Thứ Năm, 31.03.2016
Thưa quí thính giả, để theo dõi tình trạng nhân quyền tại Viêt Nam, sau đây là cuộc trao đổi giữa đắc phái viên Minh Nguyệt của đài và ông Trọng Kiên, thuộc Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, có trụ sở tại miền Nam California. Hoa Kỳ.
Đài ĐLSN: Xin chào ông Trọng Kiên, thành viên của
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN). Thưa ông, trong tháng 3 vừa qua,
các sự kiện nào liên quan đến Nhân Quyền đã xảy ra tại Việt Nam, đáng
được quan tâm ?
MLNQVN: Thưa cô Minh Nguyệt và quí thinh giả Đài
phát thanh Đáp Lời Sông Núi, so với 2 tháng đầu năm, số vụ việc vi phạm
nhân quyền trong tháng 3 không tăng thêm – nhưng mức độ vi phạm có phần
nghiêm trọng hơn. Đầu tháng 3 có vụ tòa án tỉnh Long An đã kết án em
Nguyễn Mai Trung Tuấn, 16 tuổi, 2 năm 6 tháng tù giam về tội "cố ý gây
thương tích", bất chấp ý kiến của các luật sư chứng minh "Tòa vi phạm
luật tố tụng và em Tuấn vô tội".
Đây là một phiên tòa ngồi xổm trên pháp luật vì bản chất sự việc là
chính trị hóa hành vi của một trẻ em. Trong phiên tòa xử em Tuấn, có 2
chi tiết sẽ đi vào lịch sử của chế độ độc tài CSVN:
1/ Xử án người ở tuổi vi thành niên mà không có sự chứng kiến của cha mẹ và những người đại diện hợp pháp của bị cáo.
2/ Danh sách những nạn nhân trực tiếp của thảm trạng bị chính quyền
CS cướp đất công khai tại Việt Nam đã xuất hiện trẻ em dưới tuổi thành
niên.
Liên quan đến đấu tranh đòi dân sinh và bảo vệ công lý, trong tháng
3.2016 còn có vụ biểu tình liên tục suốt 10 ngày của gần một ngàn ngư
dân thị xã Sầm Sơn để phản đối nhà cầm quyền Thanh Hóa đã xua đuổi ghe
thuyền để lấy bãi biển, giao cho tập đoàn kinh doanh làm khu nghĩ dưỡng.
Có một sự kiện vừa được công bố vào cuối tháng 3 này, cần phải làm
sáng tỏ trước công luận thế giới, đó là tìm thấy tấm bia ghi số 626
người tù chính trị đã chết tại nhà tù Ba Sao, Nam Hà trong thời gian
1975-1988,.
Đài ĐLSN: Thưa ông, MLNQVN có ghi nhận gì về vụ xử
các blogger Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy không? Một vụ án
khiến cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng rằng, họ 'rất
quan ngại' vì 'tính cách mơ hồ của điều 258 bộ luật hình sự của VN'.
MLNQVN: Thưa cô, vụ xử blogger Nguyễn Hữu Vinh, và
Nguyễn Thị Minh Thúy - chứng tỏ Việt Nam đã xuất hiện một làn sóng đàn
áp mới sau khi đảng cộng sản Việt Nam tạm ổn định nội bộ.
Chính sách của nhà cầm quyền Hà Nội đã bước qua các chuẩn mực đạo đức
bình thường của người tử tế. Các sự việc trên chứng tỏ CS Việt Nam là
một thành viên vô trách nhiệm về nghĩa vụ nhân quyền thế giới và một đối
tác thường bội tín trong các hiệp định quốc tế.
Chúng tôi cho rằng chính quyền cộng sản Việt Nam cần phóng thích ngay
lập tức và hủy bỏ mọi cáo buộc vô căn cứ đối với ông Nguyễn Hữu Vinh và
bà Nguyễn Thị Minh Thúy.
Đài ĐLSN: Thưa ông, ngoài những sự việc vi phạm Nhân
Quyền nghiêm trọng như ông đã tường trình thì trong tháng 3 vừa qua, có
thông tin nào đáng khích lệ liên quan đến Nhân Quyền, không ạ?
MLNQVN: Đầu tiên, chúng tôi muốn đề cập Dự luật Nhân
Quyền Việt Nam số S.2632, vừa được Nghị sỹ Bill Cassidy, thành viên của
tiểu ban Nhân Quyền đệ trình hôm 4 tháng 3 tại Thượng Viện Hoa Kỳ, nhằm
chế tài nhà cầm quyền CSVN nếu không cải thiện nhân quyền ở trong nước.
"Nhà cầm quyền CSVN tiếp tục xâm hại các quyền tự do căn bản của công
dân của họ, gồm cả sinh hoạt tại các nhóm tôn giáo độc lập, các sắc dân
thiểu số và các cá nhân dễ là nạn nhân của nạn buôn người." Nghị sỹ
Cassidy tuyên bố như vậy khi đệ trình dự luật nói trên.
Ông Cassidy còn nói: "Vào lúc chính phủ Việt Nam tìm cách mở rộng
quan hệ thương mại và an ninh với Mỹ, họ phải đặt việc cải thiện nhân
quyền một cách cụ thể thành ưu tiên cao nhất".
Trong bản tin này, chúng tôi không chỉ lên án các trường hợp vi phạm
nhân quyền của CSVN, mà còn ghi nhận các nỗ lực biểu thị Nhân Quyền của
người dân. Qua sự kiện các ứng cử viên độc lập vào Quốc hội Việt Nam năm
nay, trong ấy có nhiều người trẻ tuổi, đa dạng hơn về thành phần xã
hội. Họ là nhà văn, luật sư, nhà giáo dục, nhạc sỹ và nghệ sỹ, đây là
quyền dân sự và chính trị đã được ghi trong công ước của Liên Hiệp Quốc.
Đài ĐLSN: Thưa ông cuộc thảo luận của chúng ta có đi
chệch khỏi lãnh vực nhân quyền không; một khi ông đề cập đến phong trào
tự ứng cử vào quốc hội Việt Nam, một vấn đề thường được hiểu là thuộc
lãnh vực chính trị?
MLNQVN: Không thưa cô, chúng ta không đi chệch đề
tài. Như tôi đã nói ở trên quyền tham gia đời sống chính trị là quyền
căn bản của người công dân đã được ghi trong Công Ước Về Các Dân sự và
Chính trị của Liên Hiệp Quốc năm 1966, mà Việt Nam đã ký nhận; những
người tự ứng cử là họ thi hành quyền công dân của họ, đó là cách bảo vệ
nhân quyền tại VN thôi.
Những tiếng nói vì lương tâm và công lý cần phải được bảo vệ, không
chỉ vì những chuẩn mực Nhân Quyền hôm nay, mà còn vì tương lai của dân
tộc Việt Nam nữa; thay vì ngồi chờ CS ban phát nhân quyền,thì người dân
phải đứng lên giành lấy quyền của mình chứ.
Đài ĐLSN: MN cám ơn ông Trọng Kiên đã cho thính giả của đài biết về tình trạng nhân quyến tại VN.
No comments:
Post a Comment