Friday, August 31, 2018

Mã Lai Rút Chân Ra, CSVN Đút Đầu Vào

Quan Điểm

Chính sách ngoại giao kinh tế “sáng kiến 1 vành đai, 1 con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thất bại tại Mã Lai vì Thủ tướng Mahathir Mohamad đã hủy bỏ 2 dự án đầu tư trị giá 22 tỉ đô Mỹ, trong khi đó CSVN lại chuẩn bị thông qua dự luật cho thuê 3 đặc khu kinh tế. Mời quý thính giả theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ qua tựa đề: “Mã Lai Rút Chân Ra, CSVN Đút Đầu Vào” sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Thưa quý thính giả,
Ngày 21/8 vừa qua, phát biểu với các phóng viên tại Bắc Kinh, trước khi về nước sau chuyến công du 5 ngày ở Trung Quốc, Thủ tướng Mahathir Mohamad nói Mã Lai sẽ hủy dự án Tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL) và dự án Đường ống dẫn khí đốt xuyên Sabah (TSGP) do Trung Quốc cho vay.

Ông Mahathir Mohamad cho biết 2 dự án này tốn tiền đầu tư khổng lồ dựa vào vốn cho vay từ Trung Quốc nhưng Mã Lai chưa cần vào thời điểm này, đặc biệt là lúc tình hình tài chính của Mã Lai đang lâm nguy với mức nợ nước ngoài lên đến 250 tỉ đô Mỹ.
Dự án ECRL với vốn đầu tư gần 20 tỉ đô nhằm xây dựng tuyến đường sắt dài 688 km dọc theo bờ biển phía Đông Malaysia, bắt đầu xây vào năm 2017 và dự trù sẽ hoàn thành vào năm 2024. Đầu tháng 6, chính phủ mới của Mã Lai cho biết, số tiền mà chính phủ tiền nhiệm đã giải ngân cho dự án này là 4.8 tỉ đô và đến nay, dự án đã hoàn thành 13%.
Trong khi đó, dự án TSGP xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dài 662km. Thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết, Mã Lai đã trả 2 tỉ đô trong tổng số tiền đầu tư 2.5 tỉ đô, nhưng Công ty con của Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc vẫn chưa khởi công. Cả hai dự án này đều bị tạm ngưng vào tháng 7 sau khi ông Mahathir lên làm Thủ tướng.
Trả lời phỏng vấn của tờ The New York Times gần đây, ông Mahathir bày tỏ lo ngại cách thức phê duyệt và thực hiện, bao gồm quy định đấu thầu và việc các công ty Trung Quốc đưa lao động Trung Quốc sang xây dựng dự án chứ không thuê lao động tại địa phương.
Ông nói, ông có bằng chứng việc một công ty Malaysia có thể thực hiện dự án ECRL với số vốn đầu tư chỉ bằng phân nửa mức vốn đầu tư ban đầu 13,4 tỉ đô mà chính phủ tiền nhiệm chấp nhận trả cho Công ty xây dựng viễn thông Trung Quốc. Trong khi ông Lim Guan Eng, Bộ trưởng Tài chánh Mã Lai cho biết dự án ECRL hiện đã bị tăng lên mức 20 tỉ đô la.
Ông Mahathir cho rằng số tiền tăng thêm trong dự án này có thể đã rơi vào túi tham nhũng.
Bà Marina Rudyak – một học giả nghiên cứu về việc tài trợ nước ngoài của Trung Quốc – thuộc Đại học Heidelberg ở tiểu bang Ohio (Hoa Kỳ), nhận định rằng, quyết định hủy 2 dự án này, một phần của “sáng kiến 1 vành đai, 1 con đường” là một đòn nặng nề đối với Trung Quốc.
Bà nói: Ông Tập Cận Bình xem “sáng kiến 1 vành đai, 1 con đường” như là sự đóng góp của Trung Quốc trong một kỷ nguyên mới khi Trung Quốc trở thành thành viên có trách nhiệm toàn cầu. Điều này có nghĩa là các dự án bị hủy báo hiệu một thất bại về chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc.
Ngoài 2 dự án trên, Trung Quốc còn có nhiều dự án đầu tư khác ở Mã Lai, gây bất an cho người dân nước này mà chính phủ Mã Lai đang duyệt xét lại. Nhất là dự án xây 1 bến cảng khổng lồ ở eo biển Malacca của Mã Lai, cảng này có khả năng tiếp nhận Hàng không Mẫu hạm. Dự án này tên là Melaka Gateway, có mức vốn đầu tư lên đến 10 tỉ đô, được Trung Quốc xem như một phần của tuyến giao thương đường biển để nối Thượng Hải với Rotterdam (Hòa Lan). Trung Quốc thuê 99 năm, thay vì 30 năm để vận hành. Thủ tướng tiền nhiệm Najib Razak ký vay tiền của Trung Quốc và chính ông trao cho Bắc Kinh nhiều cơ hội để mở rộng sự hiện diện tại nước này.
Ngày 24/8 vừa qua, CSVN đưa tin: “dự kiến kỳ họp thứ 6 của Quốc Hội khóa 14 sẽ diễn ra vào tháng 10/2018”. Và Tổng thư ký Quốc Hội, Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Hiện giờ đang chờ ý kiến cử tri và nhân dân”. Điều này có nghĩa là, Ban tuyên giáo với đội ngũ nhân lực khắp các tỉnh thành đang gắng sức tuyên truyền và bắt buộc dân chúng ký ủng hộ luật đặc khu. Nếu thuận lợi thì Quốc Hội sẽ thông qua dự luật trong tháng 10, ngược lại đảng sẽ dùng kế “hoãn binh” để kéo dài thời gian, tránh những cuộc biểu tình đại quy mô hơn cuộc biểu tình ngày 10/6, có thể làm cho chế độ sụp đổ.
Thủ tướng Mã Lai đã nhìn thấy “nước cờ” của Tập Cận Bình nên sáng suốt rút chân ra khỏi vũng lầy, trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại cố đưa đầu vào miệng cọp. Ai sáng suốt, ai dại khờ thì thế giới và người dân hai nước đều biết. Và khi nhìn lại biết mình bị láng giềng lừa gạt, Nguyễn Phú Trọng có dám chống lại Trung Quốc hay không? Nếu không dám thì ông còn thua Thủ tướng Mahathir Mohamad và nhất là thua bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan, một nước chỉ có vài chục triệu người mà cương quyết chống Tàu cộng đến cùng.
Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment