Friday, March 18, 2016

Học Đường Dưới Chế Độ Cộng Sản

Thứ Sáu, 18.03.2016
Thưa quý thính giả, sự tụt hậu về mọi mặt trong xã hội Việt Nam từ văn hóa, giáo dục và thậm chí đến con người dưới sự cầm quyền của cộng sản là điều ai ai cũng nhìn thấy, điển hình là hệ thống giáo dục ở Việt Nam, càng ngày càng sa sút. Bạo hành xảy ra ở các trường học ngày càng nhiều. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết "Học Đường Dưới Chế Độ Cộng Sản" của Minh Nguyệt, sẽ được chính tác giả trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh tối nay.
Tiếng la hét, tiếng chửi bới, kêu gào, khóc lóc làm nhốn nháo cả một góc sân trường... Đó là một trong nhiều hình ảnh được một số bạn trẻ thâu lại và tung lên mạng, nói về những cuộc đấu đá của các nữ sinh viên trong một trường trung học tại Việt Nam. Những cảnh tượng này không còn là "chuyện động trời" với các em học sinh nữa, đặc biệt là những học sinh trung học. Tôi tự hỏi, nguyên nhân từ đâu mà càng ngày bạo lực học đường tại Việt Nam càng nở rộ, nó đã trở thành một vấn nạn trong xã hội, và là nỗi lo sợ rất lớn của các bậc phụ huynh.
Tôi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Sài Gòn, miền đất đã nuôi tôi khôn lớn. Nhìn lại những năm tháng đó, chỉ hai mươi năm về trước, nhưng sao có quá nhiều khác biệt trong văn hóa giáo dục thời nay. Không cần phải phân tích sâu xa, tất cả chúng ta đều nhìn thấy sự xuống cấp của một xã hội, sự tụt hậu về mọi mặt của một đất nước từ văn hóa, giáo dục và thậm chí đến con người.
Cộng sản Việt Nam luôn phủ nhận và chê bài nền giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, nhưng so sánh với nền giáo dục của họ hiện nay, thật xấu hổ khi phải nhìn nhận rằng trình độ học vấn của sinh viên ngày nay không được một nữa kiến thức của tầng lớp cha ông đi trước. Một xã hội văn minh, một đời sống phát triển, luôn là ước mơ của mỗi người. Tuy nhiên, một xã hội văn minh không có nghĩa là mọi thứ đều tốt đẹp. Chúng ta nên biết rằng ẩn mình trong cái văn minh ấy chính là những tệ nạn xã hội, mà mọi thứ đều xuất phát từ trình độ học vấn và nhận thức của từng con người.
Nhìn lại thời niên thiếu của tôi, vào những năm trung học, cũng là lúc tôi bước vào lứa tuổi "cập kê", nhưng sao tình cảm học sinh ngày xưa rất giản dị, rất thơ mộng . Chắc hẳn bạn cũng giống như tôi, chúng ta đều nhìn thấy những sự khác biệt lớn giữa học sinh, sinh viên ngày nay với học sinh, sinh viên thuộc những thế hệ đi trước. Tôi còn nhớ như in vào thời đại chúng tôi, tôi thường dậy rất sớm vào mỗi buổi sáng để ôn lại bài vở và sau đó đạp xe đạp đến trường. Học sinh thời nay cũng dậy sớm nhưng không phải để ôn bài, mà để ngồi vào bàn trang điểm, soi gương, đánh phấn, rồi nhanh hơn sóc phóng xe gắn máy lượn như tên lửa tới trường học. Ngày xưa đi học tôi thường mang trong cặp là sách vở, thước kẻ, bút chì, bút mực, học sinh ngày nay cái họ mang theo tới trường là điện thoại di động, là máy ảnh, là tiền để vui chơi ăn uống, mua thuốc lá để hút, để trốn cha trốn mẹ đi nhậu nhẹt cùng nhau. Vào thời chúng tôi các anh chị sinh viên mới hiền lành làm sao, chúng tôi đến trường để thu thập kiến thức, học hỏi những điều hay ý đẹp từ thầy cô, từ sách vở để chuẩn bị hành trang cho mình bước vào đời; học sinh ngày nay đến trường không để thu thập kiến thức từ thầy cô, từ nhà trường, mà là thâu lượm thông tin từ bạn bè và cùng suy nghĩ hợp đồng làm cách nào để dạy cho anh chàng này một bài học hay răn đe cô gái kia bằng một trận đòn chí mạng.
