Mở đầu chương trình, Vân Hà và Nguyên Khải mời quí thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1) THÊM MỘT LUẬT SƯ BỊ BẮT THEO ĐIỀU 331 VÌ BỊ BÀ NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG TỐ CÁO
Liên quan đến đơn tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Cty CP Đại Nam), tối 25/2, công an Thành Hồ đã khởi tố, bắt tạm giam luật sư Trần Văn Sỹ để điều tra về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 – BLHS. Ông Sỹ từng là Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long và là một trong hơn 30 người bị bà Hằng làm đơn tố cáo vì cho rằng đã có hành vi “xúc phạm, vu khống” bà này.
Vụ bắt giữ được thực hiện chỉ một ngày sau khi nhà báo kiêm luật sư Hàn Ni (Đặng Thị Hàn Ni) và luật sư Đặng Anh Quân bị bắt và khởi tố. Những diễn biến này cho thấy công an thành Hồ đang sử dụng đơn tố cáo của Nguyễn Phương Hằng để bắt thêm nhiều cá nhân khác với cái gọi là “mở rộng vụ án”, thực chất chỉ là những cuộc cãi vã trên mạng xã hội.
Một nhà hoạt động nhân quyền giấu tên tại Sài Gòn cho biết “Điều 331,117 và điều 109 là những điều luật luôn bị quốc tế lên án và đòi hủy bỏ. Nay nhà nước CSVN sử dụng điều 331 để bắt những người không phải những nhà hoạt động nhân quyền hay người bất đồng chính kiến cho thấy một thủ đoạn vô cùng thâm hiểm và tinh vi. Họ muốn chứng minh với thế giới đây là luật “quốc dân” chứ không phải luật để bảo vệ chế độ. Xóa bỏ lằn ranh suy nghĩ của mọi người, rằng 331 không phải kẻ thù của tự do ngôn luận”
2) 520 NGÀN CĂN NHÀ BỊ SẬP TRONG CUỘC ĐỘNG ĐẤT Ở THỔ NHĨ KỲ
Nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ hơn 200 nhà thầu xây dựng và chủ đầu tư sau khi hơn nửa triệu căn nhà bị sập trong thảm họa động đất ở biên giới hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6/2.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 184 người bị nghi ngờ chịu trách nhiệm về vụ sập các tòa nhà trong trận động đất nói trên. Các cuộc điều tra đang được mở rộng khi dư luận nước này bày tỏ sự bất bình trước nghi vấn về hành vi gian lận và tham nhũng trong xây dựng trong nhiều năm qua.
Tính đến hôm nay, trận động đất ngày 6/2 ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đã làm hơn 50 ngàn người ở cả hai nước thiệt mạng, với Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận hơn 44 ngàn người chết trong thảm kịch động đất tồi tệ nhất trong lịch sử của nước này. Hơn 160 ngàn tòa nhà, gồm 520 ngàn căn chung cư, bị sập hoặc hư hại nặng nề trong thảm họa.
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết là hơn 600 người đang bị điều tra liên quan đến các tòa nhà bị sập. Ông cho biết những người chính thức bị bắt bao gồm 79 nhà thầu xây dựng, 74 người chịu trách nhiệm pháp lý đối với các tòa nhà, 13 chủ sở hữu tài sản và 18 người đã thực hiện các thay đổi đối với các tòa nhà.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự phẫn nộ về hành vi xây dựng cẩu thả và tham nhũng đã khiến nhiều ngôi nhà mới xây dựng bị sụp đổ dễ dàng. Tổng thống Tayyip Erdogan, người đang đối mặt với thách thức chính trị lớn trong hai thập niên cầm quyền, đã hứa sẽ chịu trách nhiệm giải trình về vụ việc với dư luận.
Gần 3 tuần kể từ thảm họa, hiện chưa rõ còn bao nhiều người vẫn kẹt lại dưới những đống bê tông đổ nát. Một phần lý do khiến động đất gây ra thiệt hại nghiêm trọng như vậy là phần lớn người dân thiệt mạng do bị nhà sập đè trúng. Gần 2 triệu người đối mặt với tình trạng vô gia cư và đang phải sống trong các căn lều và container.
3/ HÀNG CHỤC NGÀN GIA ĐÌNH Ở CALIFORNIA BỊ MẤT ĐIỆN VÌ BÃO TUYẾT
Hàng chục ngàn gia đình ở tiểu bang California, Hoa Kỳ, đang bị mất điện vì lũ lụt và gió lớn khi cơn bão tuyết hiếm hoi quét qua tiểu bang này kể từ hơn 100 năm qua.
