Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua
Bảo Trân: Thưa anh HD, năm nay nhân ngày tưởng niệm 44 năm cuộc chiến chống quân xâm lược Tàu cộng, nhà cầm quyền Việt cộng lại một lần nữa ra tay ngăn chặn người dân tổ chức các buổi lễ tưởng niệm các đồng bào và liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến này, xin anh nói thêm về việc nàyHướng Dương: Buổi tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong cuộc “chiến tranh Biên giới”, chống quân Tàu xâm lược năm 1979 đã không thể diễn ra do bị nhà cầm quyền ngăn cản. Ngay từ vài ngày trước, nhà riêng của những người hoạt động nhân quyền đã bị công an canh gác. Một số người khi ra khỏi nhà đã bị mật vụ chặn lại. Một số khác nhận được lời cảnh báo của công an rằng “không được phép đi đâu” trong ngày 17/2.
Ngoài ra, nhà cầm quyền cũng cho phong tỏa hai địa điểm thường diễn ra các cuộc tưởng niệm hàng năm là khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ (Hà Nội) và tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo (Sài Gòn).
Nhiều người đã sử dụng mạng xã hội để tưởng niệm 44 năm cuộc chiến.
Ngày 17/2/1979, Trung cộng xua quân tấn công 6 tỉnh phía Bắc của Việt Nam với tuyên bố của Đặng Tiểu Bình “phải dạy cho Việt Nam một bài học”. Cuộc chiến tranh đã giết chết hơn 60 ngàn người Việt, bao gồm cả binh lính và dân thường.
Hàng năm, nhà cầm quyền CSVN vẫn ngăn cản và đàn áp các cuộc tưởng niệm chiến tranh Biên giới do người dân tổ chức để bày tỏ sự thần phục với Trung cộng.
Năm nay, báo chí quốc doanh gần như im lặng, không nhắc đến cuộc chiến tranh vệ quốc chống Tàu năm 1979. Trong khi đó, vào các dịp 30/4, toàn bộ hệ thống truyền thông cộng sản vẫn ra sức tuyên truyền dối trá về chính quyền VNCH và về điều mà họ gọi là cuộc “giải phóng miền Nam”, đồng thời không ngừng khoét sâu vào lòng thù hận
Bảo Trân: Người dân ở Lâm Đồng có cuộc biểu tình phản đối dự án hồ chứa nước tại đây, nhưng hình như đã bị lực lượng công an trấn áp?
Hướng Dương: Đúng vậy thưa chị, Hàng trăm công an và cảnh sát cơ động ở tỉnh Lâm Đồng đã dùng dùi cui để trấn áp cuộc biểu tình phản đối của người dân ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng, vào ngày 20/2.
Cuộc phản đối dữ dội xảy ra khi nhà cầm quyền làm lễ khởi công dự án hồ chứa nước Ta Hoét ở thôn K’Ren. Một số người dân cho biết nhà cầm quyền Lâm Đồng đã huy động hàng trăm công an với dùi cui và chó săn để đối phó với những người dân tay không tấc sắt, khiến nhiều người dân bị thương.
Các video mà người dân cung cấp cho thấy hàng chục người dân K’Ren đứng chặn lối vào khu vực lễ khởi công. Ngay sau đó lực lượng cảnh sát cơ động kéo đến để giải tán, và hai bên xô đẩy nhau, có cảnh sát vung dùi cui, rồi có cả tiếng la hét.
Dự án hồ chứa nước Ta Hoét có tổng mức đầu tư gần cả ngàn tỷ đồng, do sở nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng làm chủ, trong đó có 220 tỷ đồng phục vụ công tác đền bù và giải tỏa mặt bằng. Trong ngày khởi công, nhiều gia đình đã kéo đến phản đối vì không đồng ý với số tiền bồi thường. Hiện chỉ có khoảng 30% gia đình đã nhận tiền bồi thường suốt 3 năm qua.
Bên cạnh đó, nhà cầm quyền Lâm Đồng báo cáo giá bồi thương từ 290 triệu đồng mỗi sào đất đến 471 triệu đồng, nhưng trên thực tế thì người dân chỉ được bồi thường 170 triệu đồng cho đất ở và 20 triệu đồng đất trồng trọt. Hơn thế nữa trong buổi lễ khởi công, một quan chức cầm đầu huyện Đức Trọng cho biết là không có đất để tái định cư người dân.
Bảo Trân: Và tin thêm về tệ nạn tham nhũng và chạy án ở VN, một hung thần thiếu tướng công an tại Hải Phòng đã bị bắt và bị phát hiện là đương sự đã nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng trong việc giúp chạy án?
Hướng Dương: Đó là Đỗ Hữu Ca, một thiếu tướng công an tại Hải Phòng. Đương sự bị cáo buộc là nhận hàng chục tỷ đồng, tức vào triệu Mỹ kim, để “chạy án” cho một công ty. Ông Ca vừa bị bắt giam vào hôm 18/2 để điều tra vụ án này.
Trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng bộ công an, cho biết vụ bắt giam diễn ra sau khi công an mở rộng điều tra vụ trốn thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp và chứng từ thu nộp thuế, xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.
Theo một số nguồn tin, ông Đỗ Hữu Ca bị tạm giam 9 ngày để điều tra về vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ông Ca đã nhận hàng chục tỷ đồng để chạy án nhưng không thành và không trả lại tiền cho thân chủ là ông Trương Xuân Đước 52 tuổi, chủ nhân công ty xây dựng Thái Bình Dương.
Công ty trên đặt trụ sở tại Hải Phòng và Quảng Ninh từ năm 2005 đến nay. Mục đích hoạt động của công ty là hợp thức hóa hồ sơ và mua bán hóa đơn. Ông Đước đã tận dụng mối quan hệ với Đỗ Hữu Ca để chạy án và đã chuyển cho ông Ca hàng chục tỷ đồng. Ông Đước bị công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ vào đầu tháng 2.
Ông Đỗ Hữu Ca 65 tuổi đã về hưu vào tháng 7 năm 2013. Ông nổi tiếng trên báo chí và mạng xã hội khi cầm đầu vụ cưỡng chiếm đất đai của nông dân Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng vào năm 2012.
Vụ cưỡng chế đất sau đó bị kết luận là sai trái. Cựu chủ tịch huyện Tiên Lãng là Lê Văn Hiền cùng bốn quan chức khác bị truy tố.
No comments:
Post a Comment