Kính thưa quý thính giả,
Theo lịch sử nước Việt, các danh tướng Tây Sơn là những người đã trọn đời xông pha trận mạc, anh dũng chiến đấu quên mình vì đại nghĩa cứu dân cứu nước. Khi nhà Tây Sơn bị diệt vong, chỉ còn 2 tướng trong Tây Sơn Thất Hổ sống sót, trong đó có Lý Văn Bưu.
Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Đô đốc Lý Văn Bưu” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
“Tướng quân chiến mã kim hà tại?
Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu”.
Nghĩa là:
Chiến mã của tướng quân giờ ở nơi đâu?
Cỏ hoa đồng nội đất đai sầu.
Đó là hai câu thơ cảm vịnh về các danh tướng Tây Sơn của Nguyễn Trọng Trì, tác giả cuốn Tây Sơn Lương Tướng ngoại truyện.
Tây Sơn Thất Hổ Tướng gồm có Đô đốc Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc và Lý Văn Bưu.
Lý Văn Bưu xuất thân trong một gia đình giàu có chuyên nghề buôn ngựa ở làng Đại Khoang, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ông nổi tiếng từ thời niên thiếu về đức độ và tài năng về võ nghệ. Do ông rành về ngựa và bán ngựa tốt, nên ông được nhiều hào kiệt trong vùng kết làm bằng hữu. Trong số những người mua ngựa của ông có Đô đốc của Tây Sơn là Võ Văn Dũng và nữ tướng Bùi Thị Xuân.
Về sau, ông gia nhập vào quân Tây Sơn và giữ nhiệm vụ huấn luyện chiến mã, kể cả nữ tướng Bùi Thị Xuân cũng học cách huấn luyện chiến mã của ông để về sau bà áp dụng nó vào việc huấn luyện đàn voi chiến.
Ông được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ phong làm Đô đốc, vào năm 1788, khi Bắc Bình Vương vạch kế hoạch cho trận quyết chiến với quân Mãn Thanh, ông được giao trọng trách cùng với các tướng lãnh khác như Đại Tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân... chỉ huy một đạo quân chủ lực của trận đánh lịch sử này. Và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng, góp công lớn vào trận đại thắng trận Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùa Xuân Kỷ Dậu, năm 1789.
Trong trận đánh quân Xiêm năm 1784, Lý Văn Bưu cũng lập được công lớn, ông đã cùng Đặng Văn Long đem kỵ binh xuyên qua Chương Đức, Hà Đông, tiến đến làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, Hà Nội, chiếm cứ 2 đồn Yên Quyết và Nhân Mục. Hai đồn này là tiền đồn của Khương Thượng bị chiếm rất nhanh và không ồn ào. Nhờ vậy mà khi đánh đồn Khương Thượng, quân Thanh không hay biết Yên Quyết và Nhân Mục đã mất nên không có quân cứu viện.
Nhưng kể từ khi vua Quang Trung băng hà, triều đình Tây Sơn chia rẽ nghiêm trọng. Bấy giờ, nhân vật lộng quyền bị lên án nhiều nhất là Thái sư Bùi Đắc Tuyên.
Năm 1795, theo lời bàn Trần Văn Kỷ, Đại Tư đồ Võ Văn Dũng đưa quân vây bắt và giết chết Bùi Đắc Tuyên. Triều đình của vua Quang Toản nhờ đó mà tạm thời được củng cố.
Chính biến cố này đã khiến cho Đô đốc Lý Văn Bưu chán nản, lấy cớ tuổi già sức yếu từ quan và trở về quê ở Bình Định sinh sống với nghề nuôi ngựa. Vì không cùng phe Thái sư Bùi Đắc Tuyên, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc bị thu binh quyền, bị giáng xuống làm Thị Lang ở bộ Lễ, đến khi vua Cảnh Thịnh bị bắt, ông lên Kỳ Sơn ẩn náu.
Còn Thượng thư Võ Đình Tú bị trúng đạn tử trận tại Quy Nhơn. Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết tuẩn tiết sau khi Bắc Thành thất thủ. Đô đốc Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu và Lê Văn Hưng bị Nguyễn Ánh xử tử.
***
Mặc dù nhà Tây Sơn chỉ tồn tại hơn 30 năm, nhưng được xem là một thời kỳ có nhiều anh hùng nghĩa sĩ tài giỏi, đánh tan đạo quân Thanh 29 vạn ở phương Bắc, dẹp tan nhiều vạn quân Chiêm ở phương Nam. Hầu hết những anh hùng hào kiệt thời này đều xuất thân từ dân giả, không phải là vương tôn hay quan lại, đã tập hợp dưới ngọn cờ Tây Sơn được trui rèn và qua nghệ thuật dùng người của vua Quang Trung để trở thành những vị tướng tài đánh Nam dẹp Bắc, lưu danh trong sử Việt. Tên tuổi và sự nghiệp của Đô đốc Lý Văn Bưu đã gắn liền với giai đoạn vinh quang của triều Tây Sơn, tài năng của ông góp phần lớn vào sự tồn tại của nước nhà.
Nhìn lại lịch sử và suy nghiệm về xã hội Việt Nam hiện nay, có lẽ không ai là không mong cầu đất nước có được những nhân tài tâm đức như Tây Sơn Thất Hổ Tướng xuất hiện, để cứu nước Việt thoát khỏi hiểm họa xâm lược của đế quốc Tàu Cộng. Nhưng điều đáng nói nhất là, thay vì noi gương anh dũng của Tây Sơn Thất Hổ Tướng để chống xâm lăng thì bạo quyền Cộng sản Việt Nam đã chối bỏ tinh thần yêu nước này và đã “hèn với giặc, ác với dân”. Hèn vì dâng biển đảo cho Tàu Cộng và ác với dân vì nhẫn tâm đàn áp đẩm máu những người Việt yêu nước biểu tình bày tỏ lập trường chống ngoại xâm.
Trước khí thế đấu tranh của toàn dân hiện nay, chế độ cộng sản đang bị suy tàn, sẽ sụp đổ như ở chế độ cộng sản Đông Âu trong một ngày không xa. Đến khi đó, nước Việt sẽ đòi lại tất cả đất đai, biển đảo mà tập đoàn CSVN đã manh tâm dâng hiến cho Tàu Cộng. Trang sử mới của dân tộc Việt một lần nữa sẽ được viết lên với những nét hào hùng như thời Lê - Lý.
No comments:
Post a Comment