Cả trăm ngàn ngàn người, trong đó có khu vực Los Angeles, không có điện sau những ngày gió mạnh dữ dội. Đường cao tốc bắc nam vẫn bị đóng cửa ở khu vực miền núi Grapevine. Cơn bão này là một trong những cơn bão mạnh nhất càn quét qua tiểu bang vào mấy ngày qua.
Những trận gió mạnh đã giật đổ cây cối và làm đứt đường dây dẫn điện. Vào hôm thứ Bảy 25/2, giới chức trách cho biết tất cả bãi biển đã bị đóng cửa trong vài giờ do sét đánh. Sở khí tượng quốc gia đã cảnh báo về việc có những trận mưa lớn và sấm chớp ở miền nam California vào ngày thứ Bảy 25/2.
Cư dân thủ phủ Sacramento đã được cảnh báo tránh đi lại từ Chủ Nhật đến thứ Tư khi mưa và tuyết bắt đầu xuất hiện trở lại.
Tại Oregon, tiểu bang láng giềng nằm về phía bắc của California, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại một quận để đề phòng. Giới chức trách cho biết là nhằm bảo đảm các nguồn lực và thiết bị cần thiết có thể được phân bổ nhanh chóng khi được yêu cầu.
Cho đến nay chưa có báo cáo về bất kỳ trường hợp thương vong nghiêm trọng nào liên quan đến trận bão tuyết này. Những bông tuyết đã rơi ở Los Angeles, thành phố nổi tiếng với những cây cọ và những đại lộ tràn ngập ánh nắng.
Người dân địa phương kinh ngạc trước cảnh tượng tuyết rơi xung quanh dòng biển hiệu Hollywood trên núi Lee.
San Francisco đã phá vỡ mức nhiệt độ thấp kỷ lục trong 132 năm vào ngày 24/ 2 vừa qua, giảm xuống mức 4 độ C vào sáng thứ Sáu.
4/ G20 KHÔNG RA TUYÊN BỐ CHUNG CHỈ VÌ TRUNG CỘNG ỦNG HỘ NGA
Các bộ trưởng tài chánh của khối G-20, tức các nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã không thể thông qua tuyên bố cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh ở Ấn Độ, chỉ vì Trung Cộng cương quyết từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.
Trung Cộng đã từ chối chấp nhận các phần trong tuyên bố của G-20 lên án hành động xâm lược của Nga "với những cụm từ mạnh mẽ nhất”. Trong khi đó nước Nga cho rằng các quốc gia phương Tây "chống Nga" đã gây bất ổn cho khối G-20.
Vào tuần trước, Trung Cộng đã công bố một bản kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột Ukraine, mà theo một số người nhận định là thân Nga.
Ấn Độ, quốc gia chủ trì các cuộc hội đàm G-20 ở thành phố Bengaluru, đã phát đi một "bản tóm tắt từ vai trò chủ trì" đề cập đến nhiều nội dung từ hội nghị, và lưu ý là "có những đánh giá khác nhau về tình hình" tại Ukraine, và các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.
Một phần ghi chú cho biết hai đoạn văn tóm tắt cuộc chiến tranh đã được tất cả các quốc gia thành viên đồng thuận, ngoại trừ Nga và Trung Quốc. Các đoạn văn được trích từ tuyên bố các nhà lãnh đạo G-20 tại Bali vào tháng 11 năm ngoái, và chỉ trích bằng những cụm từ “mạnh mẽ nhất về việc xử dụng vũ lực của Nga nhắm vào Ukraine".
Sau khi giữ im lặng về cuộc xâm lược bộc phát cách đây một năm, Trung Cộng đã tăng tốc các nỗ lực ngoại giao trong những tuần gần đây. Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị đã công du Âu châu trong tuần qua và kết thúc với buổi chào đón nồng ấm của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow.
Trung Cộng đã công bố bản kế hoạch 12 điểm để chấm dứt cuộc chiến tranh tại Ukraine, theo đó quốc gia này kêu gọi đàm phán hòa bình và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, bản tài liệu 12 điểm này đã không đề cập cụ thể Nga phải rút quân khỏi Ukraine và không lên án cuộc xâm lược của Nga.
Bản kế hoạch này của Trung Cộng được phía Nga hoan nghênh, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden bình luận là Tổng thống Putin hoan nghênh kế hoạch này thì nó có thể tốt đẹp gì?
No comments:
Post a Comment