Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi và Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ LHQ LO NGẠI VN SẼ GIAO ÔNG ĐỔNG QUẢNG BÌNH CHO TRUNG CỘNG
LHQ vừa lên tiếng bày tỏ sự lo ngại là ông Đổng Quảng Bình, một nhà đấu tranh cho tự do và nhân quyền ở Hoa Lục, sẽ bị công an VN trao trả cho Trung Cộng sau khi bắt giam ông này vào tháng 8 năm ngoái.
Cho đến hôm nay, bạo quyền VN vẫn giữ im lặng về vụ bắt giữ ông Bình, khiến thế giới lo lắng là ông Bình có thể đã giao trả cho phía Trung Cộng. Trong bức thư gửi đến giới lãnh đạo CSVN vào ngày 15/2 vừa qua, 3 báo cáo viên về nhân quyền của LHQ đã chất vấn về tình trạng của ông Đổng Quảng Bình (Dong Guangping).
Năm nay 65 tuổi, ông Đổng Quảng Bình bị bạo quyền Trung Cộng bắt giam 3 lần vì các hoạt động đòi hỏi nhân quyền và dân chủ ở Hoa Lục, trong đó có việc vận động tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Đến tháng 8 năm 2019, Trung Cộng phóng thích ông Bình và đến tháng Giêng năm 2020, ông trốn thoát sang Việt Nam.
Trong khi lánh nạn chờ được định cư tỵ nạn ở Canada và đoàn tụ với gia đình ở đó, ông bị bạo quyền VN bắt giam. Báo cáo đặc biệt của LHQ cho biết là ông Đổng bị công an VN bắt giữ một cách tùy tiện, với lần cuối người ta thấy được ông Đổng Quảng Bình ở Hà Nội trong tình trạng bị còng tay và bịt mắt đưa lên một xe cảnh sát.
Trong bài viết của tổ chức Hội Toronto Vì Dân chủ ở Trung Cộng vào ngày 15/2, cô Đổng Katherine, con gái của ông Đổng Quảng Bình, tuyên bố là bạo quyền VN tiếp tục hành hạ gia đình mình bằng cách từ chối trả lời về vụ bắt giam ông Bình vào 6 tháng trước và điều gì đã xảy ra với ông kể từ khi ấy. Cô Katherine nhấn mạnh điều này là không thể chấp nhận được và là mối sỉ nhục đối với VN, một thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
2/ MỘT TÀU DẦU VN BỊ BẮT GIỮ Ở TÂY BAN NHA
Một tàu dầu của VN đã bị chính phủ Tây Ban Nha ra lệnh bắt giữ về tội vi phạm lệnh trừng phạt nước Nga, chỉ vài ngày sau khi vận chuyển số dầu này sang tàu hàng Maersk Product Tankers.
Chiếc tàu Elephant của VN, được hạ thủy vào năm 2007, bị bắt giữ tại cảng Ferrol thuộc miền bắc Tây Ban Nha vào hôm thứ Ba 14/2 sau cuộc điều tra của giới chức trách nước này về việc chuyển dầu khí sang tàu Maersk Magellan vào ngày 6/2.
Cuộc điều tra của Tây Ban Nha cho thấy số hàng nói trên có nguồn gốc từ một tàu chở dầu Nobel thuộc sở hữu của Seychelles mang cờ Nga. Bộ giao thông vận tải Tây Ban Nha kết luận là việc trao đổi số hàng này vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh Âu châu và từ chối không cho phép tàu Maersk Magellan dỡ hàng tại cảng Tarragona ba ngày sau đó.
Magellan là tàu chở dầu đầu tiên bị từ chối cập cảng Tây Ban Nha sau khi các quy định liên quan đến giới hạn giá dầu của châu Âu có hiệu lực vào ngày 5/2. Chiếc tàu Elephant đã đi về phía bắc quanh bờ biển Tây Ban Nha sau khi thực hiện việc chuyển hàng và đến Ferrol vào hôm thứ Bảy.
Tàu Elephant thuộc sở hữu của công ty hàng hải Hưng Phát, có trụ sở tại Sài Gòn. Ngoài tàu Elephant, công ty Hưng Phát còn sở hữu hai tàu chở dầu khác.
3/ VIỆT – THÁI KÝ BẢN GHI NHỚ VỀ CHỐNG ĐÁNH BẮT CÁ TRÁI PHÉP
Hai bộ nông nghiệp VN và Thái Lan sẽ ký một bản ghi nhớ về trao đổi thông tin để chống tình trạng đánh bắt hải sản trái phép, không có báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU).
Phát ngôn nhân chính phủ Thái Lan, bà Ratchada Thanadirek, cho biết tin trên vào hôm 14/2. Bà Thanadirek cho biết bản ghi nhớ giữa hai nước nhằm chia xẻ kinh nghiệm, thông tin và các biện pháp liên quan đến IUU, đặc biệt là tình trạng xâm phạm vùng biển của các tàu cá, giấy phép khai thác và truy xuất nguồn gốc, nhằm ngăn chặn các sản phẩm từ đánh bắt cá trái phép lọt vào đường dây cung ứng.
