Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.
1) THÁI BÌNH: GIÁM ĐỐC VÀ 3 CÁN BỘ ĐĂNG KIỂM ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA BỊ BẮT
Sau hàng loạt vụ khởi tố và tống giam liên quan đến những sai phạm của ngành đăng kiểm đường bộ, đến lượt các lãnh đạo, cán bộ đăng kiểm đường thủy bị điều tra.
Vụ việc mới nhất xảy ra tại Thái Bình. Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh này hôm 23/2 đã ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Chi cục đăng kiểm 11 ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình về tội "Nhận hối lộ”. Ngoài ông Hải, ba đăng kiểm viên khác gồm Vũ Đăng Hạnh, Trần Văn Quyết, Trần Công Trịnh cũng bị bắt.
Tin cho hay, cơ quan công an đã xác định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, cả 4 bị can đều nhận của các chủ phương tiện tổng số tiền trên 120 triệu đồng để bỏ qua các lỗi như: không có đầy đủ thiết bị neo, trang bị chữa cháy, trang bị cứu sinh…
Liên quan đến các sai phạm ngành đăng kiểm đường thủy, ngày 16/2, công an thành Hồ đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 14 người, bao gồm cả giám đốc của Chi cục Đăng kiểm số 6, số 9 về tội “Nhận hối lộ”.
2) CỰU HIỆU TRƯỞNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA ĐÀ NẴNG BỊ BẮT VÌ THAM NHŨNG
Ngày 23/2, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an Đà Nẵng đã khởi tố, tạm giam ông Đoàn Quang Vinh, 61 tuổi, cựu Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 - Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Ông Vinh bị cáo buộc đã ký séc khống trong hai năm, để xảy ra vụ tham ô hơn 86 tỷ đồng tại trường ĐH Bách Khoa trong thời gian làm Hiệu trưởng.
Ông Vinh là người thứ ba bị bắt vì liên quan vụ tham ô trên. Hai tuần trước, công an Đà Nẵng đã khởi tố, bắt Hoàng Quang Huy, 34 tuổi (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính) và bà Lâm Thị Hồng Tâm (Thủ quỹ) về tội Tham ô tài sản, theo Điều 353 Bộ luật Hình sự.
Việc thất thoát số tiền trên chỉ bị phát hiện khi lãnh đạo nhà trường yêu cầu Phòng Kế hoạch - Tài chính trả lương cho cán bộ, viên chức sớm hơn thường lệ (ngày 5 hàng tháng) nhưng không được thực hiện.
3) ĐỒNG NAI TRUY TỐ 13 CỰU CÁN BỘ THAM NHŨNG ĐẤT ĐAI
Các cựu quan chức tỉnh Đồng Nai có hành vi tham nhũng đất đai, gây thất thoát gần 80 tỷ đồng vừa bị cơ quan CSĐT đề nghị truy tố sau khi đã hoàn tất giai đoạn điều tra. Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Lê Viết Hưng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai; Nguyễn Tấn Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa; Nguyễn Tấn Tài, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh thành phố Biên Hòa; Nguyễn Tấn Vinh, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường TP Biên Hòa; Hồ Bá Minh, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường TP Biên Hòa; Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND xã Tam Phước.
Những bị can này khi đương chức đã cấu kết, tiếp tay cho doanh nghiệp biến đất công thành đất tư để phân lô bán nền. Cụ thể, những quan chức này đã lập hồ sơ khống để xác nhận chi trả bồi thường hỗ trợ khu dân cư thương mại Phước Thái, thuộc phường Tam Phước, TP. Biên Hoà gây thiệt hại ngân sách nhà nước gần 79 tỉ đồng.
Tại Việt Nam, giới lãnh đạo cầm quyền và quan chức địa phương dựa vào quy định đất đai là “sở hữu toàn dân” để chiếm đất, chiếm nhà của dân, đẩy hàng triệu người vào cảnh tay trắng, khốn cùng. Một vài vụ được báo chí phanh phui đều do mâu thuẫn nội bộ, dẫn đến đấu tố nhau. Và sự việc thường không được phản ánh trung thực, nhất là về những thiệt hại của dân chúng đều không được cơ quan chức năng hay truyền thông nhắc đến.
4) BẮC HÀN DIỄN TẬP PHÓNG PHI ĐẠN HÀNH TRÌNH CHIẾN LƯỢC
Truyền thông Bắc Hàn loan báo quân đội nước này hôm 23/2 đã tiến hành một cuộc tập trận phóng phi đạn hành trình chiến lược. Cuộc tập trận diễn ra chưa đầy một tuần lễ sau khi Bình Nhưỡng phóng một phi đạn đạn đạo tầm xa ra vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây của Nhật Bản nhằm cảnh báo về phản ứng mạnh mẽ đáp lại các cuộc tập trận quân sự sắp tới của Hàn Quốc và Mỹ.
KCNA, thông tấn xã của Bắc Hàn cho biết, một tiểu đơn vị phi đạn hành trình chiến lược của Quân đội Nhân dân Triều Tiên ở khu vực phía đông đã bắn bốn phi đạn hành trình chiến lược Hwasal-2 trong khu vực thành phố Kim Chaek, tỉnh Hamgyong Bắc, ra phía biển ngoài khơi duyên hải phía đông của Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, các đơn vị phụ khác tiến hành huấn luyện hỏa lực tại các địa điểm kiên cố nhưng “không bắn đạn thật”.
Cuộc tập trận được nói là để chuẩn bị “tư thế chiến tranh” và nhằm “chống lại các thế lực thù địch” của Triều Tiên, ám chỉ Hoa Kỳ, Nam Hàn và các quốc gia đồng minh.
5) CĂNG THẲNG NGOẠI GIAO LEO THANG TRƯỚC NGÀY KỶ NIỆM 1 NĂM NGA XÂM LƯỢC UKRAINE
Trước ngày kỷ niệm một năm Nga xâm lược Ukraine 24/4, căng thẳng ngoại giao gia tăng bởi một loạt sự kiện.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói quan hệ Trung-Nga đã ghi “những cột mốc mới” trong cuộc gặp với Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung cộng. Chuyến thăm của Vương Nghị nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Putin và Tập Cận Bình, có thể sẽ diễn ra vào thời gian tới. Hôm thứ 3, ông Putin đã rút khỏi New START, hiệp ước cắt giảm hạt nhân cuối cùng của Nga với Mỹ. Trong bài phát biểu nhân “Ngày Người bảo vệ Tổ quốc”, Putin cam kết củng cố lực lượng hạt nhân và nói “Nga sẽ triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat, biệt danh “Satan 2.”
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ “từng tấc đất” của NATO khi gặp 9 nhà lãnh đạo sườn phía đông của liên minh tại Ba Lan.
Trước đó, hôm 20/02/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện chuyến viếng thăm bất ngờ đến thủ đô Kiev của Ukraina và gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Chuyến đi diễn ra chỉ vài ngày trước khi đánh dấu một năm Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.
No comments:
Post a Comment