Chủ Nhật, 27.03.2016
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh, HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả của đài DLSN cùng chị HA.
Hoàng Ân: Vào hôm thứ 5 vừa qua các tổ chức nhân
quyền quốc tế và chính phủ Hoa Kỳ đã đồng loạt lên tiếng phản đối nhà
cầm quyền Hà Nội đã phán án 5 năm tù đối với blogger Anh Ba Sàm – Nguyễn
Hữu Vinh và 3 năm tù đối với bà Nguyễn Thị Minh Thúy, cộng sự viên của
ông Vinh. Xin anh nói rõ hơn về vấn đề này để gửi đến quý thính giả của
đài DLSN cùng nghe?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Được biết các bản án bỏ túi nói trên đã được tòa án Hà Nội đưa ra
trong phiên xử chớp nhoáng vào hôm thứ 4 vừa qua, bất chấp các lập luận
của 7 luật sư biện hộ cho ông Vinh và bà Thúy. Theo tổ chức Ân xá Quốc
tế thì các án tù này đã vi phạm trắng trợn quyền tự do ngôn luận của
công dân và là điều đáng xấu hổ của chế độ VN. Và tổ chức Bảo vệ Ký giả
Quốc tế thì cho rằng VN đã làm ngược lại với tinh thần Công ước Nhân
quyền Quốc tế mà VN đã ký kết. Hai tổ chức Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế
và Ủy ban Nhân quyền Pháp cũng ra thông cáo báo chí phản đối việc kết án
nặng nề blogger Anh Ba Sàm và bà Nguyễn Thị Minh Thúy.
Bên ngoài tòa án vào hôm qua, một số nhân sĩ đấu tranh cho nhân quyền
tại VN cũng bị công an bắt giải về đồn, trong số đó có Tiến sĩ Nguyễn
Quang A, một ứng viên tự ứng cử vào quốc hội kỳ này. Trước đó, bộ công
an VN cũng ra một thông tư cho phép công an được phép bắt giữ những
người mà họ cáo buộc là gây rối tại tòa án. Tuy nhiên thông tư này chỉ
có hiệu lực kể từ ngày 24/4.
Sau khi được trả tự do, Tiến sĩ Nguyễn Quang A phổ biến lá thư trên
mạng Facebook, nội dung phản đối việc công an quận Hoàn Kiếm đã bắt cóc
và áp giải ông về đồn để thẩm vấn suốt 4 tiếng đồng hồ. Ông A cho biết
là ông nhất quyết không ký vào bất cứ biên bản nào.
Hoàng Ân: Cũng liên quan đến vấn đề này, lần đầu tiên trong năm nay,
một cơ quan Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng chỉ trích bạo quyền Việt Nam về
việc bắt giam và tuyên án 5 năm tù đối với blogger Anh Ba Sàm – Nguyễn
Hữu Vinh. Anh có ghi nhận như thế nào về việc này?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, trong thông cáo đưa
ra vào hôm thứ Năm, Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết là họ rất quan ngại
về vụ xét xử này, lý do là vì sự mơ hồ của các cáo buộc và điều khoản
258 trong bộ luật hình sự Việt Nam. Cao ủy LHQ cho biết là trước khi
phiên tòa diễn ra vào hôm 23/3, họ đã nhiều lần bày tỏ sự quan ngại với
Hà Nội về đạo luật phi dân chủ và phi nhân quyền mang số 258.
Thông cáo của LHQ kết thúc bằng lời kêu gọi bạo quyền Hà Nội chấm dứt
các vụ đàn áp những người bất đồng chính kiến và trả tự do ngay lập tức
cho những người bị ở tù vì đạo luật ấm ớ mang số 258, có nội dung "lợi
dụng quyền tự do để bôi nhọ nhà nước".
Hoàng Ân: Thưa anh TA, anh có ghi nhận như thế nào trước việc công an Sài Gòn lại bắt giam Giáo sư Phạm Minh Hoàng?
Trường An: Theo tôi được biết, Giáo sư Phạm Minh
Hoàng, một công dân Pháp gốc Việt, vào hôm chủ nhật đã bị công an Sài
Gòn ập vào một quán cà phê, áp giải ông về đồn để thẩm vấn.
Vụ bắt giữ diễn ra sau khi ông Hoàng tổ chức một lớp học về lịch sử
các cuộc đấu tranh của VN và hiến pháp hiện thời của chế độ. Theo nguồn
tin của bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ Giáo sư Hoàng, thì khoảng 14 học sinh
tham gia khóa học này cũng bị giam giữ tại các đồn công an ở quận 3 Sài
Gòn.
Xin được nhắc lại, Giáo sư Phạm Minh Hoàng quyết định rời nước Pháp
để về VN dạy học tại Đại học Bách khoa Sài Gòn. Vào tháng 8 năm 2010,
ông bị bắt giam với cáo buộc "âm mưu lật đổ nhà nước VN" và được trả tự
do vào đầu năm 2012. Ông Hoàng từ chối trở về nước Pháp sinh sống để mở
các lớp dạy tiếng Pháp và kỹ năng tin học cho giới trẻ ở Sài Gòn. Sau
nửa ngày bị thẩm vấn, công an Sài Gòn đã trả tự do cho ông Hoàng vào
chiều cùng ngày nhưng với điều kiện là phải trở lại đồn công an vào sáng
hôm sau để tiếp tục bị thẩm vấn.
