Thứ Ba, 29.03.2016
NỀN KINH TẾ VIỆT NAM SẼ THIỆT HẠI NẶNG VÌ HẠN HÁN Ở MIỀN NAM
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm mạnh trong 3 tháng
qua, và khó có thể đạt được mức 6.7% mà nhà cầm quyền đề ra trong năm
nay. Nguyên nhân chính yếu là tình trạng hạn hán nặng nề tại miền nam,
miền trung và tây nguyên.
Phát biểu trong phiên họp vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Kế hoạch và
Đầu tư Việt Nam, ông Bùi Quang Vinh, cho biết là tốc độ tăng trưởng
trong 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt mức 5.46%. Theo ông Vinh thì có nhiều
nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm, nhưng chủ yếu nhất là vì thiên tai hạn
hán đang tác hại nặng nề đến các lãnh vực nông, lâm và ngư nghiệp. Điều
này cũng sẽ khiến Việt Nam càng thêm lệ thuộc vào Trung Cộng, quốc gia
đang nắm giữ nguồn nước sông Mekong.
Theo số liệu thống kê thì sản lượng lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu
Long, vựa lúa lớn nhất quốc gia, đã sụt giảm hơn 700 ngàn tấn trong 3
tháng đầu năm nay, trong khi tỷ lệ tăng trưởng của ba ngành nông, lâm và
ngư nghiệp cũng sụt giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhiều
chuyên gia thì tình trạng hạn hán sẽ tiếp tục gây nhiều tác hại trong
thời gian tới, mà nguyên nhân chủ yếu là Việt Nam đã quá chậm chân so
với các nước như Thái Lan trong việc hoạch định các biện pháp đối phó
với việc Trung Cộng xây đập ở thượng nguồn.
DÂN NHA TRANG BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI VIỆC TRƯNG THU RUỘNG ĐẤT
Hàng chục gia đình ở xã Vình Thái đã mở cuộc biểu tình trước trụ sở
hành chính tỉnh Khánh Hòa nhằm phản đối việc cưỡng chế thu hồi ruộng đất
của họ để làm công trình thoát lũ từ cầu Phú Vinh về sông Tắc.
Đây là dự án chống ngập lụt được tiến hành từ năm 2010, nhưng bị
người dân xã Vĩnh Thái phản đối mạnh mẽ vì số tiền bồi thường đất đai
quá thấp và không dàn xếp nơi tái định cư cho họ. Vào năm 2014, nhà cầm
quyền tỉnh Khánh Hòa cấp đất cho 34 gia đình ở thôn Thủy Tú nhưng lại
không cấp tiền để xây dựng nhà cửa.
Cần nói thêm là với chủ trương mở rộng thành phố về hướng tây, nhà
cầm quyền tỉnh Khánh Hòa đã thông qua nhiều dự án tại xã Vĩnh Thái, với
tổng cộng hơn 1400 mẫu ruộng đất của dân bị cướp đoạt để giao cho các
công ty tư nhân.
Một người dân tham dự cuộc biểu tình vào hôm qua đã tức giận đặt câu
hỏi là tại sao lại lấy đất của dân để làm kênh thoát nước, trong khi mấy
năm qua nhà cầm quyền lại cho phép các công ty đổ đất lắp các kênh
mương thiên nhiên để làm nền xây chung cư?
MỘT PHỤ NỮ VIỆT NAM THOÁT ÁN TỬ HÌNH Ở MÃ LAI
Một phụ nữ Việt Nam đã bật khóc tại tòa phúc thẩm khi bồi thẩm đoàn
không đồng ý với bản án tử hình mà tòa sơ thẩm Mã Lai đưa ra trước đây.
Phụ nữ này là bà Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết 27 tuổi, bị cảnh sát Mã Lai
bắt giữ vào năm 2011 với cáo buộc buôn lậu ma túy. Tuy nhiên hai quan
chức công an Việt Nam đã ra tòa làm chứng là bà Tuyết bị một người bạn
lừa gạt khi nhờ bà mang giùm một túi xách, trong đó có hai ký băng
phiến, tức ma túy đá. Các công an này cho biết là họ đã bắt giữ được chủ
nhân số ma túy này là Trần Thanh Tâm ở Sài Gòn vào cuối năm 2011.
Trong phiên tòa kháng án vào hôm qua, bồi thẩm đoàn bác bỏ bản án tử
hình mà tòa Mã Lai đưa ra vào ngày 18/7/2012, thay vào đó là bản án 20
năm tù đối với bà Tuyết về tội sở hữu ma túy.
NHẬT BẢN KHÁNH THÀNH HỆ THỐNG RADAR Ở BIỂN HOA – NHẬT
Để đối phó với dã tâm xâm lược của Trung Cộng, chính phủ Nhật đã
thiết lập một hệ thống quan sát điện tử tối tân trên đảo Yonaguni nhằm
theo dõi các hoạt động của không quân và hải quân Trung Cộng tại vùng
biển Hoa – Nhật.
Đài radar Yonaguni được khánh thánh vào hôm qua, cách Đài Loan khoảng
100 cây số về hướng đông và cách quần đảo Senkaku 150 cây số về hướng
nam. Đây là hòn đảo có diện tích khoảng 30 cây số vuông, với khoảng 1500
dân Nhật đang sinh sống trên đảo.
Ngoài nhiệm vụ quan sát mọi chuyển động của quân Trung Cộng, hệ thống
radar này cũng giúp ích rất nhiều cho các cuộc hành quân của Nhật trong
khu vực. Cần nói thêm là Nhật dự trù sẽ gia tăng thêm 20% quân số trong
vùng biển Hoa – Nhật, đồng thời sẽ bố trí các giàn phi đạn dọc theo
1400 cây số miền tây duyên hải, trải dài từ đảo Kyushu đến sát đảo quốc
Đài Loan.
LÀN SÓNG DI DÂN ĐẾN ÂU CHÂU BẮT ĐẦU KHỰNG LẠI
Làn sóng di dân đổ vào Âu châu bắt đầu sụt giảm mạnh sau khi hiệp ước
giữa Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có hiệu lực kể từ tuần
qua. Điển hình là con số người vượt biển đến Hy Lạp qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ
đã giảm mạnh vì biết rõ là họ sẽ bị trả về lại nơi xuất phát theo hiệp
ước nói trên.
Tại khu vực Izmir, các cư dân cho biết là mỗi ngày chỉ còn khoảng vài
chục di dân tìm cách vượt biển đến Hy Lạp, so với con số vài ngàn người
của một tuần lễ trước đó.
Theo hiệp ước với châu Âu, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được Âu châu chi
tiền để trục xuất những di dân nhập cư về lại nơi xuất phát.
No comments:
Post a Comment