Monday, March 9, 2020

Đất nước tôi… Ôi thôi trái khoáy!

Chuyện Nước Non Mình

Thưa quý thính giả, một trong những căn bệnh trầm kha của đảng CSVN là bệnh khoa trương thành tích hão và xài tiền thuế của người dân một cách vô trách nhiệm cho những dự án vô bổ và vô ý nghĩa.  Qua chuyên mục Chuyện Nước Non Mình, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Nhân Hòa với tựa đề: Đất nước tôi… Ôi thôi trái khoáy!” sẽ được Bảo Trân trình bày để tiếp nối chương trình.
Dù giàu hay nghèo, xưa nay các địa phương vẫn thi nhau “xài tiền chùa”, bởi đằng sau các dự án “ngon ăn” ấy không loại trừ các khoản “lại quả” hậu hĩnh. Hải Phòng vừa duyệt 269 tỷ mua ấm chén làm quà, Nghệ An xây tượng đài Lê Nin 8 tỷ. Trong khi nông dân Nam Bộ đang “cạp đất” sống qua ngày. Ôi… những tính toán “đỉnh cao trí  tuệ”!
Ngày 3/3/2020, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sẽ trao đổi lại với Hải Phòng về đề xuất chi 269 tỷ VND để mua ấm chén tặng nhau nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng thành phố. Tại buổi họp báo thường kỳ, nhiều câu hỏi được đặt ra về quan điểm của Chính phủ khi Hải Phòng vừa thông qua đề xuất chi 269 tỷ đồng mua ấm chén và cờ (quốc kỳ) để tặng cho người dân.
“Sáng kiến” của lãnh đạo Hải Phòng đang trở thành câu chuyện đàm tiếu.
Chả thế mà Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết vấn đề này được dư luận rất quan tâm. “Có ý kiến thì rất là đồng tình, nhưng có có ý kiến cho rằng trong điều kiện hiện nay, phải tính toán sao chi tiêu hiệu quả”, ông Dũng nói. Theo luật, thẩm quyền chi khoản tiền này thuộc UBND Hải Phòng. Tuy nhiên, ông Dũng nói nên rà soát khoản chi này. “Cũng nên rà soát lại những khoản chi, từ tiền thuế, tiền của dân. Chi đúng luật nhưng phải tiết kiệm, hiệu quả”, Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP cho hay.
Qua các trang mạng xã hội, một số người dân phàn nàn, việc tặng cờ và ấm chén là không phù hợp. Trong thời điểm này, Hải Phòng có thể dùng số tiền ấy để mua khẩu trang, nước sát khuẩn… phát miễn phí chống dịch Covid-19. Hoặc dùng để trang bị thêm cơ sở vật chất cho các trường học hoặc các công trình phúc lợi khác dành cho dân. Các trang mạng tiếp tục dậy sóng, được chính báo chí “lề phải” trích dẫn. Có comment cho rằng, tặng cho mỗi gia đình 500.000 VND mới thiết thực và có ý nghĩa.
Thật không may cho lãnh đạo Hải Phòng, việc duyệt chi 269 tỷ lại rơi đúng vào thời điểm Nghệ An, một tỉnh nghèo ở miền Bắc, cũng đang rầm rộ quyết tâm xây khu tượng đài Lê Nin ở giữa thành phố Vinh. Cái tréo dò và nghịch lý của các quyết định “xài tiền chùa” càng lộ rõ khi chúng đứng cạnh các con số. Thu chi năm 2018 của tỉnh: Chỉ thu được 12.691 tỉ trong khi chi tới 23.780 tỉ. Như vậy mỗi ngày, Nghệ An “ngửa tay” nhận 30 tỉ đồng của các tỉnh, thành phố khác để duy trì hệ thống công quyền của mình.
Trong bối cảnh như vậy mà vẫn “xài” hơn 8 tỉ xây công viên, dựng tượng đài Lê Nin, bất kể thiên hạ, đặc biệt là dân chúng các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, các quốc gia thuộc khối cộng sản ở Đông Âu, đang thi nhau dẹp bỏ tượng Lê Nin, một nhân vật mà theo các tài liệu đã được bạch hóa là phạm nhiều tội ác chống nhân loại, thì rõ ràng là một sự trái khoáy!
Tương tự, cách đây hơn 3 năm, kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1/2017), Vĩnh Phúc cũng tặng mỗi hộ gia đình có hộ khẩu tại tỉnh một bộ ấm chén. HĐND tỉnh đứng ra chủ trì tổ chức đấu thầu mua sắm. Hai Công ty TNHH Bảo Quang và Công ty TNHH Sản xuất & Dịch vụ thương mại Bảo Long, Bát Tràng trúng gần như hầu hết 9 gói thầu. Tổng các gói thầu mua ấm chén trị giá 65 tỉ VND.
Và như một bệnh dịch khó chữa, dù giàu hay nghèo, các địa phương vẫn thi nhau “xài tiền chùa”, bởi đằng sau các dự án “ngon ăn” ấy, tính sơ sơ như vụ ấm chén Hải Phòng, sẽ là những khoản “lại quả” hậu hĩnh. Đó cũng là lời giải thích cho việc tại sao ở Việt Nam xưa nay, kỷ niệm năm thành lập, ngày giải phóng luôn được gắn liền với việc xây dựng công trình, tượng đài, nhạc nước… Cách đây 5 năm, nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng, Hải Phòng cũng từng mạnh tay chi cho dự án nhạc nước 200 tỷ. Công trình này sau đó buộc phải tháo bỏ vì bị dân phản đối.
Tại sao lại có thể làm ngơ trước những khó khăn vì thiếu trước, hụt sau, phải vay mượn cả ngoài lẫn trong, mà cả địa phương lẫn trung ương vẫn “nhất trí cao” trong việc chi hết chục tỉ này đến chục tỉ khác cho các công trình kỷ niệm? Thậm chí gật đầu với cả những dự án vô bổ, kể cả những dự án dựng tượng đài trị giá cả trăm tỉ, ngàn tỉ mà lại không đầu tư thỏa đáng cho ĐBSCL, dù các vấn nạn ở khu vực này không còn là nguy cơ mà đã trở thành nhãn tiền suốt từ giữa thập niên 2010 đến nay?
Trong khi nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, không thể trồng cấy, không kế sinh nhai, nông dân các huyện Ba Tri, Giồng Trôm… ở Bến Tre đang thi nhau bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng mà họ đành phải bỏ hoang để có tiền trang trải những chi phí cho việc sống còn của họ. Giá bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng ấy rất rẻ – chỉ từ 100.000 đồng/khối đến 150.000 đồng/khối. Đã vậy không dễ bán nếu ruộng nằm ở những vị trí không tiện cho vận chuyển.
Bao giờ câu chuyện giúp ĐBSCL “phát triển bền vững, thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu” bước ra khỏi vòng… nghị quyết, để có thể đi vào cuộc sống người dân? Bao giờ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thật sự “tri ân”, thật sự biết đau xót cho mồ hôi, nước mắt của đồng bào mình nói chung? Với thể chế hiện nay, những câu hỏi này chưa thấy có câu trả lời…
Nhân Hòa

No comments:

Post a Comment