Thursday, February 23, 2023

Tin Tức, Thứ Năm 23.02.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.

1) CỰU TNLT LÊ MINH THỂ BỊ BẮT LẦN 2 

Ông Lê Minh Thể, một facebooker và là cựu tù nhân lương tâm vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ bắt giữ với cáo buộc vi phạm điều 331 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Bà Lê Thị Bình, em gái ông Thể và cũng là một cựu TNLT nói với đài ĐLSN rằng buổi trưa ngày 22/2, công an đã đến khám nhà và khoảng 15 giờ cùng ngày thì đưa ông Thể đi. Nhà bà Bình cách đó không xa cũng bị công an bao vây. Tuy nhiên, bà Bình đi vắng.

Ông Lê Minh Thể, 60 tuổi, bị bắt lần đầu vào tháng 7/2018 với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước”.  Ngày 20-3-2019, ông Thể  bị TAND quận Bình Thủy kết án 2 năm tù giam. Sau khi ra tù, ông vẫn tiếp tục các hoạt động tranh đấu cho tự do, chủ yếu là sử dụng mạng xã hội để bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa.

Được biết, trước khi bắt ông Lê Minh Thể, công an đã gửi giấy mời em gái ông là bà Lê Thị Bình đi làm việc vào ngày 23/2, một ngày sau khi ông Thể bị bắt.

2/ VN NGĂN CẢN PHÁI ĐOÀN MỸ GẶP HỘI THÁNH ĐẤNG CHRIST 

Nhà cầm quyền hai huyện Buôn Đôn và Cư Mgar của tỉnh Đắc Lắc vào hôm qua đã ngăn cản phái đoàn Mỹ đến gặp các tu sĩ của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một giáo hội bị bạo quyền VN xem là phản động.

Phái đoàn nói trên đến từ tòa tổng lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn nhằm thu thập chứng cứ về tình trạng đàn áp tôn giáo tại VN. Một số nhà truyền giáo Tin lành được mời đến nhà của ông Y Kreec Bya và Y Cung Niê để gặp gỡ phái đoàn. Tuy nhiên tại nhà riêng của ông Y Kreec ở huyện Buôn Đôn, phái đoàn không thể vào nhà vì bị công an chận lại và đuổi về.

Ông Y Kreec Bya cho biết công an canh gác nhà ông từ ngày hôm trước, đồng thời đe dọa là nếu hội thánh này không ngừng các hoạt động nói trên thì họ sẽ các biện pháp mạnh tay hơn. Hai tu sĩ Y Nguyệt Buôn Krong và Y Cơi Buôn Krong ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Mê Thuột, cách nhà ông Y Kreec khoảng 14 cây số đều bị giam lỏng trong nhà, không được phép tham dự cuộc gặp gỡ nói trên.

Theo video đăng tải trên trang Người Thượng Vì Công Lý, nhiều người mặc quần áo dân sự có đeo thẻ ngăn cản phái đoàn Hoa Kỳ khi họ định vào nhà của ông Y Cung Niê, buộc ba vị khách đứng dưới sân trao đổi với chủ nhà. Có rất nhiều người khác vây xung quanh gây ồn ào bằng cả tiếng địa phương và tiếng Kinh.

Sau khi người phiên dịch chuyển ngữ sang tiếng Anh, một trong hai viên chức ngoại giao Hoa Kỳ nói với chủ nhà bằng tiếng Việt cho biết là không thể có cuộc gặp trong ngày vì đang có nhiều xung đột và hy vọng được gặp lại trong một cuộc gặp "yên lặng" hơn.

Cần biết đây là hội thánh không được bạo quyền VN thừa nhận. Những người thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên cho biết đơn xin được hoạt động tôn giáo của họ gửi đi từ năm 2013 đến nay vẫn chưa được giải quyết. 

Ngày 2/12 năm ngoái, bộ ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào nhóm các nước thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt về tự do tôn giáo. Nếu sau một thời gian Việt Nam vẫn không cải thiện thì đó là bằng chứng để bị liệt vào Danh sách Quan tâm Đặc biệt (CPC), tức mức cao nhất đối với các quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo.

3/ TÂN BINH CHẾT SAU 10 NGÀY NHẬP NGŨ, CÔNG AN NÓI VÌ TỰ TỬ

Một tân binh tử vong chỉ sau 10 ngày nhập ngũ, nhưng đơn vị thông báo là do nhảy từ trụ ăng-ten cao 20 thước xuống đất và có dấu hiệu hoang tưởng. Tuy nhiên gia đình cực lực phản đối kết luận này với lý do là khi nhập ngũ, người thân của họ hoàn toàn khỏe mạnh.

