Thursday, August 23, 2018

Sẽ Ra Sao Khi Ông Trọng Chính Thức ‘Siết’ Con Trai Ông Nguyễn Tấn Dũng?

Bình Luận

Trong khi người đốt lò là Nguyễn Phú Trọng hò hét chống tham nhũng thì bản chất thực sự của chiến dịch này vẫn là thanh trừng nội bộ và trả thù phe nhóm ăn chia. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Thiền Lâm với tựa đề: “Sẽ Ra Sao Khi Ông Trọng Chính Thức ‘Siết’ Con Trai Ông Nguyễn Tấn Dũng?” sẽ được Song Thập trình bày, và đây cũng là tiết mục kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Chỉ vài ngày sau khi ông Nguyễn Phú Trọng kết thúc tuần công du đối ngoại tại Pháp và Cu Ba, cơ quan Thanh tra chính phủ đã vào tận Kiên Giang “địa đầu tổ quốc” và được xem là “căn cứ địa cách mạng” của gia đình cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để công bố kết luận thanh tra vào buổi chiều 2/4/2018.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường đối với tỉnh Kiên Giang.
Như vậy, đây là đợt thanh tra đầu tiên của Thanh tra chính phủ đối với Kiên Giang từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền đầu năm 2016. Cũng là lần đầu tiên từ sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng “ngã ngựa” tại đại hội 12, người con trai của ông Dũng là Nguyễn Thanh Nghị – Bí thư Kiên Giang – phải đối mặt với mối nguy hiểm rất trực tiếp.
Vào tháng 5 năm 2017, ngay sau Hội nghị trung ương 5 mà đã loại Đinh La Thăng – nhân vật được xem là thủ hạ đắc lực của Nguyễn Tấn Dũng – khỏi Bộ Chính trị và ghế bí thư thành ủy TP.HCM, trang tin điện tử Thanhtra.com.vn (trực thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ) ngày 16/5 đã phát đi tín hiệu “Nam phạt” đầu tiên với bài “Thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại Phú Quốc: Nhiều bất ổn từ chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang”, với nội dung nhắm vào “chỉ đạo” của UBND tỉnh Kiên Giang, tức cũng nhắm vào Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị.
Trong mục ‘Luật riêng của đảo’ có đề cập đến việc Khách sạn Hương Biển (Seashells) “cao 8 tầng, đã phá vỡ không gian tâm linh tại khu vực dinh Cậu, dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu, cũng như che khuất không gian biển tại thị trấn Dương Đông”. Bài báo này cũng đặt câu hỏi: Phải chăng UBND tỉnh Kiên Giang đang áp dụng luật riêng cho các bãi biển tại đảo ngọc?
Vậy khách sạn Hương Biển là của ai?
Thuộc sở hữu của tập đoàn Trần Thái (Tran Thai group) do ông Trần Minh Chí làm Chủ tịch HĐQT. Bản thân tập đoàn này cũng thuộc nhóm “ông lớn” về bất động sản ở phía Nam.
Nhiều nguồn tin cho biết ông Trần Minh Chí chính là em vợ của ông Nguyễn Tấn Dũng…
Tuy nhiên, vụ khách sạn Hương Biển chỉ gợn lên một chút rồi im bặt sau đó.
Đến ngày 15/11/2017 và sang ngày hôm sau, một số tờ báo nhà nước như Lao Động, Tuổi Trẻ… đồng loạt đăng bài về cần phải “cắt 2 tầng xây dựng vượt phép của khách sạn Seashells” ở Phú Quốc – một xứ sở đang được hứa hẹn trở thành “đặc khu kinh tế” và cũng là tâm điểm dòm ngó tranh giành của nhiều tập đoàn lợi ích.
