Wednesday, August 22, 2018

Giáo dục tệ hại, xã hội lãnh đủ hậu quả

Bình Luận

Một đảng CSVN độc tài tham nhũng là nguồn gốc của một nền giáo dục tệ hại đưa đến suy thoái xã hội và đạo đức.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Song Chi với tựa đề: “Giáo dục tệ hại, xã hội lãnh đủ hậu quả” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Báo Pháp Luật TP/HCM có bài “Kỳ thi THPT quốc gia: Cần cuộc đại phẫu!” rằng: “Sau những sự cố nghiêm trọng ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, ngành giáo dục nếu không “đại phẫu” thì cũng phải “tiểu phẫu” kỳ thi THPT quốc gia để bịt lỗ hổng”.

Thực tế, từ năm 1975 đến nay có ai nhớ được nền giáo dục VN dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản đã trải qua bao nhiêu lần sửa chữa, cải cách, cải tiến (hay cải…lùi?), thay đổi cứ xoành xoạch từ chữ viết, cách phát âm, bộ chữ cái, sách giáo khoa, chương trình học, việc tổ chức thi cử, v.v…? Bao nhiêu thế hệ học sinh VN đã bị làm “chuột bạch” cho vô số lần thí nghiệm hỏng bét đó?
Nhưng cứ càng “cải” thì càng nát bét, còn người dân thì đổ xô nhau cho con đi du học, như một cách “tị nạn giáo dục”!
Rồi lại còn mơ học theo phương pháp, hệ thống giáo dục của Singapore, Phần Lan… gì đó.
Điều quan trọng nhất, giáo dục của VNCH không phải chỉ đào tạo ra những con người có kiến thức vững vàng, chuyên môn tốt (điều này thể hiện rất rõ khi so sánh trình độ chênh lệch từ học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, kỹ sư, bác sĩ… của miền Nam và miền Bắc sau khi thống nhất vào tháng 4.1975), mà nền giáo dục đó đã tạo ra những thế hệ con người có tư cách, có liêm sỉ, có tinh thần trách nhiệm với công việc và xã hội, có tinh thần quốc gia, dân tộc rất cao. Đồng thời nền giáo dục đó cũng đã tạo ra một môi trường giáo dục đàng hoàng, thầy ra thầy, trò ra trò.
Còn bây giờ?
Một nền giáo dục không có tính triết lý giáo dục, nhồi sọ, nặng tính tuyên truyền, lạc hậu, chạy theo thành tích, không đặt mục tiêu đào tạo con người với đầy đủ phẩm chất làm người, phẩm chất công dân mà chỉ nhằm đào tạo những tầng lớp thanh thiếu niên bàng quan về chính trị, vô cảm với thực trạng của đất nước xã hội, học để lấy bằng ra làm quan hay kiếm tiền, kiếm một chỗ đứng trong xã hội… Sau hơn 40 năm, 2 hậu quả nặng nề nhất từ nền giáo dục này là bệnh thành tích và gian dối, dối trá, ngày càng trơ trẽn, lộ liễu hơn.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 vừa qua, cho đến nay đã có vài địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… bị phát hiện gian lận, nâng điểm, sửa điểm cho hàng trăm thí sinh; nhưng ai dám chắc rằng chỉ những nơi này mới có gian lận?
Giáo dục lẽ ra phải là một ngành đàng hoàng tử tế, nhưng lâu nay không ai còn lạ gì những chuyện gian dối của ngành giáo dục như “chạy” điểm, mua bằng, xài bằng giả… Hệ quả là những con người không có đủ kiến thức, trình độ, năng lực nhưng vẫn vào được những trường đại học ngon lành, tốt nghiệp, có bằng cấp… trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, quan chức… và họ đã gây ra bao nhiêu tai họa cho xã hội vì sự dốt nát của mình.
Một ngành cũng rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người là ngành Y thì cũng nhan nhản những vụ scandal xài bằng giả, ngay cả ông Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng dính scandal gian dối bằng cấp và dám chắc nếu khui ra thì quan chức ngành Y nói riêng và VN nói chung có khối người gian dối trong chuyện học hành, bằng cấp!
Chuyên môn của nhiều y bác sĩ, cán bộ ngành Y đã kém mà vấn đề y đức càng tệ hơn. Dư luận vẫn còn nhớ hàng loạt vụ bê bối như hàng ngàn bệnh nhân bị “nhân bản” phiếu xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội năm 2013, hàng ngàn bệnh nhân bị tráo nhân thủy tinh thể kém chất lượng ở BV Mắt, Hà Nội năm 2013 hay vụ án VN Pharma buôn lậu thuốc chữa ung thư giả năm 2017…
Những vụ này gây rúng động dư luận vì tính chất vô lương tâm đến tột cùng của những con người khoác trên mình chiếc áo trắng tinh khiết của ngành Y, nhưng vì tiền mà có thể nhúng tay thực hiện những việc làm gian dối, tàn nhẫn, bất chấp hậu quả. Thứ hai là tính nghiêm trọng của vấn đề xét trên hậu quả do sự việc gây ra đối với bệnh nhân, cuối cùng là quy mô của sự việc!
Một sự thật đáng buồn, nếu nhìn vào xã hội VN bây giờ chúng ta sẽ thấy sự gian dối, phơi bày khắp mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, từ trung ương đến địa phương.
Cứ mỗi lần xảy ra một vụ bê bối nào đó, chúng ta tưởng như đã đến tột đỉnh của sự gian dối, liêm sỉ, vô lương tâm của con người… nhưng không, sau đó lại xảy ra những vụ khác, với mức độ còn nặng hơn.
Tại sao vậy?
Đó chính là hậu quả của một nền giáo dục không đặt nặng giáo dục cho con người những phẩm chất làm người, lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, tính trung thực, sự tử tế…
Nhưng suy cho cùng, giáo dục VN cũng chỉ là “nạn nhân” của một hệ thống chính trị độc tài, ngu dân mà thôi. Nhìn lại, sở dĩ giáo dục VNCH trước đây đạt được những thành tựu trong đào tạo con người là vì môi trường giáo dục nói riêng và cả miền Nam VN trước năm 1975 nói chung có sự tự do, dân chủ, tôn trọng cá nhân, tôn trọng Quyền Con Người, cho dù nền dân chủ ấy còn non trẻ và có những khiếm khuyết, cộng thêm hoàn cảnh chiến tranh có nhiều khó khăn, cản trở việc xây dựng một xã hội thực sự tự do, bình yên, thịnh vượng.
Tất cả các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều là những nước có hệ thống chính trị tự do dân chủ, có nền luật pháp mạnh mẽ, minh bạch.
Chính vì vậy, nếu không có một hệ thống chính trị tự do, dân chủ thì không thể có một nền giáo dục tốt được; và không thể đào tạo ra những con người vừa có kiến thức vững, chuyên môn tốt mà còn có nhân cách, có tinh thần trách nhiệm của một công dân được!
Có “tiểu phẫu”, “đại phẫu” nền giáo dục này bao nhiêu lần nữa cũng vậy thôi!
Song Chi

No comments:

Post a Comment