Monday, February 6, 2023

NHỮNG NGUY CƠ TIỀM ẨN CỦA ĐẢNG CSVN

Bình Luận

Đảng CSVN là một định chế chuyên quyền, quan liêu, già nua và tham nhũng. Đã đến lúc nên giải tán, trả lại quyền tự quyết cho nhân dân.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm Trần với tựa đề: “NHỮNG NGUY CƠ TIỀM ẨN CỦA ĐẢNG CSVN” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Phạm Trần

Đầu năm mới Qúy Mão không ai muốn nghe chuyện xui, nhưng dân gian và báo chí của đảng CSVN lại chỉ nói đến những nguy cơ tiềm ẩn đang đe dọa sự sống còn của chế độ.

Chuyện này không mới so với những năm trước, nhưng Đảng cứ phải lập lại mãi thì đó là vấn đề nghiêm trọng. Sự lãnh đạo của đảng trong công tác “xây dựng chỉnh đốn đảng”, vì vậy, vẫn tồn tại từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên cầm quyền năm 2011.

 Vậy ông Trọng có trách nhiệm gì trong việc để cho cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống ?

 Tất nhiên là có nhưng chưa bao giờ ông nhận lỗi  trước nhân dân, hay bị Ban Chấp hành Trung ương đảng sửa sai. Ngược lại, Ban Chấp hành Trung ương vào ngày 17/01/2023 đã bãi nhiệm tất cả các chức vụ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vì “có trách nhiệm chính trị” trong vụ tham nhũng thuốc chích ngửa Covid-19 Việt Á và chuyến bay giải cứu công nhân Việt Nam ở nước ngoài tại Cục Lãnh sự Bô Ngoại giao.

 Hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Võ Đức Đam cũng mất chức vì hai vụ án này. Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính, người chỉ huy hai ông Minh và Đam lại không bị khiển trách hay “chịu trách nhiệm chính trị” như ông Phúc.

 Như vậy thì có sự thiên vị hay tính bè phái giữa ông Trọng và ông Chính không ? Ở Việt Nam đang có tin đồn hành động của ông Trọng là nhằm chuẩn bị cho ông Chính không có tì vết gì để được cất nhắc làm Tổng Bí thư khóa đảng XIV, diển ra vào đấu năm 2026.

Ngoài ra việc để cho ông Chính tòan hảo cũng được lòng Trung Quốc vì ông Chính, cũng như ông Trọng, rất thân với Bắc Kinh.

Tuy nhiên không phải ai trong lãnh đạo cũng bằng lòng với đường lối lãnh đạo của ông Trọng hay ông Chính là những người coi Trung Quốc là chỗ dựa vững chắc nhất cho sự nghiệp chính trị của mình.

Vì vậy, tuy chưa đến tình trạng “thập nhị sứ quân”, nhưng trong đảng vẫn có những lãnh đạo không chịu làm theo lệnh đảng; không muốn tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh; và  muốn đảng bỏ độc quyền lãnh đạo đất nước để đoàn kết toàn dân trong và ngoài nước.

Vì vậy, trong Nghị quyết số 12-NQ/TW (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI), ông Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.”

Rõ hơn, ông Trọng xác nhận:”Một bộ phận không nhỏ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc…”


Như vậy, sau hơn 12 năm cầm quyền, ông Trọng vẫn để cho những chứng hư, tật xấu xẩy ra trong cán bộ, đảng viên. Và từ những hạn chế này, nhân dân là người phải lãnh đủ những thất bại do đảng gây ra trong cuộc sống hàng ngày.

Nếu ở một nước văn minh có pháp quyền và dân chủ thì người như ông Trọng phải từ nhiệm lâu rồi. Nhưng đảng lại đỗ lỗi cho những nguyên nhân vô thưởng vô phạt như cán bộ sa vào tham nhũng do nền kinh tế thị trường gây ra và do lợi ích cá nhân, phe nhóm thiếu tu dưỡng cách mạng.

Sự mỉa mai của dân gian còn bắt nguồn từ tình trạng chạy chức chạy quyền trong mỗi kỳ Đại hội đảng. Việc này diễn ra rất sớm, có khi vài năm trước ngày Đại hội. Vi vậy, ở Việt Nam từ năm 2019, dân gian đã có câu vè:”Thứ nhất tiền tệ. Thứ nhì hậu duệ. Thứ ba đồ đệ. Thứ tư trí tuệ”. Hoặc như: “Thứ nhất hậu duệ. Thứ nhì quan hệ. Thứ ba tiền tệ. Thứ tư trí tuệ”…

Báo của Trung ương viết:”Trên thực tế, trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến không ít vụ việc bổ nhiệm cán bộ sai quy định khiến dư luận hết sức bất bình. Bố ký quyết định bổ nhiệm con dù chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn; chồng làm Cục trưởng ký quyết định quy hoạch vợ làm Cục phó. Cá biệt có trường hợp chưa làm việc ngày nào cũng được bổ nhiệm làm Vụ phó như ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Hay có những cán bộ vi phạm chỗ này lại được đề bạt, luân chuyển sang chỗ khác với chức vụ cao hơn hay chí ít cũng ngang bằng. Nhờ mối quan hệ “thân hữu” mà những trường hợp trên được bổ nhiệm đầy “ưu ái” "nâng đỡ".

Xã hội cũng đã chứng kiến những “hoàng hôn” nhiệm kỳ với hàng loạt đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thậm chí còn thiếu nhiều tiêu chuẩn. Hay “chạy tuổi” nhằm kéo dài thời gian công tác, giữ chức vụ.

Vậy những bê bối này đã được giải quyết ra sao ? Bước sang khóa đảng XIII, bắt đầu từ năm 2021, Nghị quyết vẫn nói lại những lời hứa dân đã nghe mòn tai như:”Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.”

Nên biết ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã hứa như thế từ khi ông lên cầm quyền thay ông Nông Đức Mạnh năm 2011. Đến nay, đã gần hết 3 nhiệm kỳ của 15 năm mà mọi chuyện vẫn trơ ra như đá mà ông vẫn nghiễm nhiên tồn tại thì chỉ có ở Việt Nam, một nước do đảng Cộng sản độc tài cai trị mới nhiễu nhương như vậy.

No comments:

Post a Comment