Hoàng Ân: Trong một diễn biến khác, hai nhịp cầu
Ghềnh ở thành phố Biên Hòa đã rơi xuống sông sau khi bị một xà lan chở
đất đá đụng sập vào trưa ngày 20 vừa qua. Nhiều người qua lại và một số
xe cộ cũng rơi xuống sông, nhưng may mắn là không có ai bị thiệt mạng và
được cứu vào bờ. Xin anh nhắc lại sự việc này để quý thính giả của đài
được tường tận hơn?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, hai nhịp cầu Ghềnh ở
thành phố Biên Hòa đã rơi xuống sông sau khi bị một xà lan chở đất đá
đụng sập. Ngay sau khi xảy ra vụ sập cầu, 5 chuyến xe lửa từ Sài Gòn ra
bắc đã bị hủy bỏ, với gần 2 ngàn hành khách phải tìm phương tiện khác.
Vào tối cùng ngày công an tỉnh Đồng Nai cho biết đang truy tìm hai tài
công đã bỏ trốn sau khi tông sập cầu Ghềnh.
Được biết cầu Ghềnh là cây cầu xe lửa bắc qua sông Đồng Nai, vì thế
việc sập cầu dẫn đền tình trạng gián đoạn tuyến đường xe lửa nam – bắc
trong nhiều tháng tới. Theo một số sử liệu thì cầu Ghềnh do người Pháp
xây dựng vào năm 1909, tức có hơn một trăm tuổi. Năm 2011, một tai nạn
thảm khốc diễn ra giữa đoàn tàu và một xe cộ khiến hàng chục người bị
thương. Sau đó, nhà cầm quyền cấm xe hơi lưu thông trên cầu, chỉ cho
phép xe gắn máy qua lại.
Nhân đây tôi xin được nói thêm, cùng lúc khi tai nạn sập cầu Ghềnh
thì một trận hỏa hoạn lớn cũng diễn ra tại chợ Hóa An, một khu chợ rất
lớn của thành phố Biên Hòa. Phải mất nhiều tiếng đồng hồ lực lượng cứu
hỏa mới dập tắt được ngọn lửa bốc cao hàng chục thước. Hiện chưa rõ
nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn này.
Trong khi đó thì một vụ nổ bom tại khu đô thị Văn Phú thuộc quận Hà
Đông, Hà Nội vào chiều thứ Bảy vừa qua, khiến 5 người thiệt mạng và 11
người khác bị thương. Vụ nổ cũng gây hư hỏng cho hàng chục căn nhà và
tạo nên một hố sâu gần 1m.
Các máy thu hình gắn trên đường phố cũng quay được cảnh một chiếc xe
tải bị cú nổ hất văng vào một nhà dân và một phụ nữ hốt hoảng lao ra
khỏi căn nhà với ngọn lửa ở phía trước.
Theo tường trình của bộ công an thì cú nổ đến từ một cửa tiệm bán phế
liệu và chủ nhân đang cưa một trái bom ở trước cửa thì trái bom phát
nổ.
Hoàng Ân: Vào ngày hôm qua tôi có đọc một bài báo,
họ trích dẫn nguồn của tổ chức Henley and Partners nói rằng , sổ thông
hành của VN được sếp vào loại vô giá trị trên thế giới. Anh có ghi nhận
như thế nào trước việc này?
Trường An: Theo tôi được biết, một công ty tư vấn
quốc tế vừa công bố danh sách xếp hạng mức độ giá trị của sổ thông hành
các nước, mà VN gọi là "hộ chiếu". Theo đó thì sổ thông hành VN thuộc
vào hạng gần như vô giá trị, đứng vị trí 90 trong số 94 quốc gia và đứng
sau cả Campuchia.
Theo đó bảng xếp hạng của công ty Henley and Partners dựa trên mức độ
dễ dàng khi làm thủ tục nhập cảnh vào các nước khác, gọi là Chỉ số Giới
hạn Thị thực. Theo đó thì các quốc gia đứng đầu bảng như Mỹ, Anh, Đức
không cần xin thị thực vẫn có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia bất cứ lúc
nào.
Trong khi đó thì công dân Việt với "hộ chiếu Hà Nội" chỉ xuất nhập
cảnh vào 44 nước mà không cần visa. bên cạnh đó, rất nhiều quốc gia đang
siết chặt thị thực đối với du khách VN vì làn sóng bỏ trốn và lưu lại
bất hợp pháp ở nước họ. Trong thời gian qua, giới chức Đài Loan và Nhật
Bản cũng bắt giữ nhiều thủy thủ VN, làm việc trên các tàu ngoại quốc, đã
bỏ trốn khi các tàu này ghé bến cảng của Đài Loan và Nhật, thậm chí là
nhảy xuống biển bơi vào bờ khi các tàu này đi vào hải phận hai nước.
Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin tức
và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và
hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment