Thursday, August 30, 2012

Đảng CSVN Xưng Tội Với Ai?


Thứ Năm ngày 30.08.2012     
Lời dẫn: TBT Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng là Phú Lú vì không ý thức được rằng trách nhiệm thiêng liêng và hệ trọng của các đảng Viên CSVN, trong giờ phút này, không phải là phê bình tự phê để cứu đảng, mà chính là phải phê bình tự phê để "đại nghĩa diệt thân", hủy diệt đảng và trao lại tự do cho dân Việt.
Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Phạm Trần với tựa đề: "Đảng CSVN Xưng Tội Với Ai?" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương đảng CSVN vừa hoàn tất 16 ngày "kiểm điểm tự phê bình và phê bình", nhưng Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo diễn cho đoàn kịch 18 người "xưng tội" với nhau.

Theo tin chính thức, các bản kiểm điểm của 14 Ủy viên Bộ Chính trị (BCT) và 4 người thuộc Ban Bí thư viết dài từ 10 đến 22 trang giấy, có người đã viết đi viết lại đến 3 hay 4 lần.
Tại sao?
Bởi vì đảng CSVN bây giờ đã mất hết tín nhiệm trong nhân dân. Điều được gọi là mối liện hệ "máu thịt" giữa dân và đảng không còn nữa.
Ở nhiều nơi, đảng đã biến thành "kẻ thù của dân" và dân đã bị Nhà nước coi là "lực lượng thù địch của đảng". Những vụ Nhà nước dùng công an, cảnh sát và thuê mướn cả côn đồ, lực lượng xã hội đen hoạt động ngoài vòng pháp luật để đàn áp dân trong việc cưỡng chế đất đai như ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên) và Vụ Bản (Nam Định) cho thấy giữa dân và nhà nước không còn có thể sống chung với nhau nữa.
Tình hình đen tối đến độ đã có người dân phải xả thân tự thiêu cho đến chết như trường hợp Bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ nhà báo tự do đang bị giam Tạ Phong Tần, qua đời ngày 30/7/2012 trước trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, vì không chịu nổi áp bức và thường xuyên khủng bố tinh thần của nhà cầm quyền nữa!
Thêm vào đó là tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong đảng, nay đã đến mức có thể làm cho đảng tan, khiến khóa đảng XI này phải làm mọi việc để cứu đảng.
Vì vậy đảng phải tập trung làm 3 việc:
Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy chính quyền trong mối liên hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Đó là lý do Bộ Chính trị và Ban Bí Thư Trung ương phải kiểm điểm tự phê bình và phê bình riết ráo để làm gương, may ra có thể cứu nguy cho đảng khỏi tan rã.
Nhưng muốn thực hiện được Nghị quyết 4 thì ưu tiên phải chống được tham nhũng, trong đó vấn đề nan giải là phải giải quyết được tệ nạn "lợi ích nhóm", tức quyền lợi của các phe phái trong nội bộ đảng và phải quy rõ trách nhiệm và kỷ luật người đứng đầu có lỗi.
Vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi kiểm điểm, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã thảo luận cả đến vấn đề làm ăn thua lỗ của các Doanh nghiệp Nhà nước, điển hình là Tập đoàn Tầu thủy Vinashin và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Vinashin, theo một nguồn tin có thẩm quyền ở Việt Nam cho người viết bài này biết rằng, tổng số tiền thua lỗ và nợ phải trả của Vinashin đã đuợc tổng cộng gần 100,000 tỷ đồng (không phải 1,000 tỷ đồng như vẫn thường nghe nói).
Riêng Vinalines thì chỉ riêng năm 2011 đã thất thu khoảng 500 tỷ đồng. Tổng Thanh Tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã đề cập đến con số tiền thua lỗ của Vinalines là trên 300 ngàn tỷ đồng khi trả lời tại buổi họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/08/2012 .
Chủ tịch Vinalines là Dương Chí Dũng, khi bị phát giác làm ăn thua lỗ, đã bỏ trốn là đề tài đang gây tranh cãi ở Việt Nam giữa Quốc hội và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu Bộ Công An phải tìm bắt cho bằng được Dương Chí Dũng để tìm ra manh mối.
Nhưng người có trách nhiệm về chính trị lớn nhất trong hai vụ Vinashin và Vinalines, cũng như đối với vấn đề nhân sự và điều hành các Doanh nghiệp Nhà nước lại là Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng vẫn an vị vì Quốc hội không dám điều tra trách nhiệm của Thủ tướng khi Bộ Chính trị chưa "bật đèn xanh"!
Do đó, mọi người sẽ không ngạc nhiên nếu trong quyết định của Bộ Chính trị công bố vào tháng 9 tới đây sẽ có phần "phê bình" hay "nhận trách nhiệm" của Nguyễn Tấn Dũng trong kiểm điểm kết thúc ngày 07/08/2012.
Nhưng chuyện phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là chuyện "nước chảy qua cầu", nên Tổng Thanh Tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã nhìn nhận với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/08/2012: "Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước".
Như vậy thì có hy vọng gì Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, nay đã được chuyển từ Nguyễn Tấn Dũng sang Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng sẽ thay đổi được bộ mặt của đảng, sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình?
Hơn nữa cuộc kiểm điểm, dù có nghiêm chỉnh và thành thật mấy chăng nữa cũng chỉ là việc của "đảng nói, đảng làm với nhau" theo phương thức "vừa đá bóng vừa thổi còi" thì làm nên cơm cháo gì?
Do đó, vấn đề đặt ra cho đảng CSVN bây giờ là họ đã "xưng tội với ai", trong khi nhân dân không được quyền tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn đảng?
Nếu lãnh đạo đảng chỉ "xưng tội với nhau" thì có ai bảo đảm họ sẽ không "chín bỏ làm mười" vì tình đồng chí, đồng đội với nhau?
Đảng có giỏi thì hãy làm ngược lại để cho dân thấy.
Phạm Trần

No comments:

Post a Comment