Wednesday, August 15, 2012

Việt Nam có nên cho tàu chiến Hoa Kỳ sử dụng Cam Ranh?


Thứ Tư ngày 15.05.2012     
Lời dẫn: Tuy trên lý thuyết, một quốc gia nhược tiểu không nên nghiên hẳn về một siêu cường nào hầu bảo vệ chủ quyền dân tộc. Tuy nhiên trên thực tế, Bá Quyền Trung cộng là mối nguy cơ lịch sử của dân tộc Việt. Nhất là trước tham vọng vô giới hạn của bạo quyền Trung Cộng hiện nay. Chính vì thế, nghiêng hẳn về Hoa Kỳ và các nước tây phương để tìm đồng minh và xây dựng một lực lượng quân sự tân tiến mới là chính sách ngoại giao khôn ngoan nhất. Đã đến lúc CSVN vượt lên trên quyền lợi phe nhóm, chấp nhận dân chủ, duyệt lại chính sách đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung cộng hầu đứng hẳn về phía Hoa Kỳ cùng các nước Tây Phương.
Mời quý thính giả theo dõi bài bình luận của Đoàn Hưng Quốc có tựa đề:"Việt Nam có nên cho tàu chiến Hoa Kỳ sử dụng Cam Ranh?" sẽ được Song Thập trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
***
Một bài viết mang tựa đề "Quốc phòng Việt - Mỹ: Đầu tư liên kết chiến lược" được đăng trên mạng của Viện nghiên cứu chiến lược The Heritage Foundation, trong đó các tác giả liên kết hai sự kiện: Việt Nam không cho phép tàu chiến Hoa Kỳ sử dụng quân cảng Cam Ranh thì Hoa Kỳ cũng không cần thiết bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong lúc này.

Phía Hoa Kỳ chắc hẳn sẽ không thiết lập một căn cứ quân sự đồ sộ tại Cam Ranh như trong thời Chiến tranh lạnh; về phần Việt Nam nếu không mua vũ khí của Mỹ thì vẫn buôn bán được với Nga, Ấn Độ, Israel... Quyết định của Việt Nam phát sinh từ chủ trương không đi theo bên này hay bên kia giữa hai thế lực Mỹ-Hoa – theo cách nói của bài viết, tức là Việt Nam không theo chính sách ngoại giao "zero-sum" (bên được bên thua) trong mối liên hệ với cả Hoa Kỳ lẫn Trung cộng.
Phía Mỹ thông hiểu lập trường này vì cả hai nước đều có quyền lợi riêng đối với Trung cộng cùng các nước Đông Nam Á. Hoa Kỳ không có lợi ích để lôi kéo Việt Nam về một bên vì điều này sẽ chỉ làm căng thẳng thêm tình hình khu vực. Tuy nhiên các tác giả nêu lên câu hỏi rằng nếu đã cân bằng giữa Mỹ-Hoa thì Việt Nam không thể để Trung cộng chi phối lên chính sách ngoại giao của mình đối với Hoa Kỳ. Khi Bắc Kinh đã ngang nhiên mời gọi khai thác dầu hỏa ngay trong lãnh hải Việt Nam, nâng cấp cơ chế hành chánh và quân sự tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì tại sao Việt Nam lại không dám hợp tác với nước ngoài để giải tỏa phần nào các thách thức này? Còn nếu nêu lý do vì quá khứ chiến tranh để trì trệ tiến trình nói trên thì giữa hai nước còn nghi kỵ gì nhau sau 12 năm làm việc chung? Từ những câu hỏi này, các tác giả đã đề nghị Mỹ nên chậm lại tiến trình hợp tác quân sự cho đến khi hoàn cảnh chín muồi hơn nữa.
Theo ý kiến của người viết, thái độ của Việt Nam có thể thích hợp trong mối ngoại giao phát triển bình thường giữa hai quốc gia, nhưng hoàn cảnh của đất nước hiện đang trong giai đoạn rất cấp bách do ý đồ bành trướng của Bắc Kinh nay đã lộ rõ, tình hình đòi hỏi phải có những quyết định nhanh chóng và dứt khoát nhằm xây dựng các bước đột phá để làm chậm lại đà tiến của đối phương.
Úc, Singapore và Philippines đều đồng ý cho quân đội Mỹ tuy không đóng quân thường trực nhưng được phép luân chuyển qua đất nước của họ, thì Việt Nam cũng nên xem đó để xét lại lập trường của mình và cho tàu chiến Mỹ xử dụng quân cảng Cam Ranh. Hoa Kỳ đã nói rõ quan điểm không ủng hộ nước nào trong việc tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhưng sự hiện diện của hải quân Mỹ sẽ khiến Trung Quốc ngần ngừ trước khi sử dụng vũ lực tại Biển Đông. Đồng thời việc đi lại của tàu chiến Mỹ cũng thể hiện quan điểm chung của Hoa Kỳ và ASEAN về quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Ba tác giả của bài viết nhận xét rằng: Liên hệ quốc phòng Việt-Mỹ dù có nhiều triển vọng sẽ mang đến lợi ích lâu dài cho hai bên, nhưng hiện đang ở mức độ kém xa so với giữa Hoa Kỳ và Philippines (rồi đến Thái Lan và Indonesia). Người viết đặt thêm câu hỏi: Trong tình huống phải đối đầu với Trung cộng giống như tại Scarborough thì liệu có thế lực cường quốc nào hậu thuẫn cho Việt Nam hay không?
Câu trả lời là: Việt Nam phải cần ngay những quyết định nhanh chóng và đột phá để làm chậm lại các bước lấn lướt từ phương Bắc. Việt Nam không cho quân đội nước ngoài dùng căn cứ trên lãnh thổ. Nhưng nay Trung cộng đã ngang nhiên thành hình khu vực hành chính và quân sự nơi biển đảo của mình, liệu Việt Nam có nên xét lại lập trường nói trên hay không?
Đoàn Hưng Quốc

No comments:

Post a Comment