Sunday, March 1, 2020

Tin Tức, Chủ Nhật 01.03.2020

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Bảo Trân và Nguyên Khải

1/ BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ CHIA BUỒN VỀ VIỆC HOÀ THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ QUA ĐỜI
Vào thứ Sáu, ngày 28/2, thay mặt Ngoại trưởng Michael R. Pompeo và người dân Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí, gửi lời chia buồn đến dân chúng và phật tử Việt Nam, sau khi được tin Đệ ngũ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Đại lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ qua đời.
Thông cáo viết tiếp: “Hòa thượng Thích Quảng Độ là một nhà tranh đấu không mệt mỏi vì tự do tôn giáo và các nhân quyền khác, người luôn dốc lòng theo đuổi công lý một cách phi bạo lực. Các nỗ lực của ông đã mang về nhiều giải thưởng quốc tế và nhiều lần được đề cử cho giải Nobel Hòa bình.”
Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Marie Damour và phái đoàn đã đến viếng lễ tang của Ngài Đệ ngũ Tăng thống tại chùa Từ Hiếu ở Sài Gòn ngày 24/2 vừa qua.
2/ MỘT NGƯỜI VIỆT Ở NAM HÀN BỊ NHIỄM COVID-19 
Nhân viên Y tế Nam Hàn vừa xác nhận trường hợp 1 người Việt Nam đầu tiên ở nước này có xét nghiệm dương tính với Covid-19, và người này hiện đang sống ở thành phố Daegu, tâm dịch bệnh của bán đảo Triều Tiên.
Ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha cho biết bệnh nhân Việt Nam sẽ được điều trị miễn phí, như 2.900 người khác bị nhiễm ở quốc gia này.
Hiện có khoảng 200.000 người Việt sinh sống và làm việc tại Nam Hàn, riêng thành phố Daegu có hơn 8.000 người. Ở tỉnh Bắc Gyeongsang, tâm dịch thứ hai của nước này, số người Việt được ước tính là hơn 18.000 người.
Truyền thông Việt Nam đưa tin nhiều người Việt ở Nam Hàn đang về quê hương để tránh dịch và gây ra tình trạng ứ động tại các phi trường quốc tế ở Việt Nam.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 1.500 người Việt từ Nam Hàn về, nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, trong khi khả năng tiếp nhận của khu cách ly tập trung ở Hà Nội có hạn, đã dẫn đến việc quá tải ở sân bay và các cơ sở cách ly.
Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế của tỉnh Khánh Hoà cho biết ba ngày vừa qua, lượng người từ Nam Hàn đổ về phi trường Cam Ranh ngày một tăng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết đang lên kế hoạch để hỗ trợ khoảng 20.000 lao động Việt Nam tại các nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như Nam Hàn, Đài Loan và Nhật Bản về nước. Tất cả các chuyến bay từ Hàn Quốc trở về từ ngày 26/2 đều phải bị cách ly tập trung 14 ngày, không phân biệt có về từ vùng dịch hay không.
3/ HẬU QUẢ CỦA DỊCH COVID-19: NGUYÊN LIỆU CỦA NHIỀU NGÀNH SẢN XUẤT CỦA VIỆT NAM BỊ CẠN KIỆT
Tại cuộc họp đánh giá tác động dịch Covid-19 đối với sản xuất trong nước, Bộ Công Thương Việt Nam loan báo nguyên liệu trong các ngành điện, điện tử và dệt may chỉ còn đủ cho sản xuất đến hết tháng  3/2020, vì nguồn cung ứng từ Trung Cộng, Nhật Bản và Nam Hàn bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Vẫn theo Bộ Công Thương, nguyên liệu dệt may, da giày, túi xách cũng gặp  tình trạng tương tự, dẫn đến khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng hoạt động.
Số liệu mới nhất từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp-Thương mại (Bộ Công Thương), gần 30% hàng và nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung cộng.
Việc tìm nguồn nguyên liệu khác thay thế không dễ và có thể đắt hơn khiến hàng Việt Nam bị mất khả năng cạnh tranh.
4/ VIỆT NAM MUA NÔNG SẢN TRỊ GIÁ 3 TỶ MỸ KIM TỪ HOA KỲ
Vào thứ Năm ngày 27/2, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thỏa thuận mua nông sản trị giá 3 tỷ Mỹ kim từ tiểu bang Nebraska của Hoa Kỳ. Việc ký kết này diễn ra sau khi Hoa Kỳ loại Việt Nam và một số nước khác ra khỏi danh sách các quốc gia được hưởng quy chế các nước đang phát triển.
Trong 2 đến 3 năm tới, 7 doanh nghiệp Việt sẽ mua hơn 9 triệu tấn ngũ cốc, 100.000 con bò sống trị giá khoảng 3 tỷ Mỹ kim của Nebraska.
Trước đó, nhà cầm quyền Việt Nam cũng cấp phép cho 670 doanh nghiệp thịt và thủy sản Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam, và cho phép nhập khẩu 6 loại quả tươi như  đào, lê, nho, táo, quất và cam.
Việt Nam mong muốn phía Hoa Kỳ xem xét và đàm phán ký kết một thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam, tạo điều kiện để 2 nước dành ưu đãi cho các nhà đầu tư và kinh doanh.
5/ DỊCH COVID-19 LÀ CƠ HỘI CHO KINH TẾ TOÀN CẦU THOÁT KHỎI LỆ THUỘC TRUNG CỘNG
Báo Le Figaro với các bài viết về hậu quả của dịch covid-19, đã phác họa một bức tranh ảm đạm với hai kết luận: Chúng ta đã lệ thuộc vào Trung Cộng đến mức báo động và Covid019 là cơ hội để tái cân bằng hiện tượng toàn cầu hóa kinh tế.
Dịch Covid-19 là cơ hội để các quốc tây phương ý thức rõ đã bị lệ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp Trung Cộng. Còn giới tài chính nên coi đây là cơ may để điều chỉnh tình trạng bất cân bằng trong xu hướng toàn cầu hóa. Bởi Vì toàn cầu hóa đã giúp cho Trung Cộng nắm gần như toàn bộ kinh tế thế giới. Chiến tranh thương mại trong hai năm qua càng làm lộ rõ thế yếu của phương Tây. 
Khối 27 nước của EU cần ra khỏi chiếc bẫy do mình tạo ra, đó là: mua hàng giá rẻ của một chế độ độc tài nhất hành tinh, gây ô nhiễm nhất hành tinh, và ngày càng phô trương tham vọng bá quyền. 
Thuốc giải của các nền dân chủ phương Tây là một chính sách kinh tế quân bình có sự can thiệp của nhà nước để vừa có thể phục vụ xã hội, củng cố tăng trưởng trong một nền dân chủ tự do, đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu hóa rộng mở.
6/  TỔNG THỔNG HOA KỲ SẼ GẶP LÃNH ĐẠO ASEAN Ở LAS VEGAS TRONG THÁNG 3
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo cho biết Tổng thống Donald Trump đã mời các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đến Las Vegas vào tháng tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ nhằm mục tiêu tìm biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương.
Dự kiến hội nghị sẽ diễn ra ngày 12/3 và Tổng thống Trump sẽ tham dự.
Tổng thống Trump đã không đến hội nghị thượng đỉnh ASEAN và hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra vào năm ngoái tại Bangkok. Thay vào đó, ông đã gửi Cố vấn an ninh quốc gia, ông Robert O’Brien, đến dự. Tại Bangkok, ông O’Brien đã tiếp tục kêu gọi tự do hàng hải và cáo buộc Trung Quốc sử dụng những hành động đe dọa để ngăn chặn các quốc gia ASEAN khai thác tài nguyên ở Biển Đông.

No comments:

Post a Comment