ỦY BAN BẢO VỆ KÝ GIẢ CPJ KÊU GỌI HÀ NỘI PHÓNG THÍCH TÙ NHÂN NGUYỄN THỊ MINH THÚY.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã ra thông cáo
kêu gọi trả tự do cho 9 nhà báo nữ đang bị các chế độ độc tài bỏ tù.
Trong số này có bà Nguyễn Thị Minh Thúy, người cùng bị bắt với blogger
Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh và chưa đưa ra xét xử suốt hai năm qua.
Theo ghi nhận của tổ chức nói trên thì trong số 199 nhà báo bị cầm tù
trên thế giới, chỉ có 9 người là phụ nữ. Tại châu Á, trong số 71 nhà
báo đang ở tù vì các bài viết chống tham nhũng hay cổ xúy cho dân chủ
thì có 4 người là phụ nữ, trong số đó có bà Nguyễn Thị Minh Thúy ở VN.
Trong khi đó thì tại Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Bill Cassidy vừa đệ trình
một dự luật nhằm ngăn chận các hành vi đàn áp nhân quyền của VN. Một
trong những nội dung chính là ép buộc Hà Nội phải đáp ứng một số cải
thiện về nhân quyền mà Hoa Kỳ ấn định trong mỗi năm, nếu không thì sẽ bị
Hoa Kỳ cắt bỏ các khoản viện trợ nhân đạo.
Tiến sĩ Cassidy, một thành viên thuộc ủy ban nhân quyền Thượng viện
Mỹ, cũng đề nghị là VN phải tiến hành cụ thể các bước cải thiện về nhân
quyền, trước khi Hoa Kỳ tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí có sức hủy diệt rộng
lớn cho VN.
HÀ NỘI YÊU CẦU TRUNG CỘNG ĐIỀU TRA VỀ VỤ ĐỤNG CHÌM TÀU CÁ KHÁNH HÒA.
Bộ ngoại giao VN vừa gửi công hàm yêu cầu Trung Cộng phối hợp điều
tra vụ chiến hạm Trung Cộng đụng chìm một tàu cá VN ở vùng biển Hoàng
Sa, khiến 5 ngư dân mất tích.
Cần nhắc lại là vào sáng thứ Ba 8/3 vừa qua, một chiếc tàu cá của
tỉnh Khánh Hòa đã bị một cái mà nhà cầm quyền gọi là "tàu lạ" lao đến
húc chìm khi đang câu cá ngừ ở vùng biển Hoàng Sa. Năm ngư dân bị hất
văng xuống biển và hiện chưa tìm được tung tích. Chiếc tàu do ông Nguyễn
Tầm làm thuyền trưởng, có chiều dài 17 thước với tổng trị giá con tàu
cùng thiết bị hơn 50 ngàn Mỹ kim.
Trong khi đó thì hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam vào hôm qua yêu cầu giới
quan chức VN phải lên tiếng phản đối hành vi vô nhân đạo của lực lượng
hải cảnh Trung Cộng trong vụ tấn công cướp bóc tài sản của một tàu cá
tỉnh này.
Cần biết là cứ sau mỗi vụ Trung Cộng tấn công, thậm chí là nổ súng
bắn chết ngư dân, Hà Nội thường thì im lặng và chỉ có các hội đoàn ngư
dân địa phương giận dữ phản đối và yêu cầu Trung Cộng phải bồi thường.
Tuy nhiên, sao một thời gian ngắn thị mọi chuyện đều bị chìm xuồng và
không còn được nhắc đến nữa.
THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG SẼ MÃN NHIỆM SỚM.
Quốc hội VN sẽ nhóm họp 12 ngày để tiến hành việc chia ghế cho nhiệm
kỳ tới, làm dấy lên tin đồn là nội các Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải bàn giao
chức vụ trước khi có kết quả chính thức của việc "đảng cử dân bầu" vào
cuối tháng 5.
Theo loan báo vào sáng hôm qua, phiên họp lần thứ 11 của quốc hội
đương nhiệm sẽ khai mạc vào ngày 25/3 để sắp xếp giàn lãnh đạo nhà nước.
Đây là lãnh vực sẽ chiếm đến 12 ngày để đấu đá, những ngày còn lại sẽ
thảo luận về 7 dự luật, điển hình là luật báo chí nhưng không có luật
biểu tình.
Cần nói them, theo thông lệ của chế độ độc đảng tại VN, việc bàn giao
chức vụ chỉ diễn ra sau khi có tân quốc hội, với các chiếc ghế lãnh đạo
nhà nước đã được quyết định sẵn trong đại hội đảng và tân quốc hội chỉ
bấm nút thông qua. Vì thế việc loan báo sắp xếp nhân sự nhà nước đã
khiến dư luận tin rằng nội các Nguyễn Tấn Dũng đang bị ép buộc phải bàn
giao guồng máy nhà nước cho những người mới, trước khi có kết quả bầu cử
quốc hội.
THÁI LAN BẮT GIAM 6 NGÀN NHÂN VẬT THAM NHŨNG VÀ QUYỀN THẾ.
Tập đoàn quân phiệt Thái Lan vào hôm qua đã ra lệnh bắt giam 6 ngàn
người mà họ cáo buộc là tham nhũng hoặc đang khuynh đảo xã hội.
Theo Pháp tấn xã thì đây là chiến dịch nhằm đối phó với tệ nạn tham
nhũng và các thế lực đang thao túng xã hội và nền kinh tế. Sáu ngàn nhân
vật này là do cơ quan an ninh và tình báo thiết lập danh sách.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon, giải
thích rằng, đây là những người bị tình nghi đỡ đầu cho các nhóm tội
phạm. Tuy không nói rõ là các loại tội phạm nào nhưng ông Wongsuwon nhấn
mạnh là chiến dịch trấn áp sẽ kết thúc trong vòng hai tháng tới.
TÂN CHÍNH PHỦ MIẾN ĐIỆN SẼ DUYỆT LẠI CÁC DỰ ÁN CỦA TRUNG CỘNG.
Tân chính phủ Miến Điện, dưới sự lãnh đạo của Liên đoàn Quốc gia vì
Dân chủ, dự trù sẽ duyệt xét lại một số dự án lớn của Trung Cộng ở Miến
Điện, trong đó có đập thủy điện đang gây nhiều tranh cãi.
Việc thẩm tra các dự án này sẽ là một thách thức lớn của tân chính
phủ trong mối quan hệ với Trung Cộng, vì lâu nay Trung Cộng vẫn là đối
tác thương mại lớn và có quan hệ chặt chẽ với phe quân đội Miến.
Trong các dự án sẽ được thẩm tra, có dự án đập thủy điện Myitsone ở
tỉnh Kachin, với mức đầu tư hàng chục tỷ Mỹ kim. Các chuyên gia thế giới
chỉ trích dự án này vì nó nằm ở một khu vực có nguy cơ động đất cao.
Vào năm 2011, trước áp lực của dư luận, Tổng thống Thein Sein ra lệnh
đình chỉ công trình này. Ngoài dự án này, còn có khu mỏ đồng mà Trung
Cộng đang khai thác ở miền trung Miến Điện, nơi đã diễn ra cuộc xung đột
đẫm máu giữa người biểu tình chống đối và cảnh sát, khiến hàng chục
người thiệt mạng vào năm 2012.
No comments:
Post a Comment