Sunday, August 12, 2018

Tin tức ngày thứ Bảy, 11 tháng 08 năm 2018

Tin Tức

CSVN Khởi Tố Blogger Huỳnh Thục Vy
Theo tin đã loan hôm qua, bà Huỳnh Thục Vy, người sáng lập Hội Phủ Nữ Nhân Quyền Việt Nam và là người tích cực bênh vực quyền lợi của người Dân Tộc Thiểu số VN, bị công an CSVN ập vào nhà sáng sớm ngày 9/8, bắt lên trụ sở để tra hỏi về cáo buộc tội xịt sơn lên cờ đỏ sao vàng vào ngày 1/9/2017.

Sau 15 giờ tra hỏi về những việc như xịt sơn lên cờ, tham gia biểu tình ngày 10/6 vừa qua, viết sách báo tuyên truyền chống nhà nước, bênh vực người Dân tộc Thiểu số Đắc Lắc, Đắc Nông và Gia Lai… , bà Huỳnh Thục Vy được bọn công an thả về nhà lúc 10 giờ đêm.
Hôm qua, 10/8 Viện trưởng VKSND thị xã Buôn Hồ, Đắc Lắc đã ra quyết định khởi tố bà Huỳnh Thục Vy về tội ‘ xúc phạm quốc kỳ VN ‘ theo điều 276 của bộ luật Hình sự 1999. Đồng thời, bộ CA Đắc Lắc cũng ra lệnh quản chế và tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Vy từ ngày 9/8 18 đến ngày 9/10/18 với lý do là để phục vụ việc điều tra vụ việc và ngăn chặn ý đồ bỏ trốn và tiêu hủy chứng cứ.
Ngay sau khi bà Huỳnh Thục Vy bị bắt, bà Clare Algar, Giám đốc Điều hành Toàn cầu của Tổ chức Ân xá Quốc tế, ra thông cáo báo chí kêu gọi chính quyền tỉnh Đắc Lắc phải thả bà ngay lập tức và vô điều kiện. Đồng thời kêu gọi chính phủ Việt Nam ngừng ngay lập tức việc đàn áp có hệ thống những nhà hoạt động ôn hòa. Bà Clare nhấn mạnh: “Việc bắt giữ này cho thấy nỗ lực chính trị của Việt Nam nhằm bịt miệng một trong những tiếng nói có trọng lượng nhất về nhân quyền.”

Nhà Ngoại Giao Slovakia Gốc Việt Biến Mất Sau Vụ Án Trịnh Xuân Thanh
Ngày 9/8/18 tờ báo Spectator của Slovakia loan tin rằng ông Lê Hồng Quang, nhà ngoại giao cấp cao của Slovakia tại Việt Nam, người được cho là có mặt trên chuyến bay của chính phủ Slovakia được dùng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, vẫn bặt tin.
Theo tờ báo này, các phóng viên của tờ Spectator đã không thể liên lạc được với nhân viên của Tòa Đại Sứ VN tại Slovakia để kàm rõ những thông tin liên quan tới vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Ông Lê Hồng Quang, một cựu du sinh VN ở Tiệp Khắc vào năm 1980, nhập quốc tịch Slovakia năm 1990. Làm việc cho chính phủ Slovakia nhiều năm. Từ năm 2015, Ông này là nhà ngoại giao cấp cao của Slovakia tại Việt Nam. Tháng 8/2017 ông Quang được giao làm Đại biện lâm thời của sứ quán Slovakia tại Việt Nam và có tin từ VN, nay mai ông Quang sẽ giữ chức Đại sứ của Slovakia tại Hà Nội. Nhưng sau vụ bắt cóc Tịnh Xuân Thanh, tháng 6/2018, ông Quang bị bộ Ngoại Giao Slovakia triệu hồi để tham vấn, và không đưa trở lại Việt Nam.
Theo tờ TAZ, ông Lê Hồng Quang chính là nhân vật đằng sau mối quan hệ “tốt đẹp” giữa Slovakia và Việt Nam. Ông Quang được cho là 1 trong 12 người có mặt trên chuyến bay của chính phủ Slovakia được dùng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đưa từ Slovakia qua Moscow rồi về VN. Nhưng từ khi bị triệu hồi về Slovakia vào tháng 6 cho đến giờ, không ai biết được tung tích của Lê Hồng Quang nữa.

Bắt Đầu Thực Hiện Việc Thu Hồi 600 Tỷ Của Đinh La Thăng

Vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) và vụ án Nhà Máy Nhiệt Điện Thái Bình 2, đã kết thúc hồi tháng 6 vừa qua, với bản án hình sự và dân sự tổng cộng của 2 vụ án dành cho Đinh la Thăng là 30 năm tù ở và bồi thường 630 tỷ đồng cho ngân quỹ nhà nước.
Theo báo Dân Trí, ông Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội – vừa ký văn bản chỉ đạo cấp dưới xác minh tài sản của ông Đinh La Thăng- nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tiến hành thu hồi 630 tỷ đồng theo bản án của tòa.
Nhưng ông Tiến cho biết thêm là việc thu hồi sẽ gặp khó khăn vì trong quá trình thu hồi tài sản, ông Đinh La Thăng không bị kê biên cũng như không bị phong tỏa tài sản nào.
Thêm vào đó, theo lời của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) là ông Nguyễn Thanh Thủy, việc thu hồi tài sản trong bản án này phải chờ đơn yêu cầu của phía bị hại là PVN. Đến nay PVN chưa gửi đơn yêu cầu bồi thường.
Như vậy, việc thu hồi tài sản của Đinh La Thăng cho việc thi hành án dân sự của đương sự sẽ khó có kết quả theo án tòa đã phán.