Mạnh mẽ hơn Tuổi Trẻ, tờ Lao Động kết luận: “Cắt 2 tầng xây dựng vượt phép của khách sạn Seashells, nhưng phải “cắt” những quan chức có trách nhiệm liên quan đến công trình này mới trị tận gốc nạn xây dựng sai phép”.
Có vẻ rất đồng điệu với những tờ báo trên, blogger Huy Đức đăng trên facebook của mình status “Cần thanh tra Phú Quốc ngay”, trong đó nói rõ:
“+Mất 8.000 hecta rừng tự nhiên.
Chuyện UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo “cắt hai tầng” của khách sạn Seashells chỉ có tác dụng xoa dịu dư luận. Trước hết, đây là nơi từng được quy hoạch làm quảng trường biển, tạo thành một điểm du lịch kết nối tâm linh – gần Dinh Cậu. Ai đã cho Seashells xây cao tầng sát ngay mép biển? Ai đã cho Seashells phá vỡ quy hoạch ban đầu của Phú Quốc?
Cần làm rõ dư luận cho rằng, Seashells là của Tư Thắng, em trai Nguyễn Tấn Dũng – có nguồn gốc tài sản nhà nước, được cổ phần hoá với không ít khuất tất – được xây trong giai đoạn Nguyễn Tấn Dũng đưa con trai Nguyễn Thanh Nghị về nắm đảo. Đồng thời, cần thanh tra Phú Quốc ngay để làm rõ nhiều sai phạm trong giao đất cấp phép ở đây; đặc biệt làm rõ trách nhiệm của những ai đã xẻ thịt Phú Quốc để chỉ trong vòng hơn 5 năm qua, diện tích rừng tự nhiên của Phú Quốc đã giảm từ 14.000 hecta giờ chỉ còn 6.000 hecta”.
Với dấu hiệu “cả hệ thống chính trị vào cuộc” rõ ràng như trên, có khả năng vòng vây đối với Nguyễn Thanh Nghị đang siết chặt.
Còn giờ đây, mũi xung kích “cần thanh tra Phú Quốc ngay” chính là Thanh tra chính phủ.
Vụ bắt đầu quá trình thanh tra Kiên Giang trên xảy ra chỉ gần một tháng sau một sự kiện thanh tra khác: Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ “Mobifone mua AVG” gây chấn động với con số thất thoát ít nhất 7,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý là trong bản kết luận thanh tra này đã không có tên bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái của cựu thủ tướng Dũng. Nhưng sau khi kết luận thanh tra được phát đi, một số tờ báo nhà nước đã tung bài đặt dấu hỏi “Công ty AMAX” là của ai?”.
AMAX là một trong 4 công ty tư vấn tham gia định giá AVG. Trong khi giá trị thưc của AVG chỉ khoảng 1,000 tỷ đồng, AMAX đã được chọn với mức định giá thấp nhất là khoảng… 16,5 ngàn tỷ đồng.
Một luồng dư luận cho rằng “Manh mối nằm ở đây. AMAX chính là công ty của Phượng, dù Phượng không hề đứng tên hay sở hữu chút cổ phần nào ở đó. Và 3 đơn vị kia chỉ là chân gỗ được sắp xếp vào và cố tình hét giá cao nhất để AMAX được nhận làm kết quả… Điểm cuối của những bài điều tra chắc chắn sẽ là AMAX, nói đúng hơn, là tìm đến công chúa Nguyễn Thanh Phượng”. Luồng dư luận này cũng yêu cầu Bộ Công an khởi tố điều tra vụ “Mobifone mua AVG” càng sớm càng tốt…
Như vậy tính đến nay, đã có 2/3 người con của cựu thủ tướng Dũng bị “chiếu” là Nguyễn Thanh Phượng và Nguyễn Thanh Nghị. Chỉ còn lại một người con trai của ông Dũng là Nguyễn Minh Triết ở Trung ương đoàn, nhưng nghe nói từ khá lâu nay đã bị “ngồi chơi xơi nước”./.
Thiền Lâm

No comments:

Post a Comment