Thursday, March 19, 2020

Ông Lê Đình Kình Là “Khủng Bố?

Bình Luận

Cụ ông Lê Đình Kình không phải là thành phần khủng bố như đảng CSVN vu cáo. Chính đảng CSVN mới là một nhà nước khủng bố đúng nghĩa. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi phần Bình Luận của Huy Phương với tựa đề: Ông Lê Đình Kình Là “Khủng Bố?”(từ khủng bố trong ngoặc kép với dấu chấm hỏi, thưa quý vị) qua sự trình bày của Song Thập, và đây là tiết mục để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Hơn hai tháng nay, đại dịch COVID-19 hoành hành làm cho dân Việt, nhất là dân Hà Nội, quên mất chuyện ông Lê Đình Kình và biến cố Đồng Tâm. Nhưng điều làm chúng ta nhớ nhất, là ngày 17 Tháng Giêng năm 2020, Bộ Công An CSVN đã ra thông báo phong tỏa trương mục ngân hàng Vietcombank của bà Nguyễn Thúy Hạnh với số tiền hơn $38,791 do gần 800 người, vì thương cảm hoàn cảnh của ông Lê Đình Kình mà đóng góp. Lý do, theo công an CSVN, đây là số tiền đóng góp để “tài trợ cho hoạt động khủng bố!”
Thứ trưởng Bộ Công An CSVN cũng đã “lẹo lưỡi” nói rằng: “Như chúng tôi đã công bố, các đối tượng trong vụ việc này đã khai nhận việc quyên góp và sử dụng tiền quyên góp để mua sắm vũ khí, vật liệu nổ, sản xuất vũ khí thô sơ và đã dùng để tấn công lại lực lượng chức năng.”
Liệu một người dân đầu óc bình thường có thể tin vào lời kết án này không?
Đây là một thủ đoạn gán ép cố hữu của nhà nước cộng sản lâu nay, mà chúng ta nghe đã nhàm chán. Cộng Sản áp dụng những điều luật vô lý để áp đảo những người dân bất đồng chính kiến, với những tội tày trời như làm gián điệp cho ngoại bang, âm mưu lật đổ chính quyền, khủng bố, mà trong tay những người dân này, ngoài một hai tấm biểu ngữ, không súng đạn, không bom mìn, không giáo mác, cũng chẳng có chứng cớ gì là có bàn tay của ngoại quốc dính vào.
Theo định nghĩa, khủng bố là hoạt động phá hoại, làm thiệt mạng người, gây hoang mang khiếp sợ cho tâm lý hoặc tổn thất cho xã hội và cộng đồng, nhằm mục đích chính trị hoặc tôn giáo. Khủng bố đặc biệt sử dụng bạo lực bừa bãi đối với những người không có khả năng chống cự với mục đích là sự nổi tiếng cho một nhóm, một phong trào, hoặc một cá nhân. Các tổ chức khủng bố có thể khai thác nỗi sợ hãi của con người để hỗ trợ đạt được những mục tiêu này.
Ngày 15 Tháng Tư, 2013, hai quả bom nổ tại cuộc đua Marathon ở Boston, giết chết 3 người và làm bị thương 282 người khác.
Vào ngày Thứ Tư, 2 Tháng Mười Hai, 2015, quân khủng bố xả súng bắn vào người dân Mỹ dự tiệc Giáng sinh của Trung Tâm Xã Hội Inland Regional Center phục vụ trẻ khuyết tật, tại thành phố San Bernardino, California, làm 14 người chết và 21 người bị thương.
Ngày 7 Tháng Giêng, 2015, ba tay súng tự xưng là thành viên Al-Qeada xông vào và xả súng ở tòa soạn tạp chí châm biếm Pháp Charlie Hebdo tại Paris, khiến 12 người, trong đó có tổng biên tập, thiệt mạng, và 10 người bị thương.
Tối 14 Tháng Mười Một, 2015, ba vụ nổ riêng biệt và 6 vụ nổ súng đã được báo cáo xung quanh thủ đô, trong đó có một vụ đánh bom gần Stade de France ở vùng ngoại ô Saint-Denis, tại nhà hát Bataclan và ít nhất là 4 tiệm ăn. Ít nhất 132 người đã thiệt mạng và 352 người bị thương.
