Sunday, June 9, 2024

QUY ĐỊNH 41: TRƯỜNG HỢP VÕ VĂN THƯỞNG VÀ TÔ LÂM

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.

Tiến Văn

09/06/2024

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Tuần trước chúng ta nói về Qui Định 41 của Bộ Chính Trị đảng Hồ-Tàu như một công cụ để giảm thiểu tính chất khốc liệt/điên loạn trong các cuộc đấu đá quyền lực giữa các cá nhân, phe nhóm trong nội bộ của chúng.

Từ khi có Qui Định này chúng ta đã thấy có rất nhiều cuộc “rút lui” trong yên lặng và trong yên bình như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai.

Nhìn vào những cái tên đã rút lui này chúng ta có thể thấy ngay, những sự “rút lui” êm ả đó là một cuộc mặc cả giữa những kẻ tiếp tục nắm quyền lực và những kẻ chấp nhận thôi ý định tranh giành quyền lực. Cuộc mặc cả này có cái logic của nó là những kẻ tiếp tục quyền lực được quyền bớt đi được sự đối đầu, còn những kẻ bỏ cuộc được quyền sống yên ả để hưởng thụ khối tài sản do tham nhũng đem lại.

Những cuộc mặc cả này nhìn từ bên ngoài cho chúng ta cảm tưởng sẽ giải quyết được hết các bất đồng, cạnh tranh gay gắt trong nội bộ của đảng Hồ-Tàu và tiếp tục tạo điều kiện cho đảng Hồ-Tàu tồn tại dài lâu.

Tuy nhiên, cảm tưởng này có một sai lầm cơ bản nằm ở chỗ: những cuộc mặc cả, thỏa thuận đó hoàn toàn không dựa trên sự công bình mà dựa trên sự đe dọa. Nghĩa là các cuộc “rút lui trong im lặng” thực ra chỉ là sự im lặng giả tạo vì trong tâm khảm, ý thức của những kẻ “rút lui” đó không chỉ vẫn chứa đầy sự chống đối, cạnh tranh mà còn thêm sự oán giận trả thù vì đã phải về vườn một cách cưỡng bức. Trong khi đối thủ-những kẻ tiếp tục quyền lực, nếu so sánh cả hai phương diện, tài năng hay tội lỗi, chúng đều không hơn hoặc cũng chẳng kém những người phải “rút lui”. Song, tại sao chúng được tiếp tục quyền lực, trong khi đó chúng ta phải về vườn?

Chúng ta thử so sánh hai nhân vật Võ Văn Thưởng và Tô Lâm để thấy tính chất đấu đá nội bộ trong đảng Hồ-Tàu sẽ còn tiếp tục tăng cao và diễn ra ở nhiều hình thức không thể ngờ trong thời gian tới.

Võ Văn Thưởng, nếu không bị về vườn sẽ đủ tiêu chuẩn là ủy viên Bộ Chính Trị trọn một khóa, đây là tiêu chuẩn tối thiểu để ứng cử vào chức Tổng Bí Thư. Võ Văn Thưởng đã kinh qua nhiều chức vụ chính trị từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ban bí thư. Những kinh nghiệm chính trị này đều không có ở Tô Lâm. Nói về uy tín ngoại giao trên trường quốc tế, Võ Văn Thưởng hoàn toàn chưa có tì vết như Tô Lâm. Trong khi đó, Tô Lâm đã bị nhiều tổ chức ở châu Âu coi là một can phạm chính trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức đem về nước. Tô Lâm dưới con mắt quốc tế còn là biểu tượng cho bộ máy đàn áp các nhân quyền cơ bản. Tô Lâm cũng là một hình ảnh xấu hổ cho toàn bộ công chúng Việt Nam và cho cả hệ thống chính trị độc tài khi há miệng ăn miếng thịt bò dát vàng tại Luân Đôn năm 2021.

Như thế, việc Tô Lâm hất Võ Văn Thưởng phải về vườn để chiếm lấy ghế chủ tịch nước và chuẩn bị cho việc leo lên ghế quyền lực cao nhất là một sự sỉ nhục hết sức đau đớn không chỉ cho cá nhân/gia đình Võ văn Thưởng mà còn cho tất cả những người còn chút lương tri trong đảng Hồ-Tàu. Đấy là chúng ta chưa xét đến tiêu chuẩn tuổi tác, Tô Lâm đã quá già để tiếp tục cầm quyền, so với Võ Văn Thưởng đang ở độ tuổi chín cho mọi chức vụ, công việc.

So sánh về tội lỗi, khuyết điểm, những vụ tham nhũng của Tô Lâm chắc chắn không thể ít hơn Võ Văn Thưởng vì Tô Lâm là kẻ nắm quyền lực cao cấp lâu hơn và là kẻ nắm một bộ có sức mạnh lớn nhất khi cần để khủng bố, làm tiền kẻ khác.

Nhưng vào thời điểm hiện nay, lí lẽ, công bằng đều phải lui trước sức mạnh của còng số 8, của các cáo buộc “làm trái” do bộ công an phát ra.

Nếu chúng ta nhìn lại nhiều nhân vật đã phải rút lui khác như Phạm Bình Minh hay Vũ Đức Đam, chúng ta còn thấy mức độ bất công, xúc phạm, sỉ nhục cao hơn rất nhiều ở những cuộc rút lui do Qui Định 41 tạo ra. Chúng ta còn thấy sự căm hờn, oán thù còn gay gắt hơn nếu biết rằng danh dự, tiếng tăm của con người là một nhu cầu sống còn khi nhu cầu vật chất đã được thỏa mãn.

Thưa anh chị em và quí vị, vì vậy chúng ta cần phải tin tưởng để thấy rằng cuộc đấu tranh bãi bỏ chế độ cộng sản Hồ-Tàu vẫn tiếp tục tiến về phía trước với những thuận lợi và thời cơ do chính sự suy đồi, sa đọa không thể sửa chữa của đảng Hồ-Tàu tạo ra.

Nhiệm vụ của chúng ta là hãy chú ý để không bỏ qua mọi cơ hội có thể làm cho tổ chức của đảng Hồ-Tàu rối loạn nhiều hơn ở mọi cấp, mọi nơi và mọi thời điểm.

Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và hẹn gặp quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

09/06/2024

 

 

No comments:

Post a Comment