Tuesday, June 11, 2024

Tân vương, tân chính sách: Khủng bố trắng!

Bình Luận

Bản chất công an trị theo mô hình Stalin đã hàm chứa trong Hiến Pháp 2013. Sự đăng quang của trùm mật vụ Tô Lâm khẳng định sự thật này.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân/ Người Việt với tựa đề: “Tân vương, tân chính sách: Khủng bố trắng! sẽ được Vấn Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân/Người Việt 

Chỉ mươi ngày sau khi ông Tô Lâm, đại tướng, bộ trưởng Công An Việt Nam, ngồi lên ghế chủ tịch nước, người dân đã chứng kiến những vụ bắt bớ và đàn áp rộng khắp, báo hiệu một chiến dịch “khủng bố trắng,” hay xa hơn là một thời kỳ đen trong tiền đồ của đất nước.

Mặc dù báo chí trong nước chưa loan tin nhưng nhiều nguồn tin khả tín từ trong nước xác nhận nhà báo nổi tiếng Trương Huy San, tức Huy Đức, hoặc Osin Huy Đức, đã bị bắt khẩn cấp hôm 1 Tháng Sáu. Hôm sau, 2 Tháng Sáu, công an tiếp tục bắt Luật Sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, cựu phó chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Hà Nội.

Trong khi đó, sự kiện được công chúng quan tâm nhiều nhất là cuộc hành trình tu tập của nhà sư chân đất đầu trần Thích Minh Tuệ đã bất ngờ kết thúc giữa khuya ngày 3 Tháng Sáu khi sư cùng các vị đồng tu bị công an xông vào chỗ nghỉ ở Thừa Thiên Huế, bắt người, trói tay tống lên xe thùng chở đi trong đêm tối.

Những vụ bắt bớ mới, chắc là đã được bộ máy công an trị ủ mưu – hay nói theo ngôn ngữ của họ là đã được “lập phương án” – từ lâu, và bây giờ mới đến thời điểm thuận lợi để họ ra tay. Thời điểm đó là khi ngành công an đã hoàn thành được vụ “đảo chính cung đình,” đưa người lãnh đạo của họ lên vị trí chỉ huy tối hậu trong một thể chế công an trị.

Dù đã bị thu hồi thẻ nhà báo vào Tháng Tám, 2009, ông Huy Đức vẫn tiếp tục viết báo và là cây bút phản biện xã hội nổi bật nhất trong khoảng 15 năm qua. Trong khi 10,000 “nhà báo có thẻ” làm việc trong gần 1,000 cơ quan báo chí do đảng và chính phủ Việt Nam kiểm soát gần như ngoảnh mặt quay lưng với những vấn đề nóng bỏng của xã hội, cần mẫn làm cái loa tuyên truyền của thế lực cầm quyền thì ông Huy Đức một mình lội ngược dòng, dũng cảm vạch trần những sai lầm cốt tử của chế độ với mong muốn thúc đẩy một cuộc cải cách chính trị để đất nước có cơ may thoát ra khỏi vũng lầy đảng trị, tiếp cận với văn minh.

Luật Sư Trần Đình Triển tuy không nằm trong đội ngũ những luật sư nhân quyền hay bất đồng chính kiến, thậm chí ông thường ca ngợi đảng và chính phủ tới mức sống sượng, nhưng ông cũng là một người chống tham nhũng không nhân nhượng. Ông không hành nghề báo chí, không viết nhiều như ông Huy Đức nên ít người biết, nhưng trong một bài đăng trên Facebook hôm 28 Tháng Năm, ông Triển nhận định: “Quan tham là lũ lưu manh côn đồ trong đảng.” 

Sau khi nêu câu hỏi: “Tham nhũng là ai?,” ông Triển tự trả lời một cách tức tối: “Là kẻ có chức có quyền, là đảng viên, là cán bộ công chức. Là những kẻ có quyền uy mà nhà nước trao cho; kiến thức chuyên môn thì dốt nát – nhưng thủ đoạn chính trị thì thâm sâu; bẻm mép và dối trá; hủ hóa và đĩ bợm; lươn lẹo và mưu mô; hở ra là đớp không từ một thứ gì của nhà nước và của dân. Mua quan bán chức, bè phái, cha truyền con nối… hình thành một đội ngũ có tính giai cấp lưu manh và thượng lưu mới tàn bạo, độc ác, bất nhân bất nghĩa nhất chưa từng có trong các hình thái xã hội của lịch sử loài người. Mang danh đảng chống lại đảng; mang danh nhà nước chống lại nhà nước, mang danh vì dân nhưng bóc lột và chống lại nhân dân;… Mang danh đầy tớ của dân, nhưng xử sự với dân không khác gì côn đồ; ăn trên ngồi trốc, hống hách và trịch thượng. Mỗi tên quan tham là một tên lưu manh côn đồ giả danh lương thiện!”

Hiện Facebook của ông Triển không còn vào xem được, nhưng đoạn trích ở trên đủ cho thấy ông Triển đã liều lĩnh đụng vào chỗ nhạy cảm của đảng tại một thời điểm nhạy cảm về chính trị, dù nội dung bài của ông không có gì mới, dân chúng vẫn thường nói ra rả trong khắp các quán nước vỉa hè.

Cái mới là ở chỗ, bắt nhà báo Huy Đức và Luật Sư Trần Đình Triển cùng một lúc, đảng CSVN muốn gửi một thông điệp tới giới “trí thức” Việt Nam rằng, guồng máy công an trị dưới quyền Chủ Tịch Nước Tô Lâm sẽ không dung thứ cho mọi hành vi chống đối hay bất đồng quan điểm dù chỉ xuất hiện trên mạng xã hội. 

Xưa nay, nhà báo và luật sư vẫn được coi là tiếng nói của những người không được lên tiếng trong xã hội, là thành phần luôn được nhà cầm quyền giám sát chặt vì lo ngại ảnh hưởng của họ đối với công chúng. Trong số vài trăm tù nhân lương tâm đang bị giam cầm trong các nhà tù từ Nam chí Bắc, phần lớn là người viết báo, viết blog hoặc luật sư nhân quyền. Nhiều nhà báo và luật sư có lương tri đã phải đào thoát ra nước ngoài vì không chịu đựng nổi không khí khủng bố ở trong nước. 

Trước đây, công an thường chỉ nhắm mục tiêu vào những người cầm bút hoặc là có tổ chức như các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn ở Hội Nhà Báo Độc Lập; hoặc có uy tín với quốc tế như bà Phạm Đoan Trang. Họ cũng chỉ nhắm vào các luật sư có thành tích bảo vệ người nghèo, người yếu thế hoặc người có quan điểm đối lập như các ông Võ An Đôn, Đặng Đình Mạnh.

Nhưng bây giờ sự “khoanh vùng đối tượng” đó dường như đang được mở rộng: bất cứ ai có suy nghĩ độc lập và bày tỏ suy nghĩ ấy trên mạng đều có thể bị bắt, bị tù đày, kể cả những người không thuộc tổ chức nào hoặc đã “rửa tay gác kiếm,” chỉ chí thú làm ăn sau một thời gian hoạt động xã hội không có hiệu quả. 

Tình trạng bắt bớ tràn lan đang đẩy xã hội tới chỗ liệt kháng; ai cũng có thể bị bắt, không phải do hành vi phạm tội mà do công an muốn bắt, vậy thôi. Thuật ngữ chính trị gọi đây là “khủng bố trắng” (white terror), có đặc điểm là các vụ bắt giữ, hành quyết tràn lan, tấn công bạo lực nhắm vào bất kỳ ai bị coi là kẻ thù của nhà nước, cả xã hội sống trong sợ hãi và nghi ngờ. 

“Tân vương, tân chính sách” – ông Tô Lâm mới lên làm chủ tịch nước mấy ngày mà cái tân chính sách đầy bạo lực của ông đã báo hiệu một thời kỳ đen tối của đất nước. Quả là một dân tộc bất hạnh! 

No comments:

Post a Comment