Ngày 14 Tháng Bảy, 2016, đúng ngày Quốc Khánh của Pháp, một xe tải lớn đâm vào đám đông xem pháo bông ở thành phố Nice, giết chết 84 người và làm 50 người bị thương.
Tất cả những thảm kịch trên đây hay những hành động như gài bom trên máy bay, xe lửa, ném lựu đạn vào đám đông, đặt mìn bẫy trên đường lộ… đều được xem là những hành vi khủng bố! Ông Lê Đình Kình đã hành động ra sao để đủ yếu tố cho nhà cầm quyền ghép ông vào loại khủng bố?
Đồng ý là phong tỏa các trương mục, tài sản của khủng bố là việc quốc gia nào cũng phải làm. Hàng năm, phương Tây đã phong tỏa tài chính và tài sản hàng trăm triệu đô la của những tổ chức có liên hệ với chủ nghĩa khủng bố, Nhà Nước Hồi Giáo IS và các nhóm khủng bố thuộc mạng lưới Ai-Qaeda.
Nhưng ở đây, một ông già lãnh đạo quần chúng, nói cho lớn lao, chứ đây chỉ là mươi gia đình có quyền lợi đất đai trong xã Đồng Tâm, bị cường quyền viện lý do quốc phòng cướp đất, đã tin cậy, nhờ đến một người lớn tuổi trong làng, có nhiều tuổi đảng. Dân Đồng Tâm không có súng ống, bom mìn, chỉ có dao rựa nông nghiệp và một vài quả lựu đạn lép như quả na khô, nằm trong tay ông Kình khi chết. Chết rồi mà tay còn nắm chặt quả lựu đạn. Ghê thật!
Ông Kình không giết ai, nhưng chính ông bị giết, đem xác về đồn công an, mổ xẻ, may vá xong lại cho đem về nhà, ruột còn dấu khâu, mà lại là một tên khủng bố nguy hiểm?
Với lý do ông Lê Đình Kình là một tên khủng bố, trương mục giúp đỡ gia đình ông bị phong tỏa, sẽ đưa đến chỗ bị tịch thu. Trong chế độ này, những người đương đầu với chính quyền như ông sẽ bị tiêu diệt, tiền bạc sẽ bị sung công quỹ, nhưng đảng Cộng Sản không thể chà đạp lên danh dự của ông. Nếu không được gỡ bỏ cho chuyện mạ lỵ, áp đặt tiếng ác cho người lương thiện, rồi đây gia đình ông Kình sẽ chịu miệng tiếng đời đời là con cháu một tên khủng bố hay sao?
Ở trong các quốc gia độc tài, toàn trị Cộng Sản, việc triệt tiêu các tiếng nói đối lập từ quần chúng, cá nhân bất đồng chính kiến, hoặc gây bất lợi cho đảng và nhà nước không khó.
Staline, Putin, Mao Trạch Đông, Kim Jong Un hay Hồ Chí Minh, Lê Duẫn đã từng thanh trừng mọi tầng lớp trong đảng và trong cả nước chuyên truy lùng, thủ tiêu, các nhà đối lập, và nhẹ là thường bị tống giam trong các “trại lao nô” hay cho vào nhà thương điên. Cho nên đối với những thành phần bị quy chụp là gián điệp, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân hay khủng bố hãy còn là những lối kết tội ở mức thấp.
Khủng bố có thể là phương thức của kẻ yếu, lấy ít thắng nhiều, tấn công đột kích, bất ngờ và táo bạo, nhưng khi một nhà nước kiểu nhà nước Cộng Sản độc tài, độc tôn, có phương tiện bạo lực trong tay, đã có chủ trương trấn áp, khủng bố công khai, rồi sau đó kết án, vu vạ để bịt miệng người dân bất dồng chính kiến thì dân lành không sao chống trả nỗi!
Vụ Đồng Tâm và cái chết của ông Lê Đình Kình là một vụ “khủng bố” tiêu biểu, ở đây ai là kẻ chủ trương khủng bố, ai là nạn nhân của khủng bố, thì độc giả của tôi hẳn đã có câu trả lời!
Huy Phương

No comments:

Post a Comment