Friday, March 13, 2020

XU THẾ THỜI DẠI

Quan Điểm

Từ hơn 30 năm qua, hầu hết các nước theo cộng sản đều đập bỏ, hoặc kéo cổ tượng Lê Nin xuống vứt vào bãi rác, thế mà đảng ủy Nghệ An lại “thu lượm” tượng Lê Nin bên Nga, chở về phục hồi chờ đặt cạnh hồ phun nước trong thành phố Vinh. Báo chí trong nước đều gọi đó là “dấu móc quan trọng” trong mối bang giao Việt – Nga. Ngược lại, người dân trong cộng đồng mạng cho rằng, đây là điều nghịch lý trong thời kỳ coronavirus Vũ Hán đang gây chết chóc và hoành hành khắp nơi, nhất là Nghệ An lmột vùng đất nghèo khó, không đủ ăn. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “XU THẾ THỜI DẠI” sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020
Thưa quý thính giả,
Năm 2018, ngân sách tỉnh Nghệ An đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng, nhưng phải chi gần 25 ngàn tỷ đồng. Tính trung bình mỗi ngày tỉnh này đã nhận gần 32 tỷ đồng để bù vào việc chi tiêu. Ngân sách trong năm 2019 gia tăng khoảng 10% so với năm trước, nhưng việc chi tiêu không hề giảm. Tết Canh Tý vừa rồi, trung ương phải cấp hơn 1.200 tấn gạo để cứu đói dân Nghệ An.
Người dân Nghệ An phải phiêu dạt khắp nơi từ Bắc chí Nam để kiếm miếng ăn. Số người tìm đường ra nước ngoài lao động hợp pháp lẫn bất hợp pháp thuộc hàng đầu cả nước. Điển hình, một số người trong tỉnh Nghệ An đi đến Ba Lan, sang Đức, Pháp và Mỹ. Cho dù chính quyền có hệ thống kiểm soát, ngăn chận nhập cảnh lậu vào Mỹ vô cùng chặt chẽ nhưng cũng bị dân Nghệ An “vượt qua”. Trong vụ 39 công dân Việt Nam chết ngạt trong thùng lạnh xe chở hàng tại hạt Essex, phía Đông Bắc Luân Đôn, nước Anh vào năm ngoái, thì riêng tỉnh Nghệ An đã có 21 người.
Cả tỉnh Nghệ An đói khổ như thế mà Bí thư tỉnh Nghệ An, Thái Thanh Quý quyết định dựng tượng Lê Nin tại thành phố Vinh, sự kiện này gây ra nhiều chỉ trích nặng nề trên cộng đồng mạng là trong khi thế giới gắng sức đối phó với dịch bệnh viêm phổi (coronavirus Vũ Hán) đang gây tử vong hơn 3200 người lây lan nhanh chóng hơn 100 ngàn người ở nhiều nơi trên thế giới thì tỉnh Nghệ An (một tỉnh nghèo khó) lại có hứng thú dựng tượng một người đã bị dân Nga và nhiều nước Xã Hội Chủ Nghĩa trước đây kéo xuống đập đầu phá bỏ.
Những người chỉ trích bao gồm một số Facebooker có tầm vóc như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, các nhà hoạt động cho dân chủ như ông Nguyễn Quang A, Nguyễn Tường Thụy, Lê Dũng Vova, nhà báo Võ Văn Tạo và các doanh nhân Trần Quốc Quân, Lê Hoài Anh.v.v.
Trong khi đó, báo chí trong nước viết rằng: “Đây là công trình mang tính biểu tượng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt – Nga”.Và đăng tin, khu đất đặt tượng đài có diện tích gần 4300 mét vuông, phần nền dựng tượng chiếm 3000 mét vuông, còn lại là vườn hoa và hồ phun nước.
Bà Lê Hoài Anh viết trên trang Facebook riêng, có hơn 325 ngàn người theo dõi là trong bối cảnh hiện nay, việc dựng tượng là “dư giấy vẽ voi”. Và nhiều người nói rằng, Nghệ An là tỉnh nghèo thứ nhì sau Thanh Hóa, vào Tết âm lịch hàng năm đều xin gạo cứu đói cho 80 ngàn hộ nghèo trong tỉnh mà lại chi 12 tỷ đồng cho công trình dựng tượng Lê Nin là việc làm quá lãng phí, thay vì dùng số tiền này đầu tư vào việc phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho dân bớt nghèo khổ.
Cùng với các lời bình luận, nhiều người đưa lên facebook hai câu thơ có tính châm biếm:
Lê Nin bị đập ở Nga,
Người Nga họ hận, sao ta lại thờ.
Nhưng tiến sĩ Vũ Minh Giang ở Đại học quốc gia Hà Nội lại tuyên bố hùng hồn: “Đào mộ tổ tiên tôi thì được, nhưng giật đổ tượng Lê Nin là thiếu văn hóa”. Sau khi tuyên bố, ông bị cộng đồng mạng lên tiếng xem là người “teo não”, hoặc bị “bệnh tâm thần” và gửi bốn câu thơ lục bát chỉ trích ông ta là người thiếu trí tuệ mặc dù có bằng tiến sĩ:
Bệnh sĩ chết trước bệnh tim,
Dân nghèo không nghĩ, lại thương tượng người,
Tượng người quê tận nước Nga,
Mà sao dựng tượng bên ta làm gì?
Một số người khác bày tỏ thái độ thận trọng, cho rằng nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An cần cân nhắc kỹ việc dựng tượng đài Lê Nin. Theo họ, những gì có tính chất về văn hóa, có lợi cho dân thì luôn bền vững. Ngược lại, những gì có tính nhất thời vì đảng phái như dựng tượng Lê Nin có thể sẽ để lại những hậu quả rắc rối, có khi phải đập bỏ như ở nước Nga, Ba Lan, Ukraine và các nước Đông Âu trước đây.
Nhiều người viết trên mạng, có thể đảng ủy Nghệ An có lối suy nghĩ “độc đáo” rằng, đợi đến Tết người dân ngắm pháo bông quên đói thì lâu quá, nên mới dựng tượng Lê Nin cho người dân Nghệ An có thể mỗi ngày nhìn ngắm cho quên đói nghèo.
Người xưa nói, việc làm ích nước lợi dân thường là theo “xu thế thời đại”, còn việc dựng tượng Lê Nin của đảng ủy Nghệ An bị người dân xem là theo “xu thế thời dại”. Bốn chữ này, thật là quá đúng với loại người chuyên tạo hình thức phù phiếm, hào nhoáng bên ngoài để che đậy cái khiếm khuyết về trí tuệ.
Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment