Wednesday, June 12, 2024

Tin Tức: Thứ Tư 12.06.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Minh Nguyệt.

1/ HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VN ĐƯỢC TRAO GIẢI NGUYỄN KIM ĐIỀN 2024

Vào ngày 8/6, Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại đã trao giải Tự do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền 2024 cho Hội đồng Liên tôn Việt Nam (HĐLTVN) vì sự đóng góp của tổ chức này cho phong trào đấu tranh đòi tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Giải thưởng trị giá 5 ngàn Mỹ kim được đặt theo tên của giám mục tại Việt Nam, đức  Philipphê Nguyễn Kim Điền, nguyên tổng giám mục tổng giáo phận Huế, người đã thẳng thắn phê phán những sai lầm của đảng CSVN và đột ngột qua đời vào tháng 6 năm 1988 ở bệnh viện Chợ Rẫy.

Kỹ sư Đỗ Như Điện, điều hợp viên của Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại kiêm trưởng ban tổ chức buổi lễ, cho biết đây là giải thưởng thường niên có từ năm 2010 và Hội đồng Liên tôn đã vượt qua bốn ứng viên khác.

Ông Điện cho biết vào hôm qua 11/6 là Hội đồng Liên tôn đã có những can thiệp mạnh mẽ, không bỏ qua một vụ đàn áp nào của bạo quyền Hà Nội. Cũng theo ông Điện, việc trao giải cũng là một cách vinh danh tinh thần tranh đấu và hỗ trợ các thành viên của hội đồng trong bối cảnh các cuộc đàn áp bất đồng chính kiến gia tăng ở Việt Nam.

Hòa thượng Thích Không Tánh, đồng chủ tịch của Hội đồng Liên tôn, cho biết đây là sự kiện vui mừng, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh cho tự do tín ngưỡng ở VN.

Cần biết là Hội đồng Liên tôn VN được chính thức thành lập từ năm 2014 sau một giai đoạn sơ khởi với các cao trào đòi tự do tôn giáo từ cuối năm 2000. Hội đồng hiện gồm có 30 chức sắc thuộc các giáo hội độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hoà Hảo Chơn truyền, Cao Đài Thuần tuý và Tin Lành.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/inter-religion-council-honored-with-nguyen-kim-dien-religious-freedom-prize-06112024032526.html

2/ NHÀ BÁO HUY ĐỨC BỊ BẮT VÌ NHỮNG BÀI BÌNH LUẬN TRÊN MẠNG

Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ), có trụ sở chính tại Bỉ, vào hôm qua 11/6 ra thông cáo lên án bạo quyền Việt Nam đã bắt giữ nhà báo Huy Đức và kêu gọi trả tự do ngay cho phóng viên nổi tiếng này.

Thông cáo của Liên đoàn nhắc lại công bố của bộ công an VN hôm 7/6 về biện pháp bắt giữ nhà báo Huy Đức. Biện pháp này được tiến hành một tuần trước khi có công bố chính thức. Cáo buộc đối với ông này là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” liên quan đến các bình luận đăng trên mạng xã hội.

Liên đoàn Nhà báo Quốc tế cho biết ông Trương Huy San, người được biết đến qua bút danh Huy Đức, đã không thể đến dự một hội thảo vào hôm 1/6. Ông dự trù có một phát biểu trong cuộc gặp gỡ này.

Đến ngày 7/6, bộ công an thừa nhận đã bắt giữ nhà báo Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Nếu bị kết tội, cả hai có thể phải đối diện với mức án 7 năm tù.

Trước khi “biến mất tung tích”, ông Trương Huy San có đăng bình luận về tân Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng với chất vấn về vai trò của công an và lực lượng an ninh trong nền chính trị Việt Nam.  Đến ngày 3/6, trang mạng cá nhân của nhà báo Huy Đức không thể truy cập được nữa.

Các tổ chức theo dõi nhân quyền gồm Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, Phóng viên Không biên giới và Giám sát Nhân quyền đã lên tiếng kêu gọi bạo quyền Việt Nam công khai việc bắt giữ ông Trương Huy San, đồng thời hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-prominent-journalist-arrested-for-social-media-posts-06112024084940.html

3/  TỔNG THỐNG PHILIPPINES YÊU CẦU QUÂN ĐỘI SẴN SÀNG

Vào hôm 10/6, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., trong chuyến thị sát tại một đơn vị đồn trú tại khu vực phía bắc nước này, đã  nhấn mạnh quân đội cần sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa bên ngoài.

Ông Marcos tuyên bố là mối đe dọa bên ngoài đã trở nên rõ ràng hơn, đáng lo ngại hơn và đó là lý do tại sao quân đội Philippines phải chuẩn bị cho tình thế đó.

Cuộc nói chuyện với các binh sĩ của Tổng thống Marcos diễn ra tại một căn cứ thuộc tỉnh Isabela, một trong 4 căn cứ quân sự mới của Philippines mà quân đội Hoa Kỳ được quyền tiếp cận, theo một thỏa thuận quốc phòng giữa hai nước vào năm ngoái. 

Philippines nằm sát hai điểm nóng của khu vực, Đài Loan và Biển Đông. Trung Cộng coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và đe dọa sẽ thống nhất bằng võ lực nếu cần thiết. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và Philippines, không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh phản đối mọi nỗ lực nhằm xâm chiếm hòn đảo tự trị. 

Tại Biển Đông, căng thẳng giữa Trung Cộng và Philippines cũng gia tăng trong thời gian ít tháng qua tại các vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng Trung Cộng vẫn đòi hỏi chủ quyền. Đặc biệt là khi Trung Cộng nỗ lực ngăn chặn việc Philippines tiếp tế cho một đơn vị đồn trú tại Bãi Cỏ Mây.

Tại diễn đàn Đối thoại An ninh Shangri-La tại Singapore vào đầu tháng 6 này, tổng thống Philippines cảnh báo là nếu Trung Cộng cố tình sát hại dù chỉ một người Philippines, Manila sẽ coi đây là “hành động tuyên chiến”.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240611-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-philippines-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-%C4%91%E1%BB%91i-ph%C3%B3-v%E1%BB%9Bi-c%C3%A1c-%C4%91e-d%E1%BB%8Da

4/ HỘI NGHỊ TÁI THIẾT UKRAINE Ở ĐỨC. ƯU TIÊN LÀ NGÀNH NĂNG LƯỢNG

Hội nghị tái thiết Ukraine diễn ra trong hai ngày qua tại Berlin của nước Đức, với sự tham gia của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Vào hôm 10/6, tổng thống Ukraine nhấn mạnh ưu tiên số một là các giải pháp khẩn cấp cho lãnh vực năng lượng.

Tham dự hội nghị tái thiết Ukraine có gần 600 công ty thuộc nhiều lãnh vực như năng lượng, y tế hay cơ sở hạ tầng, cùng đại diện nhiều quốc gia trong đó có 10 nguyên thủ quốc gia. Đây là hội nghị tái thiết Ukraine lần thứ ba và là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia thuộc khối Liên hiệp Âu châu. Hai hội nghị trước được tổ chức tại Thụy Sĩ năm 2022 và Anh vào năm 2023. 

Hội nghị tại Berlin sẽ chuyển hướng từ mục tiêu bàn việc tái thiết sau chiến tranh sang các mục tiêu khẩn cấp, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng mất điện dự trù kéo dài trên quy mô lớn trong mùa đông. 

Bà Mattia Nelles, giám đốc điều hành của liên hiệp Đức và Ukraine, cho biết đây là lúc ngừng nói chuyện về mục tiêu tái thiết không gắn liền với thực tế. Ngoài việc cung cấp đủ vũ khí và đạn dược cho Ukraine, cũng cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống năng lượng vững chắc có khả năng phục hồi nhanh chóng.

Tuy nhiên thách thức với Ukraine không chỉ là các đầu tư về tài chánh và phương tiện mà còn là tệ nạn tham nhũng. Trước thềm hội nghị tại Berlin, một diễn biến mới tại Kiev đang gây lo ngại cho các đối tác phương Tây. Vào hôm 10/6, người cầm đầu tái thiết Ukraine, ông Mustafa Nayyem, quyết định từ chức, đồng thời cáo buộc chính quyền Zelensky ngăn cản ông thực thi phận sự.

Cựu phóng viên Mustafa Nayyem, một người tiêu biểu cho cuộc cách mạng Maidan, đã tham gia chính trị từ mười năm nay, với mục tiêu cải cách bộ máy hành chính công. Năm 2023, ông Nayyem được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan tái thiết, phụ trách điều phối trợ giúp quốc tế. Đầu tư cho các tái thiết lên đến hàng tỷ Mỹ kim, trong lúc cơ quan chống tham nhũng kiểm soát rất kỹ việc xử dụng các khoản tiền khổng lồ này để đề phòng tham nhũng.  

Tại Kiev, mọi cặp mắt đang chú ý đến ông Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine. Ông Yermak bị cáo buộc là người thao túng các quyết định bổ nhiệm, tìm mọi cách để bố trí những người thân cận với phe tổng thống vào tất cả các vị trí quan trọng trong guồng máy quyền lực.

Đối với các tổ chức thuộc xã hội dân sự, vụ việc này rất nghiêm trọng. Nhiều người lo ngại là những nhân vật thân cận với ông Zelensky quyết định can thiệp vào mọi lãnh vực, có nguy cơ gây ra các hiện tượng tham nhũng trong vấn đề tái thiết đất nước.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240611-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-t%C3%A1i-thi%E1%BA%BFt-ukraina-%E1%BB%9F-%C4%91%E1%BB%A9c-ph%E1%BB%A5c-h%E1%BB%93i-kh%E1%BA%A9n-c%E1%BA%A5p-l%C4%A9nh-v%E1%BB%B1c-n%C4%83ng-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-b%E1%BB%8B-nga-ph%C3%A1-h%E1%BB%A7y

 

No comments:

Post a Comment