Tù Nhân Chính Trị Trần Thị Thúy Vừa Mãn Tù
Bà Trần Thị Thúy, sinh năm 1971, là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, nguyên quán ở Đồng Tháp, bị bắt vào tháng 8 năm 2010 và đến ngày 30 tháng 5 năm 2011 bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân Tỉnh Bến Tre với bản án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế theo cáo buộc ” hoạt động nhằm lật đỗ chính quyền CS”.
Trong suốt thời gian chịu án, bà Thúy không nhận tội hoạt động chính trị do nhà cầm quyền CS áp đặt, và luôn khẳng định bà là dân oan bị thu hồi đất oan uổng, nhiều lần khiếu kiện không có kết qủa, cuối cùng bị bắt đi tù. Trong trại giam ở Bình Dương, bà Thúy đã bị cán bộ trại ngược đãi và mang nhiều chứng bệnh như ung bướu tử cung, cao huyết áp… nhưng không được điều trị đầy đủ.
Sáng ngày 10 tháng 8 năm 2018, bà Thúy đã chịu đủ bản án 8 năm tù oan sai kể từ ngày bị bắt, nên Công an tỉnh Bình Dương đưa bà về nguyên quán để tiếp tục án quản chế.

Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Thăm Việt Nam

Ngày 10/8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ qua Thông cáo báo chí cho biết: bà Andrea Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao của Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam gặp các quan chức cấp cao của Hà Nội và của quân đội để thảo luận về việc tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực hợp tác an ninh, mậu dịch quốc phòng, an ninh hàng hải, hoạt động giữ gìn hòa bình và các vấn đề nhân đạo. Đồng thời cũng bàn về cách thức mà Hoa Kỳ có thể đóng góp cho sự cởi mở và tự do của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương được đích thân tổng thống Donald Trump nhấn mạnh tại kỳ họp APEC diễn ra ở Đà Nẵng vào tháng 11 năm ngoái nhằm đối trọng lại hoạt động bành trướng, quân sự hóa của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp Biển Đông.

Máy Bay Của Mỹ Quan Sát Các Đảo Do Trung Quốc Tân Tạo Trên Biển Đông
Thứ sáu ngày 10/8, Hải quân Mỹ dành cho phóng viên CNN cơ hội quan sát hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông bằng một máy bay phản lực trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ, ở độ cao hơn 5.000 mét, trên 4 đảo chính của quần đảo Trường Sa là Đá Subi, Đá Chữ thập, Đá Gạc ma và Đá Vành khăn. Nhờ đó, phóng viên CNN đã chụp được các bãi cạn được biến thành các doanh trại với các tòa nhà 5 tầng, các hệ thống radar lớn, các nhà máy điện và các đường băng đủ sức đón máy bay quân sự cỡ lớn. Trong thời gian bay, các phi công đã nhận được 6 lời cảnh báo từ phía Trung Quốc cho biết họ đang bay trên lãnh thổ Trung Quốc và yêu cầu họ rời khỏi ngay lập tức. Các phi công Hoa Kỳ đều đáp trả bằng thông điệp duy nhất là: Đây là máy bay của hải quân Hoa Kỳ đang tiến hành các hoạt động quân sự hợp pháp không hề vi phạm không phận của bất kỳ quốc gia nào.

Slovakia Trừng Phạt Ngoại Giao Việt Nam Vì Vụ Bắt Cóc Trịnh Xuân Thanh
Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Slovakia đã rơi vào khủng hoảng sau khi Slovakia tuyên bố không cử đại sứ tới Hà Nội vì phía Việt Nam hoàn toàn im lặng không cho biết họ có lợi dụng Slovakia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không.
Hôm qua, ngày 10/8, ông Boris Gandel, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Slovakia, nói với phóng viên của VOA: Sau khi Slovakia bị Đức cáo buộc có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, ông Miroslav Lajcak, Bộ trưởng Ngoại giao của nước này cho biết: nếu Hà Nội không cung cấp các bằng chứng về vụ này, Slovakia sẽ thực hiện các biện pháp ngoại giao cụ thể đối với Việt Nam. Và Slovakia sẽ không cử đại sứ tới Hà Nội cho tới khi xác minh được Việt Nam có lợi dụng Slovakia hay không.

Trung Quốc Biến Tân Cương Thành Trại Tập Trung Khổng Lồ

Thứ sáu, 10/8, Ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết: họ đã nhận được nhiều báo cáo khả tín cho hay 1 triệu người thuộc sắc dân Uighur ở Trung Quốc hiện đang bị cầm giữ ở một nơi giống như một “trại tập trung khổng lồ bí mật.”
Tại một phiên họp ở Geneva, bà Gay McDougall, một thành viên của Ủy ban Xóa bỏ Kì thị Chủng tộc của Liên Hiệp Quốc, ước tính rằng 2 triệu người Uighur và những nhóm sắc dân thiểu số Hồi giáo bị cưỡng bức vào “các trại chỉnh huấn chính trị” ở khu tự trị Tân Cương, họ bị coi là “kẻ thù của nhà nước” chỉ vì sắc tộc và tôn giáo của họ. Hơn 100 sinh viên người Uighur du học từ các nước gồm Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trở về Trung Quốc đã bị giam giữ, một số người đã chết trong khi bị câu lưu.
Khoảng 50 quan chức Trung Quốc có mặt trong phiên họp này không bình luận gì về những phát biểu của bà McDougall.

No comments:

Post a Comment