Tuesday, August 21, 2012

New South Wales


Chủ Nhật ngày 19.08.2012   

Lời dẫn: New South Wales là tiểu bang có dân số cao nhất nước Úc, là nơi có đông người Việt nhất và cũng là nơi có Cộng Đồng Người Việt chống Cộng mạnh mẽ nhất Úc châu. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả Lá thư Úc châu của Bửu Sơn, giới thiệu vài nét về tiểu bang NSW và người Việt tại nơi này qua sự trình bày của Bạch Mai để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
New South Wales (NSW) là tên của một tiểu bang nằm ở phía Đông Nam của nước Úc và là nơi có đông dân nhất lục địa này. Phía Nam giáp Victoria, Bắc giáp Queensland, Tây giáp South Australia và Đông hướng ra biển Tasman.
Tiểu bang NSW được hình thành vào năm 1788, lúc đầu bao gồm toàn lục địa, cùng với New Zealand, đảo Lord Howe và đảo Norfolk. Sang thế kỷ 19, NSW được tách ra riêng biệt. Sydney là thành phố lớn nhất của New South Wales và cũng là thủ phủ của tiểu bang này.

Lịch sử

Những cư dân nguyên thủy của vùng đất này là các bộ lạc thổ dân đến Úc khoảng 40 đến 60 ngàn năm trước.
Đối với người Âu châu thì việc khám phá ra vùng đất này là do thuyền trưởng James Cook trong chuyến hải trình dọc theo bờ biển phía Đông của lục địa Úc vào năm 1770. Trong nhật ký khảo sát bờ biển, Captain Cook đặt tên bờ biển phía Đông của Úc là "New Wales", thời gian sau đã sửa lại thành "New South Wales".
Nhóm người Anh định cư đầu tiên là First Fleet (Đoàn tàu thứ nhất) dẫn đầu bởi Thuyền trưởng Arthur Phillip cập bến vào năm 1788. Ông cũng là vị Thống đốc đầu tiên, từ năm 1788 cho đến năm 1792. Trong suốt thời gian này New South Wales hoàn toàn là thuộc địa giam tù khổ sai.
Sau nhiều năm rối loạn, vô chính phủ và cuộc nổi loạn rượu Rum làm cho Thống đốc William Bligh bị lật đổ. Đến năm 1809, Toàn quyền mới là Trung tá Lachlan Macquarie được gửi đến từ Anh để chỉnh đốn lại vùng này. Macquarie đã cho xây dựng đường xá, cầu cống, hải cảng, nhà thờ và các tòa thị chánh. Ông gửi các đoàn thám hiểm đi xuyên trong lục địa, thiết kế và vẻ bản đồ đường xá thành phố Sydney.

Giáo dục

Như các tiểu bang khác, NSW có hệ thống giáo dục miễn phí từ Tiểu học, Trung học và Cao đẳng. Rất nhiều trường đại học, nổi tiếng nhất là các trường đại học Sydney, đại học NSW, đại học Wollongong... là nơi có hơn 20 ngàn sinh viên nước ngoài đến du học hằng năm.

Khí hậu

NSW nằm trong vùng ôn đới nên khí hậu ở Sydney tương đối dễ chịu nhất so với các thành phố khác. Vào mùa hè (từ tháng 12 đến tháng 2), nhiệt độ trung bình khoảng 22 đến 32 độ C, có đôi ngày nhiệt độ lên đến 40 độ C. Mùa đông (từ tháng 6 đến tháng 8) ban ngày khoảng 18 độ C, đêm xuống 8 độ C. Mưa nhiều từ tháng 3 đến tháng 6.

Thắng cảnh nổi tiếng

Nổi tiếng nhất là Opera House, cầu Harbour Bridge, vịnh Botany, bãi biển Bondi, các vùng Blue Mountain, Wollongong, Newcastle .v.v là những nơi được nhiều du khách thường xuyên thăm viếng.

