Tuesday, August 7, 2012

Tin Tức


Thứ Hai ngày 06.08.2012     

1. Đài Truyền Hình Hà Nội vu cáo người dân yêu nước biểu tình vì tiền

Trong bản tin thời sự trưa chủ nhật 5 tháng 8, đài Truyền Hình Hà Nội đã trắng trợn vu cáo người dân yêu nước tham gia biểu tình vì được trả tiền. Bản tin của Đài Truyền Hình Hà Nội đã bịa đặt như sau: "Đáng chú ý là trong cuộc tụ tập sáng nay, quần chúng nhân dân và lực lượng an ninh đã phát hiện và bắt quả tang một số đối tượng đang phát trả tiền công cho những người biểu tình".

Bản tin còn cho biết sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết và bằng chứng trong bản tin thời sự lúc 6 giờ 30 cùng ngày. Tuy nhiên, đài Truyền Hình Hà Nội không hề cung cấp bằng chứng về cáo buộc này trong bản tin thời sự lúc 6 giờ 30 chiều chủ nhật. HIện nay nhiều cơ quan thông tin nhà nước như đài Truyền Hình Hà Nội thường xuyên phổ biến những thông tin xuyên tạc từ nhà cầm quyền Hà Nội để che đậy hành vi đàn áp, bắt bớ của công an đối với người biểu tình yêu nước và dân oan khiếu kiện đất đai.

2. 400 nông dân biểu tình trước bộ Tài Nguyên Môi Trường

Từ 9 giờ sáng chủ nhật 5 tháng 8, khoảng 400 nông dân Văn Giang đã kéo đến bộ Tài Nguyên Môi Trường để biểu tình yêu cầu quan chức sớm giải quyết các khiếu nại đất đai. Ngay khi nông dân trưng cờ và biểu ngữ, công an chìm nổi đã xông vào tịch thu. Trong lúc đó bộ Tài Nguyên Môi Trường đang tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập bộ, lễ đón nhận huân chương Hồ Chí Minh với sự tham dự của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu chủ tịch Trần Đức Lương. Cuộc biểu tình bên ngoài đã khiến buổi lễ không còn trang trọng. Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, thứ trưởng bộ Tài Nguyên Môi Trường đã buộc phải ra cổng để yêu cầu dân oan đừng làm hỏng buổi lễ có nhiều quan chức tham dự. Ông Hiển hứa sẽ sớm tổ chức buổi gặp gỡ nông dân Văn Giang.

3. Tranh chấp Biển Đông đang là câu chuyện thời sự thế giới

Gần đây nhiều cơ quan thông tấn quốc tế loan tải các thông tin liên quan đến tình hình tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Độc giả trên thế giới đã biết đến thái độ xâm lăng biển đảo của nhà cầm quyền Bắc Kinh khi coi phần lớn vùng Biển Đông thuộc về Trung Quốc. Các bài phân tích thời sự về cuộc tranh chấp chủ quyền cũng nêu ra những yếu tố cho thấy Trung Quốc đang dùng những sảo thuật để thực hiện ý đồ làm chủ Biển Đông để chiếm túi dầu khổng lồ dưới đáy biển sâu. Đặc biệt cuộc đàn áp người Việt yêu nước tham dự biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tại Hà Nội vào chủ nhật 5 tháng 8 đã được phóng viên AP tường thuật đầy đủ. Bản tin này được phổ biến như một bản tin có thể làm kinh ngạc độc giả của các cơ quan thông tấn ngoại quốc, những tờ báo địa phương tại Hoa Kỳ và trên báo mạng có nhiều độc giả như Huffington Post.

4. Trung Quốc triệu tập phó đại sứ Hoa Kỳ để phản đối bản thông cáo về Biển Đông

Bộ ngoại giao Trung Quốc đã gửi công hàm vào cuối ngày thứ bảy để triệu tập ông Robert Wang, phó đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh về những nhận xét của bộ ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông gần đây. Bắc Kinh cho rằng những chỉ trích từ Washington đã gửi "một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng" đến các nước đang tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Ông Dean Cheng, thuộc viện nghiên cứu chiến lược Heritage Foundation tại Washington cho rằng Trung Quốc đang gia tăng áp lực đáng kể đến các nước trong khu vực để phải nhìn nhận Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc. Ông Cheng nghĩ rằng Trung Quốc cần phô trương sức mạnh trước khi quốc hội nhóm họp vào cuối năm nay để chọn thành phần lãnh đạo mới cho thập niên tới. Vài ngày trước đây, bộ ngoại giao Hoa Kỳ coi việc Trung Quốc thành lập một đơn vị đồn trú quân sự tại Biển Đông đi ngược lại giải pháp ngoại giao khi giải quyết tranh chấp, và khuyên các nước không nên giải quyết bằng vũ lực. Hiện nay mối quan tâm của Hoa Kỳ là đường tự do hàng hải tại Biển Đông cho các đồng minh kinh tế như Nhật và Nam Hàn. Năm 1974, Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đã làm ngơ khi Trung Quốc đánh Việt Nam Cộng Hoà để chiếm 30 cù lao và đảo thuộc Hoàng Sa. Tuy nhiên, ông Dean Cheng cho rằng kỳ này Hoa Kỳ có thể dính vào cuộc chiến tại Biển Đông khi Trung Quốc tấn công tàu Phi Luật Tân hoặc vùng biển đảo của Phi vì Washington và Manila có ký hiệp ước bảo vệ lẫn nhau.

No comments:

Post a Comment