Wednesday, August 8, 2012

Giới Công nhân Việt Nam cần phải được bảo vệ


Thứ Tư ngày 08.08.2012    

Lời dẫn: Quan hệ giữa công nhân và chủ nhân trên nguyên tắc, không phải là một quan hệ công bằng, trừ khi công nhân tổ chức những nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ quyền lao động của mình. Dưới xã hội chủ nghĩa, nhà nước quản lý và trên thực tế là chủ nhân ông các phương tiện sản xuất, đồng thời kiểm soát chặc chẽ các nghiệp đoàn. Các công ty tư nhân, nhất là do người Hoa làm chủ, đều là những cánh tay nối dài tham nhũng của đảng và nhà nước. Trong tình huống đó chủ nhân ông là đảng và nhà nước tha hồ bóc lột, vì nghiệp đoàn chỉ là ngoại vi của đảng và nhà nước mà thôi. Mời quý thính giả theo dõi bài bình luận của Huỳnh Công Đoàn với tựa đề: "Giới Công nhân Việt Nam cần phải được bảo vệ" qua giọng đọc của Song Thập.
Chúng ta đều hiểu rằng, để bảo vệ một cá nhân trước thế lực bạo quyền thì con người phải đoàn kết. Vì rằng đoàn kết tạo nên sức mạnh, đó là sức mạnh lớn lao của một tập thể. Và nữa, tiếng nói của đám đông thì bao giờ cũng có trọng lượng hơn là của một cá nhân đơn lẻ.

Trong xã hội hiện đại ngày nay thì những người có cùng quan điểm, địa vị xã hội được tập hợp thành những Hội Đoàn và Tổ chức xã hội. Các Hội Đoàn này hoạt động có tôn chỉ riêng, phát triển và bảo vệ các quyền cũng như lợi ích của thành viên. Tất cả hợp thành xã hội Dân sự, đó là linh hồn của một xã hội. Nhưng ở Việt Nam, các hội đoàn không được hoạt động độc lập mà do nhà nước thành lập và quản lý, tổ chức Công đoàn của giới Công nhân cũng vậy.
Khi những người Công Nhân không có tổ chức Công đoàn độc lập của mình, thì những quyền và lợi ích chính đáng của họ không được bảo vệ. Không những vậy, họ thường xuyên bị giới chủ phân biệt đối xử và bạo hành. Tổ chức Công Đoàn nhà nước thì không bảo vệ cho quyền lợi của công nhân, mà còn kết hợp với giới chủ trong việc giám sát và bóc lột họ. Đó là nguyên nhân chính xảy ra những vụ bạo hành công nhân của giới quản lý lao động. Tình hình đã trở nên báo động đến nỗi đã nổ ra hàng loạt những vụ đình công tự phát của công nhân để phản đối.
Tại khu Công nghiệp Hoàng Long – Hoằng Hóa – Thanh Hóa, đã xảy ra vụ bạo hành công nhân khiến dư luận phẫn nộ. Đó là việc Ông Vương, một quản lý người Trung Quốc đã dùng keo 502 dán hai tay của một công nhân lại với nhau. Ngày 26/11/2011, khi ông Vương thuộc công ty giày Hongfu Việt Nam, đi kiểm tra xưởng, ông ta phát giác mấy đôi giày bị lỗi, liền gọi trưởng ca là chị Phương (24 tuổi) đến để chứng kiến, liền sau đó bắt chị ngửa tay ra rồi đổ keo 502 vào lòng bàn tay. Quá sợ hãi, chị Phương đã co rúm người lại rồi ngất xỉu. Được biết, thời gian trước đó ông Vương cũng đã đổ keo vào tay một nữ công nhân và đánh đập nhiều công nhân khác. Dù phẫn uất nhưng những người công nhân này không dám phản đối và tố giác. Tổ chức Công Đoàn nhà nước đã không lên tiếng để bảo vệ những sự vi phạm này.
Ngày 23/6/2011, đã xảy ra cuộc đình công của Công nhân công ty Giai Đức tại Chương Mỹ - Hà Nội. Công nhân đã vây kín cổng ra vào khiến mọi hoạt động của công ty phải ngưng trệ. Hai chiếc xe ô tô chở phế liệu của công ty không thể ra ngoài. Được lệnh gián tiếp từ lãnh đạo công ty, bảo vệ ca trực đã mở cổng để cho xe đi ra. Vì vướng phải công nhân đang đình công nên xe không thể ra ngoài được. Tức giận, tay bảo vệ đã nhảy lên xe rồi đuổi tài xế xuống và tự lái, y đã cho xe tông thẳng vào những công nhân đang ngồi đình công. Kết quả làm 6 người bị thương và một người chết tại chỗ.
Trên đây chỉ là vài vụ đơn cử trong số rất nhiều những vụ bạo hành công nhân diễn ra khắp nơi. Người công nhân trở nên đơn độc trong cuộc chiến không cân sức để chống lại sự áp bức, bóc lột của giới chủ. Những hành động bất công của giới chủ được sự tiếp sức của tổ chức Công đoàn nhà nước và nhân viên công lực. Họ bị bóc lột thậm tệ, những quyền và lợi ích chính đáng bị vi phạm nghiêm trọng.
Nhiều vụ bãi công, đình công của công nhân nổ ra khắp nơi để phản đối tình trạng phân biệt đối xử và đòi nâng cao mức sống. Tất cả đều vấp phải sự đối xử bất công từ phía chính quyền, nhiều vụ đình công đã bị công an đàn áp thô bạo. Lực lượng an ninh, cảnh sát chỉ biết bảo vệ các công ty vốn có liên hệ mật thiết với nhà nước, mà quay lại đàn áp những người công nhân thấp cổ bé họng không có ai đứng ra bảo vệ. Giới sử dụng lao động thì lại đang liên kết với một nhà nước độc tài để mà bóc lột sức lao động của công nhân. Nhà nước thì chỉ quan tâm vơ vét của cải và tài nguyên đất nước nên thân phận người lao động Việt Nam trở nên nhỏ bé trước lòng tham vô đáy của những kẻ lãnh đạo độc tài.
Lẽ thường thì giới công nhân phải được bảo vệ bởi tổ chức công đoàn đại diện, được pháp luật và nhà nước bảo vệ. Ai sẽ là người sẽ bảo vệ cho giới công nhân Việt Nam khi mà nhà nước ngoảnh mặt làm ngơ? Ai sẽ bảo vệ công nhân Việt Nam khi tổ chức công đoàn quốc doanh giám sát và lực lượng công an đàn áp họ? Câu trả lời là chỉ có công đoàn độc lập mới là người đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân. Nhưng tổ chức này đã bị nhà nước độc tài cấm hoạt động và đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Giới Công nhân Việt Nam cần phải được bảo vệ. Họ phải được bảo vệ khỏi sự đàn áp, bóc lột của liên minh ma quỷ. Họ phải được thực thi các quyền chính đáng của mình là thành lập hội đoàn và tổ chức đình công, bãi công. Tình hình thực tại của giới Công Nhân Việt Nam đã trở nên khẩn thiết. Mọi giới, mọi tầng lớp hãy bày tỏ sự đoàn kết để bảo vệ giới công nhân đang bị áp bức trong một chế độ nhà nước độc tài.
Huỳnh Công Đoàn

No comments:

Post a Comment