Người Việt tại NSW

Theo thống kê năm 2006, NSW có 56 ngàn người Việt, là tiểu bang có đông người Việt nhất nước Úc. Quận Cabramatta thuộc Fairfield, nơi có 30 ngàn người Việt đang sinh sống, được xem là thủ phủ của người Việt tại Úc. Vùng này có Trung Tâm Văn Hóa và Sinh Hoạt Cộng Đồng, có Nhà thờ Quốc Tổ Hùng Vương, có nhiều trường Việt ngữ tọa lạc… Người Việt tại đây không những có lập trường chính trị đối kháng với Cộng Sản Việt Nam mà còn là một Cộng Đồng chống Cộng mạnh nhất tại Úc.
Điển hình vào năm 1994, chương trình “Duyên dáng Việt Nam” do Hà Nội đưa sang, tổ chức tại Town Hall, Sydney, đã hoàn toàn thất bại khi bị 10 ngàn người Việt biểu tình chống đối.

Đại Hội Cộng Đồng liên bang Úc châu

Mới đây, Đại Hội lần thứ 21 của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu vừa được tổ chức tại Sydney từ ngày 8/6 đến 10/6/2012. Buổi Lễ Tiếp Tân trọng thể được tổ chức tại Trụ Sở Quốc Hội Tiểu Bang NSW, hai Thượng Nghị sĩ Charlie Lynes và David Clarke - thay mặt chính phủ liên đảng Tự Do Quốc Gia chào mừng toàn thể đại biểu của tất cả các tiểu bang và lãnh thổ của Cộng Đồng Người Việt Tự Do.
Dưới hai lá quốc kỳ Úc và Việt Nam Cộng Hòa được treo trang trọng trong phòng khánh tiết Quốc Hội, Clarlie Lynes đã đọc diễn văn khai mạc, ông rất hãnh diện không những trong tư cách thành viên lập pháp mà còn là một cựu chiến binh Úc đã từng chiến đấu chung với người lính Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1967 tại Tỉnh Phước Tuy,
Tiếp theo, Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch NSW kiêm Trưởng Ban Tổ chức Đại Hội và Ông Nguyễn Thế Phong, Chủ tịch Liên Bang, đều nhấn mạnh đến những nỗ lực của cộng đồng Việt Úc trong việc đòi hỏi tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Đại Hội chính thức khai mạc ngày hôm sau tại Trung Tâm Văn Hóa và Sinh Hoạt Cộng Đồng với sự hiện diện của Dân biểu Chris Bowen, Bộ Trưởng Di Trú, đại diện cho Thủ tướng Julia Gillard, Dân biểu Andrew Rohan, đại diện cho Thủ hiến NSW. Ngoài ra, còn có nhiều dân biểu liên bang, tiểu bang khác cùng đại diện tôn giáo, tổ chức, đoàn thể và đông đảo đồng hương tham dự.
Với chủ đề “Nhìn Lại Quá Khứ và Hướng Về Tương Lai” cũng như để kỷ niệm 50 năm tham chiến của quân đội đồng minh tại Việt Nam (1962-2012), các bài tham luận của Tiến sĩ Sử gia Lewis Sorly từ Hoa Kỳ và hai chứng nhân tại Úc là Cựu Trung Tá Harry Smith, người đã đem lại Chiến Thắng Long Tân năm 1966 cho Quân Đội Hoàng Gia Úc và Cựu Bộ Trưởng Di Trú Ian Macphee, chính trị gia đã tạo điều kiện hình thành và phát triển cho cộng đồng người Việt tại Úc vào cuối thập niên 1970 đã được cả hội trường lắng nghe.
Hiện Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu đang được trẻ trung hóa, rất đông đại biểu trẻ tuổi về tham dự.
Đến từ Victoria có: các cô Mai Lan, Nguyễn Phượng Vỹ, Angie Bùi, các anh Nguyễn Văn Bon, Kevin Trần.
Đến từ Wollogong có: cô Nguyễn Kim Dung và Trần Hương Thủy.
Đến từ Brisbane có cô Kiều Oanh.
Tại NSW có: Tiến sĩ Hà Công Thắng, Luật sư Nguyễn Quốc Toàn, các Cô Nguyễn Tuyết Loan và Phạm Kim.
Đại Hội đã bầu Ban Chấp Hành mới gồm: Luật sư Võ Trí Dũng (Chủ tịch), Ông Đoàn Công Chánh Phú Lộc (Phó Nội Vụ) , Ông Lê Công (Phó Ngoại Vụ), Cô Nguyễn Tuyết Loan (Tổng Thư Ký) và Luật sư Phạm Kim (Thủ Quỹ)./.

Vì thời gian có hạn, Bạch Mai xin hẹn quý thính giả qua “Lá thư Úc châu” lần tới. Thân ái kính chào tạm biệt.

No comments:

Post a Comment