Việc ký kết bản ghi nhớ này sẽ diễn ra nhân cuộc họp của nhóm làm việc chung lần thứ bảy giữa Việt Nam và Thái Lan, được tổ chức ở Việt Nam vào tháng 3 tới đây.
Trong khi đó, bạo quyền VN cam kết sẽ chấm dứt tình trạng đánh bắt cá trái phép trong vòng 3 tháng tới để hướng tới được Âu châu tháo bỏ “thẻ vàng cảnh cáo” đối với hàng hải sản Việt Nam từ năm 2017 đến nay.
Cần nói thêm, các ngư dân Việt Nam trong thời gian qua đã liên tục phải đối mặt với tình trạng bị bắt giữ, thậm chí bị đưa ra tòa xét xử ở các nước láng giềng vì tình trạng xâm phạm vùng biển để đánh bắt cá trái phép.
4/ BẠCH THƯ QUỐC PHÒNG NAM HÀN GỌI BẮC HÀN LÀ KẺ THÙ
Chính phủ Nam Hàn vừa công bố bạch thư quốc phòng mới nhất vào hôm thứ Năm 16/2, trong đó lần đầu tiên mô tả Bắc Hàn là “kẻ thù” sau 6 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Báo cáo cũng cho biết thêm về sự gia tăng khi dự trữ plutonium của Bắc Hàn đã gia tăng đến mức 70 ký lô.
Cần biết là bạch thư quốc phòng Nam Hàn phát hành mỗi hai năm, có nội dung cung cấp một cái nhìn tổng quát về kho vũ khí hạt nhân và phi đạn ngày càng gia tăng của Bắc Hàn, cũng như khả năng quân sự của nước này.
Báo cáo năm nay viết rằng “khi Bắc Hàn tiếp tục đặt ra các mối đe dọa quân sự và không từ bỏ vũ khí hạt nhân, thì chế độ và quân đội của họ, những tác nhân chính thực thi các hành động đó, là kẻ thù của chúng ta”.
Để tăng cường kho dự trữ hạt nhân của mình, Bắc Hàn đã tiếp tục tái xử lý nhiên liệu đã qua xử dụng từ lò phản ứng của mình và hiện có khoảng 70 ký plutonium, tăng thêm 20 ký so với bạch thư trước đó. Bạch thư cho biết Bắc Hàn đã vi phạm hiệp ước quân sự năm 2018, chỉ riêng trong năm ngoái là 15 lần, bao gồm cả việc xâm nhập bằng máy bay không người lái vào tháng 12, nã pháo vào vùng đệm quân sự và phóng phi đạn qua biên giới trên biển vào tháng 11.
Về phía Nhật Bản, lần đầu tiên kể từ năm 2016, bạch thư quốc phòng Nam Hàn gọi nước này là “hàng xóm thân thiết chia xẻ các giá trị”, trong bối cảnh các nỗ lực hàn gắn các mối quan hệ căng thẳng do lịch sử và tranh chấp thương mại.
5/ TRUNG CỘNG LẠI TRỪNG PHẠT HAI ĐẠI CÔNG TY VŨ KHÍ CỦA HOA KỲ
Trung Cộng đã tung đòn trừng phạt hai tập đoàn quốc phòng của Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon vì đã bán vũ khí cho Đài Loan.
Bộ thương mại Trung Cộng vào hôm qua bổ sung tập đoàn Lockheed Martin và công ty Raytheon vào "danh sách các thực thể không đáng tin cậy", đồng thời cấm hai hãng này nhập cảng, xuất cảnh và đầu tư tại Hoa Lục.
Giới lãnh đạo của hai tập đoàn này bị cấm nhập cảnh và làm việc tại Trung Cộng. Bên cạnh đó, Trung Cộng còn ban hành mức phạt gấp đôi giá trị hợp đồng bán vũ khí của hai tập đoàn với Đài Loan từ tháng 9 năm 2020. Mức phạt này phải đóng trong vòng 15 ngày nhưng chưa rõ Trung Cộng sẽ thi hành án phạt này như thế nào.
Cần biết là vào tháng 9 năm 2022, tập đoàn Raytheon được trao gói thầu 412 triệu Mỹ kim để nâng cấp giàn radar quân sự của Đài Loan. Riêng Lockheed Martin đã cung cấp cho Đài Loan radar, trực thăng, thiết bị kiểm soát không lưu và chiến đấu cơ F-16.
Trước đây, Trung Cộng từng trừng phạt Lockheed Martin và Raytheon nhưng không nêu rõ hình thức phạt và cách thi hành. Gần nhất, vào tháng 2 năm 2022, Trung Quốc trừng phạt hai hãng này sau một hợp đồng vũ khí trị giá 100 triệu Mỹ kim cho Đài Loan.
Lệnh trừng phạt được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ ra lệnh cấm 6 công ty Trung Cộng sở hữu công nghệ của Mỹ nếu chưa có sự phê chuẩn của chính quyền Washington. Quyết định này của Mỹ được thực hiện sau khi nước này hôm 4/2 bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Cộng.
No comments:
Post a Comment