Thursday, August 30, 2012

Tin tức ngày thứ Tư, 29.08.2012


12 tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi Việt Nam thả 17 bloggers

12 tổ chức nhân quyền trên thế giới như Human Rights Watch, Electronic Frontier Foundation đã gửi thư yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thả tự do cho 17 bloggers trong đó có những người được nêu tên như Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh, Nguyễn Văn Oai, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, Tạ Phong Tần, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Đình Cương và Hoàng Phong.

Các tổ chức nhân quyền nhắc ông Nguyễn Tấn Dũng về nghĩa vụ của Việt Nam đối với luật bảo vệ quyền công dân khi đã phê chuẩn Hiệp ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự. Những quyền này được bảo vệ trong Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và cũng nằm trong luật tập quán quốc tế. Các quyền tự do lập hội, tự do phát biểu và quyền được xét xử công bằng là những quyền căn bản cần được bảo vệ trong hệ thống luật pháp VN và không được cắt xén một cách bất chính. Các tổ chức nhân quyền tin rằng VN sẽ trở nên thịnh vượng hơn với sự đóng góp của toàn thể công dân khi được quyền tự do dân sự.

Blogger Lê Văn Sơn đang bị giam giữ được đề cử cho giải công dân mạng 2012

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới đã đề cử blogger Lê Văn Sơn, 26 tuổi đang bị giam tại nhà tù B14 ở Hà Nội vào danh sách tuyển chọn của giải Công dân mạng thế giới năm 2012. Đây là giải thưởng hàng năm dành cho các blogger, các nhà báo mạng và những người bất đồng chính kiến trên mạng đã vận động cho quyền tự do bày tỏ ý kiến trên mạng Internet. Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Paris vào ngày 12 tháng 3, Ngày Thế giới chống kiểm duyệt Internet do Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới khởi xướng. Người được chọn sẽ nhận số tiền thưởng 2 ngàn 500 euro. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cho biết blogger Lê Văn Sơn, tức Paulus Lê Sơn, chuyên viết về các vấn đề chính trị và xã hội, nhất là về tôn giáo và nhân quyền. Anh Sơn đã viết về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và hành vi bạo lực của công an. Anh từng cộng tác với các trang thông tin như Baokhongle, Truyền Thông Chúa Cứu Thế, và tổ chức các buổi hội thảo và huấn luyện cho các bloggers tại Việt Nam. Anh Lê Văn Sơn bị bắt vào ngày 3 tháng 8 năm 2011, chỉ một ngày sau khi viết về phiên tòa phúc thẩm xử tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Được biết danh sách đề cử cho giải Công dân mạng 2012 còn có nhà báo Sakamoto tại Brazil, dân làng Ô Khảm tại Trung Quốc, blogger Sanad tại Ai Cập, Bản đồ gian lận bầu cử tại Nga, và Ủy ban điều hợp thông tin địa phương tại Syria.

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ sẽ bàn về mối căng thẳng tại Biển Đông

Phát ngôn nhân Victoria Nuland của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton sẽ bàn về những căng thẳng từ cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong chuyến công du Châu Á Thái Bình Dương qua 6 nước trong đó có Trung Quốc và Nga. Bà Clinton bắt đầu thảo luận với các lãnh tụ của các đảo tại Thái Bình Dương vào ngày thứ sáu 31 tháng 8 tại đảo Cook. Sau đó bà sẽ bay qua Indonesia, Trung Quốc, Brunei, và sẽ là ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ ghé Đông Timor. Bà Clinton mong giúp giải tỏa cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa 6 nước Đông Nam Á. Hoa Kỳ muốn thấy vấn đề được giải quyết trên bàn hội nghị thay vì bằng hình thức đe dọa hay võ lực. Nam Dương dù không tranh chấp chủ quyền, nhưng đứng đầu trong khối ASEAN trong nỗ lực đề nghị Trung Quốc thực hiện qui tắc ứng xử để giàn xếp các tranh chấp. Hoa Kỳ quan tâm đến nền hoà bình và an ninh trong khu vực vì Biển Đông là trục giao thương hàng hải quan trọng. Washington ủng hộ các nước Đông Nam Á tìm cách giải quyết tranh chấp với Trung Quốc và chê trách quyết định lập thành phố Tam Sa của Bắc Kinh.

Nhật Bản và Bắc Hàn trở lại đàm phán sau 4 năm

Nhật Bản và Bắc Hàn sẽ trở lại cuộc đàm phán song phương sau 4 năm vào thứ tư 29 tháng 8 tại Bắc Kinh với hy vọng hâm nóng mối quan hệ ngoại giao từ khi chủ tịch Kim Jong Un lên nắm quyền tại Bình Nhưỡng. Các chủ đề và giai điệu của cuộc đàm phán sẽ được hai nước chú ý cẩn thận. Tưởng cần nhắc lại, cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và Bắc Hàn đã bị bế tắc từ tháng 8 năm 2008 vì thái độ thù địch trong quá khứ, cùng những tranh luận về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, và kế hoạch bắt cóc người Nhật trong thập niên 70 và 80. Cho dù là vấn đề nhậy cảm , nhưng Nhật Bản sẽ cố đưa các vụ bắt cóc vào chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán. Được biết, Bắc Hàn từng công nhận bắt cóc 13 công dân Nhật Bản và dùng họ để huấn luyện gián điệp hoạt động tại Nhật. Bình Nhưỡng đã hứa trong các cuộc đàm phán vào năm 2008 sẽ điều tra thêm về những vụ bắt cóc, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện.

No comments:

Post a Comment