Friday, March 6, 2020

Việt Nam Phải Làm Gì Khi Hoa Kỳ Loại Nước Này Ra Khỏi Danh Sách Các Quốc Gia Đang Phát Triển?

Quan Điểm

Ngày 10 tháng 2 vừa qua, Cơ Quan Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ (USTR) thông báo chính quyền sẽ thu hẹp danh sách các nước đang và kém phát triển, trong số ấy có Việt Nam, nhằm mục đích tạo sự công bình trong thương mại. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế Việt Nam. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Việt Nam Phải Làm Gì Khi Hoa Kỳ Loại Nước Này Ra Khỏi Danh Sách Các Quốc Gia Đang Phát Triển? sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Nam phải làm gì khi Hoa Kỳ loại nước này ra khỏi danh sách các quốc gia đang phát triển?
Thưa quí thính giả,
Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO (World Trade Organization) ra đời năm 1995 với 123 thành viên lúc ban đầu, đến nay có 164 thành viên và 23 quan sát viên. Việt Nam được gia nhập tổ chức này ngày 11/1/2007.
Các thành viên khi gia nhập tổ chức sẽ phải tuân thủ các qui tắc chung để được chia sẻ các quyền lợi hỗ tương, tuy nhiên mỗi quốc gia thành viên lại có hoàn cảnh kinh tế và mức độ phát triển khác nhau. Vì vậy mục tiêu quan trọng nhất của WTO nhắm tới là giúp cho các nước đang phát triển và những nước chậm phát triển có cơ hội cải tiến để vươn lên. Đây là lý tưởng và cũng là hy vọng của các nước nghèo và chậm tiến, trong ấy có Việt Nam.
WTO không đưa ra định nghĩa thế nào là “nước phát triển” hay “nước đang phát triển” mà các thành viên có quyền tự tuyên bố. Hiện nay, có đến 2/3 trong tổng số 164 thành viên WTO tự cho mình là “nước đang phát triển”. Tuy nhiên, các thành viên khác có quyền phản đối quyết định của những nước ấy.  Trong số các nước tự tuyên bố là “nước đang phát triển” ấy có Trung Hoa, Ấn Độ và nhiều nước giàu có khác.
Riêng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ (USTR) năm 1998 đã đưa ra một danh sách các nước phát triển dựa vào Đạo Luật Thuế Quan của Mỹ, để nước này  xem xét việc áp thuế xuất nhập khi giao thương hàng hóa. Nội dung hướng dẫn của USTR không cân nhắc các yếu tố theo qui định của WTO, như tỷ suất tử vong của trẻ em, tỷ lệ mù chữ ở người lớn hay tuổi thọ trung bình để làm cơ sở đánh giá tiến bộ xã hội. Thay vào đó, Hoa Kỳ cứu xét dựa theo 3 tiêu chuẩn riêng để đánh giá các nền kinh tế “ các nước đang phát triển” gồm: (1)Tổng thu nhập bình quân đầu người; (2) Tỷ trọng của nền kinh tế đó trong tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, và (3) Nền kinh tế ấy có là thành viên của nhóm những nước phát triển như G20, Tổ Chức Hợp Tác và Thát Triển Kinh Tế (OECD – The Economic Co-Operation and Development), hay Liên minh Châu Âu (EU) không.
Trước đây, Hoa Kỳ coi các nền kinh tế là “đang phát triển” nếu chiếm không quá 2% kim ngạch thương mại toàn cầu, nhưng nay điều chỉnh xuống còn 0.5% mà thôi. Dựa vào dữ liệu được cập nhật mới nhất của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) năm 2018,  thì con số 0.5% này là hợp lý, vì rất ít các nước có hơn 0.5% kim ngạch thương mại toàn cầu và những nước đó thường là “các nền kinh tế rất giàu có”. Do đó, Hoa Kỳ xem các nước có tỷ trọng thương mại toàn cầu từ 0.5% trở lên “là nước phát triển” và Việt Nam bị đưa ra khỏi danh sách “nước đang phát triển” dù lợi tức bình quân đầu người của VN năm 2019 là 2,786 USD, dưới mức thu nhập cao là 12,375 USD.
Đứng trước quyết định trên của HK, Việt Nam phải làm gì khi không còn được hưởng các qui chế đặc miễn thuế quan dành cho những nước đang và chậm phát triển nữa?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần nhìn vào chính sách đối ngoại của HK trong 3 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, là ưu tiên thu hẹp thâm thủng mậu dịch, đặc biệt nhắm vào Trung Cộng và những nước có thâm hụt mậu dịch cao với Hoa Kỳ. Chỉ tính riêng năm 2018, Hoa Kỳ đã thâm hụt đến 621 tỷ USD, cao nhất là TC với 416 tỷ USD và với VN là gần 40 tỷ USD.  Trong khi nền kinh tế của TC đã lớn mạnh, đứng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau HK. Còn VN thì luôn luôn  đưa ra những con số rất lạc quan, như tăng trưởng liên tục trên 6% trong nhiều năm. Trong khi Hoa Kỳ chỉ tăng trưởng không quá 2.5% trong cùng thời kỳ. Vì vậy không có lý do gì để các nước giàu có tiếp tục được hưởng các ưu đãi thuê quan khi cùng nhau tham gia vào sân chơi WTO.
Muốn giải quyết những khó khăn trước mắt, thì VN cần phải thay đổi hệ thống kinh tế hiện nay, để tiến tới một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, là phải hoàn toàn lột xác, chấm dứt tình trạng mầp mờ “kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” kỳ quặc như hiện nay, trước khi được thế giới nhìn nhận là “kinh tế thị trường”.
Muốn vậy thì VN phải: Một là giảm thiểu sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Cộng. Hai là chấm dứt các công ty quốc doanh, vì đây chính là nguyên do của những ổ tham nhũng đục khoét ngân sách quốc gia. Ba là điều chỉnh luật thương mại đầu tư, để không quá phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài (FDI – Foreign Direct Investment). Muốn làm được điều này thì VN cần phải sửa đổi luật lệ thông thoáng hơn, đặc biệt tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước được dễ dàng phát triển, vì đây mới là nguồn cung ứng lao động cho người dân, để họ khỏi phải đi lao động nước ngoài. Bốn là mọi thông tin và dữ liệu, nhất là các thống kê phải minh bạch. Năm là  chấm dứt sự gian dối về sản xuất hàng hóa, lợi dụng cuộc thương chiến Mỹ-TC như đang diễn ra để trục lợi. Và sau cùng vì VN có vị trí địa chính trị quan trọng trong chiến lược Ấn Đô Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, và có mối tương quan đặc biệt với nước này, nên cần phải thương lượng để cả hai bên cùng có lợi, mà cái lợi trước mắt ai cũng mong muốn là thoát khỏi sự lê thuộc vào kẻ thù Bắc Phương. Đó là những ưu tiên để đưa đất nước sớm thoát cảnh chậm tiến và nghèo đói hiện nay.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment