Sunday, July 9, 2017

Tin tức ngày Chủ Nhật, 09.07.2017

TinTức

Thêm một người chết trong đồn công an
Hôm 6/7, anh Nguyễn Hồng Đê, 25 tuổi, ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, bị Công an thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đưa về Nhà tạm giữ tại đồn công an. Nhưng vào khoảng 4 giờ chiều hôm sau, ngày 7/7, mẹ của anh Nguyễn Hồng Đê đến đồn xin vào gặp con thì được công an cho biết anh đã “cởi áo dài tay tự thắt cổ” và đã được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh. Bà đã đến bệnh viện nhưng chờ suốt đêm vẫn không được vào. Đến 6:00 giờ sáng 8/7, bà nhận tin báo con trai đã chết, dẫu vậy, bà vẫn không được vào gặp con. Nửa tiếng sau, bà lại nhận được thông báo thi thể anh Đê đã được chuyển xuống nhà xác.
Gia đình anh Đê không chấp nhận cho phía công an khám nghiệm tử thi, và đã đẩy thi thể anh trên băng ca qua nhiều đường phố để đến trước cổng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận phản đối, vì cho rằng anh Đê tử vong không phải do tự tử.

Việt – Mỹ thảo luận việc hồi hương công dân Việt Nam
Ngày 7/7, Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cho biết: Thứ Tư, ngày 5/7 vừa qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã có buổi họp đầu tiên ở Hà Nội để bàn về vấn đề hồi hương các công dân Việt Nam bị Hoa Kỳ trục xuất, dựa trên những cam kết trong bản tuyên bố chung Việt-Mỹ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký kết ngày 31/5/2017. Cuộc họp này do Bộ Công an Việt Nam tổ chức với sự tham gia của Bộ ngoại giao và văn phòng chính phủ, Đại diện Hoa Kỳ có Bộ An ninh Nội địa và Bộ ngoại giao.

Giáo hội Công giáo Việt Nam lên tiếng về hiện tình Giáo hội
Ngày 3/7 vừa qua, tờ Église d’Asie vừa đăng cuộc phỏng vấn do Ban biên tập thực hiện với Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Cuộc phỏng vấn đề cập đến các vấn đề quan trọng, liên quan đến hiện tình của Giáo hội Công giáo Việt Nam, chẳng hạn trường hợp của các bloggers người Công giáo như Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay vụ Linh mục Nam Phong bị cấm xuất cảnh, hay sự kiện Linh mục và Giáo dân lên tiếng bảo vệ môi trường chống lại Formosa và đặc biệt vụ các tu sĩ Đan viện Thiên An tại Huế bị đàn áp đánh đập dã man. Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh nói: “Chế độ Cộng sản luôn là một chế độ độc tài, nên nhà cầm quyền có khuynh hướng đàn áp các tiếng nói đối lập. Các bloggers bị coi như những người khiêu khích, chuyên xúi giục các vụ nổi loạn”. Về vụ Formosa, Ngài cho rằng “Chính phủ luôn luôn sợ phải thừa nhận sự thật liên quan tới vụ tai tiếng Formosa”.

Xác định danh tính 5 người Việt thiệt mạng khị tìm đường sang Đài Loan
Ngày 7/7, Nhà chức trách Việt Nam mới chỉ xác định được danh tính của 5 người bị thiệt mạng trong số hơn 20 lao động chui bị chìm tàu tại Trung cộng khi đang trên đường sang Đài Loan. 5 nạn nhân đã được xác định danh tính gồm: Lê Đình Hiếu, Hồ Đức Tiến, Lưu Xuân Hoàng, Nguyễn Phúc Toàn và Đào Sỹ Hùng. Nhóm người này đến từ những tỉnh miền Trung, nơi chịu thiệt hại trực tiếp trong thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra. Họ phải đóng mỗi người khoảng 40 đến 50 triệu đồng cho một người đàn ông ở tỉnh Bắc Giang, hiện chưa rõ danh tính, để người này đưa họ sang Đài Loan làm chui, hầu có tiền gửi về nuôi sống gia đình đang khốn khổ vì thảm họa môi trường. Sau khi đến Trung cộng ngày 31/3, nhóm người được đưa lên một con tàu để vượt biển Đài Loan, nhưng không may tàu gặp nạn và bị chìm.
Your ads will be inserted here by
Easy Ads.
Please go to the plugin admin page to set up your ad code.

Hàng không mẫu hạm Trung cộng đến Hồng Kông
Thứ sáu, mùng 7/7, sau chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đến Hồng Kông vào tuần trước, chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung cộng cũng đã đến Hồng Kông và sẽ ở lại đây 5 ngày. Đây cũng là lần đầu tiên chiếc tàu này ra khỏi Trung cộng để đánh dấu 20 năm ngày Anh quốc trao trả Hồng Kông lại cho Trung cộng. Sự xuất hiện của chiếc hàng không mẫu hạm này tại Hồng Kông được xem là màn phô bày sức mạnh của Bắc Kinh nhằm răn đe thế lực đòi dân chủ tại Hồng Kông và đòi ly khai tại Đài Loan. Đây là chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất mà Trung cộng có được, nhờ mua từ Ukraine do Liên Xô sản xuất từ 25 năm trước, rồi đem về trùng tu lại.

Đông đảo người biểu tình đụng độ với cảnh sát Đức bên lề hội nghị thượng đỉnh G20
Để đối phó nguy cơ khủng bố và bạo động có thể xảy ra khi hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại thành phố Hambourg của Đức, đã có khoảng 20.000 cảnh sát từ khắp nước Đức được điều động đến Hambourg để bảo vệ an toàn cho hội nghị. Vì theo dự đoán của nhà chức trách Đức, có thể có đến 10 ngàn người biểu tình trong những ngày hội nghị.
Ngày 07/07, đoàn biểu tình đã chặn đường các phái đoàn tới tham dự hội nghị, cảnh sát Đức phải dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán. Đoàn biểu tình đã xung đột với cảnh sát, đã đốt nhiều xe của cảnh sát, khiến ngày họp thượng đỉnh đầu tiên đã có 111 cảnh sát bị thương, 29 người biểu tình bị câu lưu và 15 người bị tạm giam. Số người biểu tình ước đoán khoảng từ 7 đến 8 nghìn người, và cảnh sát đã phải mở một trại giam với sức chứa lên tới 400 người trong thời gian diễn ra thượng đỉnh G20 và nhiều thẩm phán đã có mặt tại chỗ để có thể đưa ra quyết định giam người ngay lập tức.

Tin tặc Nga bị nghi ngờ tấn công hệ thống điều hành nhà máy điện nguyên tử Mỹ
Ngày 06/07, báo New York Times tiết lộ rằng theo báo cáo của FBI và bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, hơn một chục nhà máy điện Mỹ bị tin tặc xâm nhập, trong đó có nhà máy điện nguyên tử Wolf Creek ở tiểu bang Kansas có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy tin tặc xuất phát từ Nga. Các máy tính của một số nhân viên tại đây đã bị tin tặc «viếng thăm», nhưng không vào được hệ thống điều hành của nhà máy.

No comments:

Post a Comment