Nói về chuyện đánh nhau giữa học sinh thì thời nào cũng có, tuy nhiên vào thời trước học sinh đánh nhau thì thường là "một chọi một", nhưng học sinh ngày nay thì nỗi tiếng với lối đánh hợp đồng, có bài bản, có tổ chức hơn. Khi đã tóm được "con mồi", cả bọn cùng xúm vào và đánh đá "con mồi" không thương tiếc. Những hình ảnh tôi nhìn thấy trên mạng thật khủng khiếp, cả một tốp học sinh cùng xúm vào lột gần như trần nữ học sinh trung học, chiếc áo dài trắng biểu tượng của sự thơ ngây trong trắng đã bị xé rách ra từng mãnh, mặc cho cô gái khóc lóc, cầu khẩn van xin để được tha thứ. Điều càng làm tôi đau lòng và căm phẫn hơn là sự quá thờ ơ của hàng chục học sinh, sinh viên khác, họ vô tư đứng xem cô gái bị hành hạ mà không hề có một lời lên tiếng can ngăn. Thậm chí có người còn dùng điện thoại quay lại những hình ảnh đó một cách thích thú. Không lẽ sống trong xã hội cộng sản, tình cảm giữa người và người đã trở nên chai cứng đến vậy sao? Tôi thật sự thấy choáng và tủi hổ cho học sinh thời nay.
Phần lớn học sinh ngày nay đến trường không phải để học hỏi những điều hay lẽ phải để trang bị cho mình một kiến thức để bước chân vào đời. Trường học đối với giới trẻ ngày nay được xem như là tụ điểm để các em tập trung chơi đùa, quậy phá, những cậu ấm , những tiểu thư con nhà giàu thì đua nhau khoe khoang quần này áo nọ, nào là những hàng hiệu được cha mẹ mua từ nước ngoài mang về... Nếu không ráng sức phô trương, không khéo lại bị chúng bạn cho là "đứa quê mùa" thì cảm thấy mất mặt quá! Một sự suy đồi của xã hội, và đây cũng chính là kết quả sau 41 năm trồng người trong chế độ cộng sản Việt Nam.
Mặc dù vẫn có những bạn học sinh, sinh viên chuyên cần chăm chỉ, tập trung học hành, nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ. Với những sinh viên con gia đình nghèo trong xã hội hiện nay, thật đau xót khi phải nói rằng, cho dù bạn có xuất sắc cỡ nào đi nữa, bạn cũng sẽ không được chế độ cộng sản trọng dụng đúng với khả năng thiên phú của mình. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là các bạn phải chấp nhận cảnh sống buông thả cho chính bản thân mình.
Hỡi các bạn trẻ Việt Nam, vẫn chưa muộn để các bạn nhìn lại cách sống của mình. Hãy cố gắng sống sau cho xứng một kiếp người. Ngay cả loài thú còn biết thương yêu đùm bọc nhau, huống chi là con người sao bạn lại quá đỗi thờ ơ, lãnh đạm với những chướng tai gai mắt trong cuộc sống. Mỗi người chúng ta nên tự rèn luyện bản thân mình để trở thành một người con ngoan trong gia đình và một công dân hữu ích ngoài xã hội. Có như vậy chúng ta mới mong đưa được đất nước Việt Nam phát triển và hội nhập với sự văn minh của thế giới.
Minh Nguyệt

No comments:

Post a Comment