Tuesday, August 21, 2012

Tin tức


Thứ Ba ngày 21.08.2012      

1. Nguyễn Đức Kiên bị công an bắt giam

Vào 5 giờ chiều thứ hai 20 tháng 8, Cơ quan An ninh điều tra thuộc bộ Công an đã bắt tạm giam 3 tháng ông Nguyễn Đức Kiên, tức bầu Kiên, 48 tuổi là người thân cận với cô Nguyễn Thanh Phượng, con gái thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều quan chức an ninh cao cấp khác của nhà cầm quyền Hà Nội. Bầu Kiên nổi tiếng trong lãnh vực tài chánh, ngân hàng, và liên đoàn bóng đá Việt Nam, nhưng ông Kiên bị bắt không liên quan nhiều đến vấn đề thể thao.

Được biết ông Kiên từng du học tại Hungary vào năm 1981, về nước làm cán bộ Tổng công ty Dệt May Việt Nam rồi thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) cùng với một số người vào năm 1994. Ông Kiên và gia đình có nhiều cổ phần trong ACB và các ngân hàng lớn khác như Eximbank, Kiên Long, Vietbank, Đại Á, Techcombank. Ông cũng là chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ACB. Gần đây đảng CSVN hô hào làm sạch nội bộ. Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ được 3/14 phiếu đã chuyển chức trưởng ban phòng chống tham nhũng Trung ương từ thủ tướng sang tổng bí thư với Ban Nội chính được tái lập do đích thân Tổng bí thư đứng đầu. Đợt kiểm điểm nội bộ trong Bộ chính trị và Ban bí thư gần đây đã loại bớt ảnh hưởng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tướng an ninh Nguyễn Văn Hưởng để có thể thực hiện thành công các cuộc điều tra chống tham nhũng.

2. Hàng ngàn nông dân Văn Giang bao quanh trụ sở bộ Tài Nguyên Môi Trường

Từ 8 giờ sáng thứ ba 21 tháng 8, hàng ngàn nông dân Văn Giang đã có mặt tại 83 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội để gặp bộ trưởng bộ Tài Nguyên Môi Trường như đã cam kết trước báo chí. Được biết trong khu vực đã có rất nhiều cảnh sát, xe 113, an ninh chìm nổi tại các quán nước, vỉa hè, đặc biệt kỳ này có nhiều nữ cảnh sát. Gần đây văn phòng luật sư Trần Vũ Hải và các hộ dân tại Văn Giang đã yêu cầu bộ trưởng phải có mặt trong buổi đối thoại với nông dân bị thu hồi đất từ dự án Ecopark vì ông bộ trưởng từng cam kết trước báo chí rằng "Tôi sẵn sang đối thoại với người dân Văn Giang". Ngoài ra buổi đối thoại cũng cần có sự tham gia của đại diện những cơ quan liên hệ như văn phòng Chính phủ, bộ Tư pháp, bộ Giao thông Vận tải, bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu Quốc hội, và chủ đầu tư. Bộ Tài Nguyên Môi Trường cho biết phóng viên báo chí sẽ được mời tham dự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bộ Tài Nguyên Môi Trường chưa trả lời 12 kiến nghị từ văn phòng luật sư Trần Vũ Hải đại diện cho các hộ dân Văn Giang gửi đến trước buổi đối thoại.

3. Miến Điện không còn kiểm duyệt báo chí

Cơ quan Ghi Danh và Kiểm Tra báo chí Miến Điện ra thông báo kể từ thứ hai 20 tháng 8, các nhà báo không cần phải nộp bài để kiểm duyệt trước khi cho đăng tải. Ông Tint Swe, người đứng đầu cơ quan cho biết lệnh kiểm duyệt bắt đầu vào ngày 6 tháng 8 năm 1964, đã chấm dứt sau 48 năm và hai tuần. Tuy nhiên ông ta xác nhận phim ảnh vẫn tiếp tục bị kiểm duyệt. Một nhà báo tại Rangoon cho rằng hôm nay là ngày trọng đại đối với tất cả nhà báo Miến Điện vì đã phải làm việc trong hoàn cảnh khắc nghiệt từ bao nhiêu năm qua. Hiện nay báo chí tại Miến Điện được hướng dẫn cách loan tải các chủ đề chính trị và xã hội đầy tranh cãi. Một điều mà dưới chế độ độc tài quân sự trước đây không ai dám mơ tưởng. Khoảng 300 tờ báo và tạp chí về những lãnh vực ít nhạy cảm cũng đã được phép tự xuất bản mà không phải kiểm duyệt. Chính quyền Miến cũng cho phép người dân đọc khoảng 30 ngàn trang mạng có nội dung chính trị. Vào tháng 10 năm ngoái, ông Swe kêu gọi bỏ luật kiểm duyệt vì đi ngược lại sinh hoạt dân chủ dù vẫn cảnh báo rằng nhà báo phải có trách nhiệm với quyền tự do báo chí.

4. Nam Phi kêu gọi Việt Nam giúp chận đứng nạn săn sừng tê giác

Ông Mavuso Msimang, giám đốc phòng bảo vệ tê giác kêu gọi Việt Nam hợp tác với Nam Phi để ngăn chặn nạn buôn trái phép sừng tê giác vào lúc số động vật tại Nam Phi bị bắn gục đến mức kỷ lục. Đây là nơi sinh sản của 90% tê giác trên thế giới. Vào tháng 3, Nam Phi đã nhờ Việt Nam kiểm tra và xác nhận các sừng tê giác xuất khẩu từ Nam Phi vào Việt Nam vẫn còn được những người thợ săn trưng bầy thay vì được bán làm thuốc chữa bệnh. Kể từ đầu năm nay, có đến 281 con tê giác đã bị bắn để lấy sừng. Tổ chức theo dõi động vật hoang dã TRAFFIC dự đoán khoảng 515 con tê giác bị giết trong năm nay, so với số kỷ lục là 448 con tê giác vào năm ngoái. Tổ chức này cũng kêu gọi Việt Nam gia tăng hình phạt đối với người buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác. Được biết trong số 43 người Á Châu bị bắt về tội giết tê giác tại Nam Phi có đến 24 người Việt Nam. Ông Tom Milliken thuộc tổ chức TRAFFIC cho rằng chỉ có giải pháp kiềm chế nhu cầu mua sừng tê giác tại Á Châu mới ngăn chặn nạn săn trộm tê giác tại Phi Châu. Tuy nhiên ông Milliken đã thất vọng khi thấy nhà cầm quyền Việt Nam đã không quan tâm đến vấn đề diệt chủng tê giác.

No comments:

Post a Comment