Tân bịnh 19 tuổi này đã chết sau 10 ngày nhập ngũ tại tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động số 3 tại Yên Bái. Thi thể của anh được tìm thấy vào khoảng 1giờ chiều ngày 15/2, tại quả đồi cách đơn vị chừng 2 cây số, gần một cột ăng-ten. Nạn nhân bị gẫy đốt sống cổ, xương vỡ thành nhiều mảnh, tim gan đều dập nát.

Ông Ngọc Ánh, anh rể của nạn nhân, nhiều lần khẳng định rằng cái chết của anh không phải là tự tử. Lý do là 4 ngày trước khi mất, tân binh này vẫn nhắn tin với gia đình một cách vui vẻ bình thường. Anh còn dặn gia đình rằng vài bữa nữa em ổn định rồi thì gia đình lên đơn vị thăm.

4/ TRUNG CỘNG TỐ CÁO MỸ DÙNG MÁY BAY DÂN SỰ DỌ THÁM HOA LỤC

Trong cáo buộc nhằm trả đũa nước Mỹ, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Cộng cho biết là nước Mỹ đã xử dụng máy bay dân sự để dọ thám hoạt động của Trung Cộng ở Biển Đông và Hoa Đông. Chỉ riêng trong năm ngoái, theo tờ báo đảng nói trên, Mỹ đã tiến hành hơn 600 vụ dọ thám như vậy.

Tờ báo trích dẫn thông tin tình báo từ công ty MizarVision của Trung Cộng cho biết Mỹ đã xử dụng tất cả các loại thiết bị do thám trên không, đôi khi là máy bay dân sự và khinh khí cầu. MizaVision nói rằng con số các hoạt động do thám của Mỹ có thể cao hơn vì có khi máy bay Mỹ tắt hệ thống phát tín hiệu ADS-B hoặc xử dụng nhận dạng giả.

Các máy bay do thám của Mỹ được cho biết là bao gồm máy bay do thám tín hiệu điện tử EP-3E, máy bay do thám và tuần tra trên biển P-8A, máy bay do thám RC-135, máy bay E-8C và máy bay do thám tầm cao U-2.

MizarVision còn bổ sung thêm rằng quân đội Mỹ đã xử dụng tàu chiến giả danh là tàu thương mại và thay đổi hình thức nhận dạng để do thám hoạt động của Trung Cộng ở đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.

Cáo buộc này được đưa ra trong lúc có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Hoa sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Cộng trên bầu trời nước Mỹ vào đầu tháng này.

5/ MỸ - ÚC SẼ TUẦN TRA CHUNG VỚI PHI Ở BIỂN ĐÔNG

Hai nước Úc và Mỹ đều đang đàm phán với Philippines về khả năng tham gia tuần tra chung ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Cộng đang tỏ ra hung hăng hơn ở vùng biển này.

Bộ trưởng quốc phòng Úc Richard Marles đã gặp Bộ trưởng quốc phòng Phi Cartilo Galvez Jr. vào ngày 21/2 ở Manila để thảo luận vấn đề này. Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp gỡ, ông Marles cho biết hai bên đã thảo luận về khả năng tuần tra chung và hy vọng sẽ sớm có kết quả.

Cần nhắc lại, vào hôm 20/2, chính phủ Phi thông báo Washington và Manila cũng đang thảo luận về các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông. Bộ quốc phòng Mỹ vào đầu tháng này cũng cho biết hai bên đã đồng ý để khởi động lại các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về các cuộc tuần tra bao gồm các phương tiện tham gia tuần tra hiện vẫn còn trong vòng đàm phán.

Các cuộc tuần tra chung giữa Mỹ và Phi đã bị cựu Tổng thống Phi Rodrigo Duterte quyết định ngưng lại sau khi ông nhận chức vào năm 2016 vì không muốn làm Trung Cộng tức giận. Trung Cộng trong thời gian qua đã có các hành động bị Phi cáo buộc là hung hăng, đe dọa chủ quyền của Phi ở vùng đặc quyền kinh tế.

Tuần duyên Phi vào đầu tuần này cáo buộc tàu hải cảnh và hàng chục tàu dân quân võ trang của Trung Cộng đã bao vây Bãi Cỏ Mây và Sabina do nước Phi kiểm soát.

Trung Cộng là nước đòi chủ quyền nhiều nhất ở vùng biển này với khoảng 90% diện tích vùng biển. Bắc Kinh cũng liên tục lên tiếng chỉ trích Mỹ và đồng minh đã gây bất ổn trong khu vực khi điều các tàu và máy bay tuần tra vào vùng Biển Đông.

No comments:

Post a Comment