Sunday, April 1, 2018

Nói Với Người CS

Nói Với Người CS

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Tâm Anh. Nhân đây, đài DLSN cũng xin đính chính: Trong chuyên mục “NVNCS” ngày 18 tháng 03 vừa qua chúng tôi đã có sai sót khi cho rằng ông Vũ Đình Huỳnh là người thứ hai bị bắt sau ông Hoàng Minh Chính trong vụ án “xét lại, chống Đảng”. Sự thật không đúng như vậy, trước ông Vũ Đình Huỳnh đã có nhiều người bị bắt như các ông Phạm Viết, Trần Châu hay Hoàng Thế Dũng. Tiến Văn và ban biên tập đài DLSN xin thành thật cáo lỗi với quí thính giả.
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Qua bốn chuyên mục vừa qua chúng ta đã thấy rõ động cơ và nguyên nhân chính đã khiến bọn lãnh đạo chóp bu cộng sản cách đây hơn 50 năm bày ra cái gọi là vụ án “xét lại, chống Đảng”. Chúng ta cũng thấy thêm sự giấu mặt quen thuộc của Hồ cùng đồng bọn chóp bu mỗi khi chúng cho thực hiện các việc tàn ác, vô luân. Ngoài ra chúng ta cũng đã thấy rõ hơn chân dung và những khổ nạn của hai nạn nhân hàng đầu là ông Hoàng Minh Chính và ông Vũ Đình Huỳnh.
Có thể nói, không bút nào có thể tả xiết về những oan ức, đau đớn của các nạn nhân cộng sản nói chung và của các nạn nhân trong vụ án “xét lại, chống Đảng” nói riêng. Để góp thêm phần tưởng nhớ, cầu nguyện an bình tới linh hồn tất cả các nạn nhân vừa nói, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau xem thêm một số tư liệu liên quan tới hai nạn nhân khác trong vụ án “xét lại, chống Đảng”.
Đầu tiên là ông Phạm Viết, Phó Tổng biên tập báo Thời Mới, là người duy nhất có vợ, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, cũng bị bắt trong đợt đảng cộng sản Việt Nam thanh trừng các thành phần ủng hộ hoặc có xu hướng ủng hộ Liên Xô. Ông Viết là người bị bắt khi đang phải điều trị bệnh tim và sau đó đã chết thê thảm trong tù.
Trong tù, nhờ sự giúp đỡ bí mật của một cai tù có lương tâm, ông Viết đã gửi được cho vợ một lá thư có nội dung như sau:
“Em thương yêu,
Anh vừa về đây ngày 20/7, từ Hỏa Lò. Em đã nhận được thư anh chưa? Anh cần dặn em một điều: đừng mắc mưu chia rẽ, li gián hai vợ chồng.
Đêm ngày anh nghĩ đến em và các con. Thương nhớ em và các con vô hạn. Anh chỉ mong sao em và các con được hạnh phúc và nhất là giữ tình cảm tốt đẹp về anh. Cuộc đời anh dù có ra sao đi nữa thì anh cũng tin rằng có em thay anh nuôi dạy các con. Nhìn về lâu dài thì em có trách nhiệm trông nom các con nhiều hơn anh. Em chú ý giữ sức khỏe, anh lo vấn đề này lắm. Đau đớn, khổ sở, nhục nhằn lắm. Chỉ còn tình yêu của em và các con, tình yêu đối với em và các con giữ anh ở lại cuộc đời này. Nếu mất đi thì anh chẳng còn gì để sống nữa.
Thương nhớ em và các con vô hạn. Gửi em trăm nghìn cái hôn.”
(hết trích)
Những ngày cuối cùng của ông Viết trong tù được bà Lan thuật lại như sau:
