Tuesday, August 14, 2012

Tin Tức thứ Ba ngày 14.08.2012


Nữ viên chức Úc cặp bồ với đại tá tình báo Việt Nam

Bản tin điều tra của báo Sydney Morning Herald vào hôm thứ hai 13 tháng 8 cho thấy bà Elizabeth Masamune, viên chức cao cấp Cục Thương Mại Úc đã cặp bồ với đại tá tình báo Lương Ngọc Anh trong những năm đầu thập niên 2000 khi được cử làm việc tại tòa đại sứ Úc ở Hà Nội.

Bà Masamune đã không báo cho chính quyền Úc nhất là cơ quan tình báo Úc về mối quan hệ tình cảm với ông Anh. Được biết ông Anh hợp tác với công ty Securency của Úc trong vai trò trung gian in tiền giấy nhựa polymer cho Ngân Hàng Việt Nam. Bộ ngoại giao Úc xác nhận việc bà Masamune khuyến khích viên chức Securency hối lộ 20 triệu Úc kim để ông Lương Ngọc Anh giúp trúng thầu. Ông Anh là người thân cận của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đứng ra nhận tiền hối lộ cho các quan chức cao cấp tại Hà Nội. Vào năm ngoái, công tố viên tòa án Úc cáo buộc Lương Ngọc Anh cầm số tiền hối lộ đến 20 triệu Úc kim dù chỉ cung cấp dịch vụ thông dịch, đưa đón và sắp xếp các buổi họp giữa viên chức công ty Úc và quan chức ngân hàng trung ương Việt Nam qua công ty Phát Triển Công Nghệ do ông Lương Ngọc Anh làm tổng giám đốc.
Hiện nay bà Masamune là tổng giám đốc thị trường Đông Á của Phòng Thương Mại Úc tại Sydney. Cuộc điều tra của cảnh sát liên bang khởi động bắt nguồn từ những thông tin do tờ The Age loan tin vào năm 2009, nhưng cuộc điều tra chỉ đưa đến việc truy tố tội hối lộ đối với các quan chức lớn của Securency và công ty in tiền Úc.

Trung Quốc ngăn cản hàng hóa Việt Nam

Báo mạng DVD tố cáo Trung Quốc đang siết sản phẩm Việt Nam trong khi tìm mọi cách đẩy hàng hóa "made in China" tràn xuống phương Nam. Một số nhà xuất nhập cảng Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã ra lệnh ngưng nhập cảng hàng Việt Nam kể từ cuối năm ngoái. Một giám đốc công ty xuất cảng cho biết rất nhiều lần hàng hóa Việt Nam bị ngăn tại biên giới Việt-Trung vì thiếu nhiều giấy tờ rườm rà, phức tạp. Các mặt hàng chính của Việt Nam như cao su, nông sản, khoáng sản, hải sản bị ứ lại tại vùng biên giới ngày càng nhiều. Trong khi đó báo Sài Gòn Tiếp Thị loan tin hàng Trung Quốc xuất cảng vào Việt Nam nhiều nhất đến mức 13 tỉ mỹ kim trong 6 tháng đầu năm nay. Tổng Cục Hải Quan Việt Nam cho biết Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc nhiều loại máy móc, dụng cụ, máy tính, sản phẩm và linh kiện điện tử cùng các loại vải. Một giám đốc công ty may tại Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã giết ngành dệt may nội địa Việt Nam không chỉ vì bán vải mà còn sản xuất bông vải, vải thành phẩm nên các loại quần áo may sẵn đều rẻ như bèo. Các nhà sản xuất may mặc đang đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt nếu không tìm được nguồn xuất cảng mới.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề cao công ước về Luật biển

Tại hội nghị kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển ra đời, ông tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh công ước về luật biển của Liên hiệp quốc là một trong những công cụ pháp lý quan trọng nhất của thế giới. Ông Ban Ki-moon cho rằng Luật Biển đang giữ hòa bình cho thế giới, áp dụng công bằng và hiệu quả các nguồn tài nguyên của đại dương, bảo vệ môi trường và đưa tới một trật tự kinh tế công bằng và hợp lý. Tại buổi lễ tổ chức ở Nam Hàn, thứ trưởng ngoại giao Kim Sung-han nhận định rằng "Các đại dương của thế giới đã trở thành nơi diễn ra các tranh chấp về những vấn đề như quyền đánh bắt cá và các tuyên bố khác nhau về quyền tài phán quốc gia, khai thác tài nguyên khoáng sản ở vùng biển sâu và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các vấn đề như vậy phát sinh không phải vì những thiếu sót trong công ước này và cũng không phải vì các quốc gia thành viên áp dụng sai công ước, mà vì không tuân thủ công ước". Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng công bố sáng kiến "Thỏa Thuận Đại Dương" để bảo vệ môi trường và ngăn tình trạng đánh bắt cá quá mức giới hạn. Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp ngăn chặn nạn cướp biển đồng thời hướng tới một khuôn khổ pháp lý nhằm đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu. Được biết Việt Nam đã công nhận công ước về Luật biển 1982 và kêu gọi giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông bằng công ước này.

Dân Nam Hàn bơi ra đảo trong lúc d â n Hong Kong, Trung Quốc và Đài Loan lái thuyền đến đảo tranh chấp với Nhật

Hơn 50 người Nam Hàn bắt đầu bơi tiếp sức 230 cây số từ một cảng phía đông Nam Hàn để đến đảo tranh chấp Dokdo mà người Nhật gọi là Takeshima. Được biết ca sỹ Kim Jang-hoon khởi xướng cuộc bơi dự định đến đảo Dokdo đúng vào ngày Độc Lập của Nam Hàn 15 tháng 8, chấm dứt 35 năm bị Nhật cai trị trên bán đảo Triều Tiên. Hãng thông tấn Yonhap cho biết ca sĩ Kim đã nhảy xuống biển trong bộ đồ lặn sau buổi lễ xuất quân cùng với khoảng 40 sinh viên thuộc các đội bơi lội tại các đại học và hàng chục người khác. Cuộc bơi tiếp sức kéo dài khoảng 55 giờ do ca sĩ Kim dẫn đầu để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 45 trên biển vào thứ ba. Vấn đề tranh chấp quần đảo giữa Nam Hàn và Nhật đã gây căng thẳng từ khi tổng thống Nam Hàn Lee Mung-bak đến thăm đảo Dokdo vào ngày 10 tháng 8 khiến Nhật triệu đại sứ từ Seoul về nước để phản đối. Thủ tướng Nhật Noda coi đây là hành động "vô cùng đáng trách". Trong khi đó ô ng Chan Miu-tak, chủ tịch ủy ban Hành Động Bảo Vệ Điếu Ngư cho biết một nhóm người Hong Kong đã lái tàu đến đảo tranh chấp Điếu Ngư mà người Nhật gọi là Senkaku. Vào thứ ba 14 tháng 8, hai tàu khác từ miền nam Trung Quốc và từ Đài Loan cũng trực chỉ Điếu Ngư. Ông Chan tuyên bố với tờ Japan Times rằng người tàu từ nhiều nơi muốn có mặt tại vùng đảo tranh chấp trước khi phái đoàn của 50 chính trị gia Nhật tới thăm đảo Senkaku vào ngày 19 tháng 8. Ông Yang Kuang, thuyền trưởng chiếc tàu từ Hong Kong dự định đến đảo vào đúng ngày 15 tháng 8, ngày kỷ niệm Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, chấm dứt Thế chiến thứ hai.

No comments:

Post a Comment