Tuesday, April 24, 2018

Lý Luận Việt Cộng Về Vấn Đề Nâng Cao Văn Hóa Chính Trị

Bình Luân

Thưa quý thính giả, Lý thuyết Mác Lê mang nặng tính giáo điều và đảng CSVN là một định chế quyền lực bảo thủ sẽ bị trào lưu dân chủ đào thải trong tương lai rất gần. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Nguyễn Cao Quyền với tựa đề: “Lý Luận Việt Cộng Về Vấn Đề Nâng Cao Văn Hóa Chính Trị” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Ở Việt Nam hiện nay, nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo là một biện pháp quan trọng để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và năng lực quản lý của Nhà Nước trong sự nghiệp xây dựng tổ quốc.

Người cộng sản dạy nhau rằng: “Văn hóa chính trị nói chung là một vấn đề rộng lớn. Ngoài những lý luận phức tạp mà ít người hiểu được thì cái ý chính mà ai ai cũng phải thông suốt là: Nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo phải gắn liền với việc nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Chúng ta hãy bỏ ra vài phút để xem họ lý luận ra sao về sự khẳng định lừa bịp này.
Hơn ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, sau khi hệ thống cộng sản quốc tế tan rã mà vẫn tiếp tục dạy nhau những đoạn lý luận nói trên thì làm sao thoát khỏi được gọng kìm cộng sản, làm sao cưỡng lại được để không trở thành một khu tự trị của nước Tàu.
Cũng trong khoảng thời gian nói trên, quyền lực và tiền bạc đã làm cho đầu óc những người cộng sản Việt Nam u ám không còn biết thế nào là ý nghĩa về quốc gia dân tộc. Họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù nhưng không nhận ra ai mới là kẻ thù truyền kiếp. Bài viết này không phải là để nhắc nhở bọn đầy tớ của Bắc Kinh mà chỉ là muốn cho dân tộc Việt Nam nhanh chóng có đủ sức mạnh đứng lên thanh toán bọn buôn dân bán nước.
Dân chủ là thuộc tính của diễn trình lấy quyết định tập thể. Theo tinh thần dân chủ mỗi thành viên của tập thể đều có quyền tham dự như nhau vào diễn trình lấy quyết định. Nói khác, dân chủ đòi hỏi tôn trọng hai nguyên tắc: Một là sự kiểm soát của quần chúng trên diễn trình lấy quyết định tập thể và hai là mỗi người đều có quyền ngang nhau khi thi hành việc kiểm soát đó.
Phẩm chất dân chủ được đánh giá qua việc các công dân có quyền bầu cử ngang nhau và các quyền công dân, chính trị được bảo vệ bởi luật pháp. Nhu cầu gắn bó với dân chủ có thể được giải thích bằng 5 lý do chính:
Thứ nhất, mục đích của dân chủ là đem lại cho cá nhân sự đối xử như nhau. Tất cả những người trưởng thành đều phải được xem như có trách nhiệm về lối sống của họ cũng như có khả năng tham gia các quyết định liên quan đến đời sống xã hội.
Thứ hai, một chính quyền thuộc loại dân chủ dễ thỏa mãn nhu cầu của người dân hơn bất cứ loại chính quyền nào khác.
Thứ ba, dân chủ đưa đến sự tranh luận, sự thuyết phục và sự thoả thuận. Như vậy dân chủ chấp nhận sự đa dạng, đa nguyên trong xã hội. Dân chủ là sự tôn trọng quyền được phát biểu một quan điểm khác biệt và quyền được lắng nghe.
Thứ tư, dân chủ bảo đảm việc tôn trọng các quyền tự do căn bản như tự do lập ngôn, tự do lập hội, tự do đi lại và quyền được an toàn.
Thứ năm, dân chủ đem lại sự đổi mới xã hội bằng cách cho loại bỏ các chính sách lỗi thời hoặc đào thải những người lãnh đạo thất bại, và sự tiếp nối giữa các thế hệ không tạo ra hỗn loạn.
Chúng ta đang sống trong thời đại dân chủ. Giờ đây dân chủ là lý do duy nhất để biện giải cho chính danh cai trị.
Trung Quốc và Việt Nam theo nhau phủ nhận những giá trị phổ quát.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa dân chủ tự do trở thành ý thức hệ đáng tin cậy nhất của nhân loại. Mặc dầu vậy, tại một vài nước vùng Đông Á người ta vẫn cố gắng đưa ra một mẫu hình ý thức hệ khác để cạnh tranh.
Mẫu hình Giá Trị Á Châu của cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã có một thời hưng thịnh. Nhưng ý niệm Giá Trị Á Châu không còn được ưa chuộng nữa kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra năm 1997, khiến chế độ độc tài Suharto ở Nam Dương sụp đổ.
Sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989, Đảng CSTQ bị phá sản về mặt đạo đức. Trong nước không còn ai muốn nghe giọng điệu tuyên truyền của cộng sản về xã hội chủ nghĩa. Ngoài nước, mô hình chính trị của Trung Quốc bị cả loài người ghê tởm.
Sau hơn một thập niên diễn biến hòa bình, nhân dân Trung Quốc nay đã bắt đầu thấm nhuần ảnh hưởng của những giá trị phổ quát Tây Phương. Thuật ngữ “giá trị phổ quát” đã trở thành thời thượng và thực sự đang trở thành giấc mơ của người dân Hoa Lục.
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất nước. Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ khi hiệp định Thành Đô được ký kết, vậy mà chưa thấy dấu hiệu chuyển biến gì trong đầu óc những người lãnh đạo chế độ.
Tình hình tranh chấp ở Biển Đông tuy có nguy hiểm nhưng cũng đang mở ra một cơ hội vô cùng thuận lợi. Vào lúc này đồng hành với dân tộc và trở thành đồng minh chiến lược của kẻ mạnh là tính toán hợp thời và khôn ngoan nhất. Nếu không thì toàn thể dân tộc sẽ phải tự đứng lên lãnh trách nhiệm.
Bước sang thiên niên kỷ mới, những nước cộng sản còn sót lại phải đối mặt với một áp lực dân chủ gia tăng đến từ mọi phía, nhưng truyền thống cầm quyền bằng bạo lực vẫn tiếp tục cản trở xu hướng tự do của nhân loại. Do đó viễn cảnh sụp đổ đối với các quốc gia này là không thể tránh khỏi.
Duy trì chính danh bằng đàn áp chính trị để kéo dài vị thế cầm quyền trong một thế giới mà hình mẫu chế độ và tập tục dân chủ đã được phổ biến và lan tràn rộng khắp là một hành động hoàn toàn phi lý.
Đây là một vấn nạn lớn cần nhanh chóng giải quyết. Vấn đề là phải tìm thấy một căn bản lý luận mới, qua sự kiểm tra nghiêm chỉnh lý luận cũ để phát hiện ra những điểm sai lầm dưới ánh sáng của nền văn minh hiện đại./.

No comments:

Post a Comment