“… Rất may là chuyến đi thăm lần thứ hai vào ngày 25-7-1971 đỡ vất vả nhiều, vì Anh được chuyển về trại Phú Sơn ở Thái Nguyên. Nhưng khi gặp Anh, tim tôi nhói và lạnh toát cả người. Anh không ở trại, mà đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện thị xã Thái Nguyên. Anh nằm trong căn phòng rộng có nhiều cửa sổ trên tầng hai, cửa nào cũng đóng kín và có hai thanh gỗ chặn ngang. Trong phòng bệnh có hai người canh gác, và căn phòng nhỏ bên ngoài là chỗ ngủ của nửa tiểu đội công an. Quanh anh không phải là những chiếc áo bờ lu trắng của ‘lương y kiêm từ mẫu’, mà là những bộ đồng phục công an và những bộ mặt lạnh lùng.
Lần thứ ba đi thăm Anh vào ngày 12-8-1971, Bộ Công an cho tôi đi nhờ xe chở bác sĩ và bình ô xy lên trại… Sức khỏe của Anh suy sụp, Anh ít nói, không ăn được đồ ăn tôi mang lên, không cho để lại mà bắt tôi mang về cho con. Tôi được thăm Anh không lâu rồi ra nhà khác, ngủ lại một đêm và hôm sau đi nhờ xe về Hà Nội.
Tôi không ngờ đó là lần đi thăm cuối cùng. Sau 4 năm rưỡi tù đầy, đêm 31-12-1971 Anh nhắm mắt xuôi tay trong cảnh cô đơn nơi tù ngục, không được vĩnh biệt mẹ già, vợ yêu, con dại, không được người thân yêu vuốt mắt khi ra đi. Anh đã phải ngậm ngùi mang theo trong lòng nỗi oan khuất lớn, nỗi đau khôn nguôi và nỗi lo lắng về cuộc sống của vợ góa và hai đứa con nhỏ côi cút.” (hết trích)
Trong số những nạn nhân của vụ án “xét lại, chống Đảng”, ông Phạm Kỳ Vân, Phó Tổng biên tập Tạp chí Học Tập, là người có hoàn cảnh thương tâm nhất. Ông Phạm Kỳ Vân khi bị bắt đang trong hoàn cảnh gà trống nuôi con vì vợ ông đã qua đời trong một tai nạn trước đó. Không lâu sau khi vào tù, ông Kỳ Vân bị bệnh nặng và chỉ được thả về khi sắp qua đời. Hai người con gái của ông cũng lần lượt qua đời sau đó, chỉ còn lại một người con trai còn nhỏ tên Phạm Kỳ Tân. Năm 1981, chàng thanh niên 19 tuổi Phạm Kỳ Tân đã viết thư khiếu nại gửi trực tiếp cho “các lãnh đạo Đảng và Nhà Nước” hầu biết rõ cha anh đã mắc những “tội” gì. Lá thư không có hồi âm. Nhưng, một thời gian sau, người ta phát hiện ra chàng trai Phạm Kỳ Tân đã chết trong tư thế treo cổ. Gia đình ông Phạm Kỳ Vân là gia đình duy nhất không còn thành viên nào sống sót.
Thưa anh chị em công an, bộ đội và quí vị, một lần nữa chúng ta lại thấy sự tàn độc, phi nhân của giới lãnh đạo trong chế độ cộng sản Việt Nam. Không chỉ tàn ác đối với dân tộc, đất nước mà chúng còn sẵn sàng ác độc đối với chính những đồng chí, thân hữu không còn có lợi cho sự cầm quyền của chúng.
Khả năng phục thiện, nhìn nhận sai lầm của bọn chóp bu cộng sản, qua kinh nghiệm thực tế cho tới nay, là hoàn toàn không thể có. Nếu chúng ta còn băn khoăn về bản chất ngoan cố này, chuyên mục tới đây sẽ cung cấp cho chúng ta một dẫn chứng liên quan tới chính vụ án “xét lại, chống Đảng”.
Tâm Anh, Hải Nguyên, Quê Hương và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị anh chị em trong chương trình tuần tới.
01/04/2018

No comments:

Post a Comment