Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua
Bảo Trân: Thưa anh, trong tuần qua một thành viên của nhóm Hiến Pháp vừa được thả ra, xin anh nói thêm về trường hợp này.Hướng Dương: Thưa chị, tù nhân lương tâm Đỗ Thế Hóa, một thành viên của nhóm Hiến pháp, vừa ra tù trước thời hạn 7 tháng nhưng đôi mắt gần như mù lòa.
Ông Đỗ Thế Hóa 55 tuổi, chủ nhân trang Bang Lĩnh, đã về nhà ở Sài Gòn vào ngày 9/2 sau thời gian thi hành án bản án 5 năm tù về tội danh “phá rối an ninh công cộng”. Ông bị bắt vào ngày 1/9 năm 2018, cùng với 7 thành viên khác của nhóm Hiến pháp, một tổ chức gồm những người cổ súy thượng tôn pháp luật trong bản hiến pháp 2013.
Sau khi bị bạo quyền VN kết án, ông bị đưa đến trại giam An Phước ở tỉnh Bình Dương. Ông Hóa cho biết không bị đối xử hà khắc và không bị buộc phải lao động khổ sai trong suốt thời gian thụ án, tuy nhiên bị suy giảm thị lực nghiêm trọng do không được chăm sóc y tế kịp thời.
Là người bị cận thị trước khi bị bắt, ông Hóa cho biết sau khi phát giác đôi mắt bị đau, ông có báo với trại giam và đề nghị được đi chữa ở bệnh viện chuyên khoa. Tuy nhiên thời gian chờ đợi quá dài nên thị lực của ông vẫn không được phục hồi, từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021 mới được đi giải phẫu.
Ông Hóa là thành viên thứ 3 của nhóm Hiến pháp mãn hạn tù. Năm ngoái, hai thành viên khác là Đoàn Thị Hồng và Trần Thanh Phương đã được phóng thích sau khi hoàn thành mức án là 2 năm sáu tháng và 3 năm sáu tháng. Vào tháng tới, ông Hồ Đình Cương cũng sẽ mãn hạn tù.
Vào năm 2020, 8 thành viên của nhóm bị toà án Sài Gòn kết án tổng cộng 40 năm 6 tháng tù giam. Theo cáo trạng của công an, đây là nhóm bất mãn với bạo quyền Hà Nội, thường xuyên tiếp xúc với các nguồn tin bịa đặt trên mạng.
Bảo Trân: Cũng liên quan đến các tù nhân lương tâm, chúng tôi được biết là ông Trần Văn Bang đang bị bệnh nặng trong trại giam, việc này ra sao thưa anh?
Hướng Dương: Thưa chị, sau nhiều kiến nghị khẩn cấp của luật sư, TNLT Trần Văn Bang, người đang bị bắt giam ở Sài Gòn, đã được đưa đi khám khối u trên cơ thể.
Thông tin trên được ông Đặng Đình Mạnh, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Bang, cho biết vào ngày 8/2 vừa qua. Ông Bang 62 tuổi, bị bắt vào ngày 1/3 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước CSVN”.
Trong lần tiếp xúc với luật sư đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái, ông Bang cho biết có khối u gây đau nhức ở dưới bẹn và suy giảm thị lực. Hai luật sư ngay sau đó đã gửi kiến nghị khẩn cấp đến giới chức trách, đề nghị cho ông được khám chữa bệnh. Kiến nghị về sức khoẻ được chấp nhận và ông Bang sau đó được đưa đi khám bệnh ở trạm xá của trại giam Chí Hòa và bệnh viện 30/4 của bộ công an trong tháng 12 năm ngoái.
Một người em của ông Bang cho biết là trong lần thăm gặp ngày 3/2 vừa qua, ông Bang có tăng cân so với lần gặp trước đó nhưng đi lại khó khăn do ảnh hưởng của khối u. Bà nói thêm là tinh thần ông Bang vẫn vững vàng nhưng ước nguyện được đi chữa bệnh ở nước ngoài.
Theo cáo trạng của công an, ông Bang bị cho là tác giả của 31 bài viết có nội dung chống chế độ đăng trên ba trang Facebook cá nhân mang tên Trần Bang, Bang Trần và Tran Josh từ tháng 3 năm 2016 đến tháng 8 năm 2021.
Ông Trần Bang là cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh chống Trung Cộng xâm lược biên giới ở phía bắc vào năm 1979. Ông cũng là thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một nhóm nhân sĩ trí thức thường lên tiếng về các vấn đề của quốc gia.
Bảo Trân: Và theo báo cáo của Liên minh Toàn cầu vì sự tham gia của công dân, gọi tắt là CIVICUS thì Việt Nam hiện vẫn đang bắt giam và đàn áp người bất đồng chính kiến. Xin anh nói thêm về bản báo cáo này
Hướng Dương: Thưa chị và quý thính giả, Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân (CIVICUS), một tổ chức phi chính phủ được thành lập tại Nam Phi, trong một báo cáo công bố trong tuần qua cho biết tình trạng bỏ tù và ngược đãi giới bất đồng chính kiến tại VN vẫn gia tăng dù VN đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Báo cáo nhận định rằng, không gian dân sự ở Việt Nam vẫn trong tình trạng “đóng cửa”, với những ghi nhận về việc xử dụng các điều luật ấm ớ để hình sự hóa nhằm buộc tội các nhà hoạt động và nhà báo, hạn chế việc di chuyển, giám sát và có những cáo buộc tra tấn và ngược đãi họ. Nổi bật là chiêu thức xử dụng luật về “trốn thuế” để nhắm vào các nhà hoạt động.
Nhiều trường hợp bị bắt giữ được nêu trong báo cáo như trường hợp Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, một luật sư, trí thức phản biện nổi tiếng, đã bị bắt vào tháng 12 năm ngoái với tội “trốn thuế”. Hay trường hợp của Mai Phan Lợi, người sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC). Hoặc trường hợp ông Đặng Đình Bách, giám đốc luật pháp tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững, bị kết án 5 năm tù vào tháng 6 năm ngoái, và bà Nguỵ Thị Khanh, người sáng lập Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh, bị bỏ tù 2 năm cũng với tội danh tương tự.
Báo cáo cũng đề cập đến tình trạng một số nhà hoạt động tiếp tục bị bắt với những cáo buộc ngụy tạo và bị cấm xuất cảnh, bị chuyển đến các nhà tù cách xa gia đình của họ và phải đối mặt với sự tra tấn hoặc ngược đãi, như trường hợp của Luật sư Võ An Đôn, nhà báo Phạm Đoan Trang, Huỳnh Thục Vy, Lê Mạnh Hà, Bùi Văn Thuận…
Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 10 vừa qua, bất chấp những ghi nhận tiêu cực về nhân quyền cũng như bị nhiều tổ chức nhân quyền và nhà hoạt động kêu gọi hội đồng bác bỏ đề cử của Hà Nội.
Bảo Trân: Cuối cùng, liên quan đến vụ 2 đại án Việt Á và “Chuyến bay giải cứu”, cho đến tuần qua gần 150 người đã bị khởi tố. Tình hình cho đến nay ra sao thưa anh?
Hướng Dương: Vâng, Tại cuộc họp báo tối 2/2, người phát ngôn bộ công an, trung tướng Tô Ân Xô cho biết trong hai vụ tham nhũng liên quan đến Công ty Việt Á và Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), có tổng cộng 145 người đã bị khởi tố, số tài sản kê biên là khoảng 1.780 tỷ đồng. Cụ thể, vụ án “chuyến bay giải cứu” đã khởi tố 41 bị can, phong tỏa kê biên 80 tỷ đồng; vụ Việt Á đã khởi tố 104 bị can với số tiền phong tỏa kê biên 1.700 tỷ đồng.
Trong cuộc họp báo tháng trước, Người phát ngôn bộ công an đã thông báo mục tiêu sẽ kết thúc điều tra 2 vụ án này trong quý 1 năm 2023.”Tuy nhiên, án tại hồ sơ nên về cơ bản mục tiêu đề ra như thế, nhưng không loại trừ khả năng có thêm tình tiết mới”, cũng viên trung tướng kiêm phát ngôn nhân bộ này vừa cho biết.
Vụ án tại Công ty Việt Á bắt đầu vào tháng 12/2021 khi Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) cùng 4 cấp dưới; cựu Giám đốc CDC Hải Dương và kế toán trưởng đơn vị này. Các lãnh đạo của Việt Á bị cáo buộc đã thổi giá bộ kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và đút lót cho các đối tác khoảng 800 tỷ đồng.
Vụ án tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) thường gọi là vụ “các chuyến bay giải cứu” được khơi mào vào tháng 1/2022, Cơ quan an ninh điều tra ra quyết định khởi tố vụ án và bắt giữ bốn lãnh đạo thuộc Cục Lãnh sự để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”.
Hai vụ án trên đã khiến hai Phó Thủ tướng mất chức, một số Bộ trưởng, thứ trưởng và hàng loạt quan chức cao cấp khác ngồi tù. Người giữ chức vụ cao nhất bị phế truất phải kể đến Chủ tịch nước, cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
No comments:
Post a Comment