 năm 2012, nhưng chỉ có hiệu lực sau khi mọi
thành viên trong khối Âu châu đồng ý thông qua. Nội dung hiệp ước sẽ
giúp hai bên tiếp cận thị trường một cách thuận lợi và dễ dàng hơn.
Trong khi đó thì bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế
(IMF), tuyên bố tại Hà Nội là tổ chức tài chánh này sẽ gia tăng hợp tác
và giúp đỡ VN phát triển. Phát biểu trong buổi gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng tại Hà Nội, bà Lagarde cam kết là IMF sẽ trợ giúp kỹ thuật và
đào tạo chuyên viên cho VN. Tuy nhiên VN cần phải cải tiến năng suất lao
động, thủ tục hành chính và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Đổi lại thì vị thủ tướng sắp mãn nhiệm của VN tuyên bố là sẽ gia tăng
tốc độ cải cách, cải thiện guồng máy hành chánh và thúc đẩy nhân quyền
dân chủ.
QUÂN ĐỘI MỸ MUỐN XÂY DỰNG CÁC KHO TIẾP LIỆU Ở VN VÀ CAMPUCHIA
Quân đội Mỹ đang có kế hoạch xây dựng những kho tiếp liệu tại VN,
Campuchia và một số nước khác ở vùng Thái Bình Dương, nhằm gia tăng khả
năng cung ứng thiết bị ngay tại chỗ cho các binh sĩ Mỹ trong các hoạt
động cứu trợ thiên tai. Ngoài các kho tiếp liệu này, quân đội Mỹ cũng dự
trù xây dựng một bệnh viện dã chiến tại Campuchia.
Mặc dù các tướng lãnh Mỹ nhấn mạnh rằng, các thiết bị này không phải
là vũ khí hay đạn dược, nhưng kế hoạch này chắc chắn sẽ gặp sự chống đối
mạnh mẽ của Trung Cộng.
Trong một diễn biến khác, cũng liên quan đến vấn đề quân sự, vào hôm
qua một chiến hạm Singapore đã tiến vào hải cảng Cam Ranh. Đây là chiến
hạm ngoại quốc đầu tiên ghé thăm cảng quốc tế Cam Ranh, sau khi cảng này
được khánh thành vào ngày 8/3 vừa qua.
Cần nhắc lại cảng Cam Ranh được đánh giá là một trong những hải cảng
tốt nhất thế giới, với mực nước sâu trung bình là 20 thước. Trước năm
1975, Hoa Kỳ đã xây dựng phi trường và cầu cảng tại đây. Sau năm 1975,
VN đã cho Nga thuê để xử dụng từ năm 1979 đến năm 2002. Vào ngày 8/3 vừa
qua, cảng này được khánh thành với mục tiêu cung cấp dịch vụ hàng hải
quốc tế.
CÁC CÔNG TY ĐỨC, NHẬT, PHÁP TRANH GIÀNH HỢP ĐỒNG ĐÓNG TÀU NGẦM CHO ÚC
Đại công ty ThyssennKrupp của Đức vào hôm qua tuyên bố là nếu nước
Nhật trúng thầu đóng tàu ngầm loại mới cho Úc thì sẽ khiến Trung Cộng
tức giận. Vì thế tốt nhất là nước Úc nên giao hợp đồng này cho công ty
Đức.
Cần biết là ngoài hai nước Đức và Nhật đang tranh giành hợp đồng lên
đến 43 tỷ Mỹ kim này, còn có một công ty Pháp cũng đang bỏ thầu để đóng
12 tàu ngầm loại mới cho hải quân Úc . Theo dự trù thì chính phủ Úc sẽ
loan báo công ty trúng thầu vào cuối năm nay, nhưng dư luận tin rằng
công ty Misubishi của Nhật có nhiều triển vọng trúng thầu dự án này.
Phát biểu tại câu lạc bộ báo chí quốc gia Úc vào hôm qua, Tổng giám
đốc công ty ThyssennKrupp của Đức, ông Han Atzpodien, tuyên bố là việc
giao cho công ty ông dự án này sẽ giúp cho nước Úc không bị khó xử với
Trung Cộng, vì nước Đức không liên quan gì đến các tranh chấp ở vùng
biển Thái Bình Dương.
No comments:
Post a Comment