Sunday, April 8, 2018

Nói với người cộng sản

Nói Với Người CS

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Trong vụ án “xét lại, chống Đảng” có một nhân vật khá đặc biệt. Nhân vật này đã tham gia phò tá đắc lực cho bọn chóp bu trong các hoạt động theo dõi, bắt bớ, trấn áp những người có tư tưởng xét lại theo Liên Xô. Nhưng về cuối đời chính ông lại bị bọn chóp bu coi khinh, ngược đãi và loại bỏ khỏi tổ chức đảng.
Nhân vật này là ông Nguyễn Trung Thành, sinh năm 1923 là cán bộ thuộc Ban tổ chức Trung ương từ năm 1951 đến năm 1988; là Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng từ năm 1962 đến năm 1988; là Ủy viên thường trực tiểu ban bảo vệ Đảng trung ương từ năm 1977 đến năm 1979 và là chuyên viên tham mưu cho Ban Tổ chức Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Ông Nguyễn Trung Thành đã từng tham gia vào nhiều sự vụ quan trọng của bọn chóp bu cộng sản, trong đó có cả những việc thẩm xét các nhân vật dự kiến sẽ được vào Ban chấp hành Trung ương; thẩm tra lại 10 cán bộ cao cấp của đảng cộng sản về mặt chính trị. Ông Nguyễn Trung Thành đã tham mưu trực tiếp cho Ban bí thư, Ban tổ chức Trung ương của đảng Hồ-Tàu trong suốt các năm tháng xảy ra vụ án “xét lại, chống Đảng”.
Có thể nói, ông Nguyễn Trung Thành đã là một kẻ đồng lõa đắc lực với bọn chóp bu để trấn áp, loại bỏ các đồng chí, thân hữu có tư tưởng xét lại suốt từ năm 1963 tới năm 1975.
Thế nhưng, vào đúng ngày kỉ niệm thành lập đảng cộng sản Hồ-Tàu, 3 tháng 2 năm 1995, ông Nguyễn Trung Thành đã viết một lá thư gửi thẳng cho cấp lãnh đạo cao nhất. Lá thư của ông có tiêu đề thống thiết như thế này:
“Đề nghị: Cứu 32 Đảng viên bị xử trí oan khuất gần 30 năm nay trong cái gọi là “Vụ án Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài.”
Ông Thành đã nhẫn nại trình bày, diễn giải hết sức rõ ràng và rất lễ độ với cấp lãnh đạo đương thời của ông về việc cần phải xem xét lại vụ án “xét lại, chống Đảng”. Ông trình bày:
“Trong hàng chục năm trước đây, do chỗ chỉ được biết từng bộ phận riêng lẻ của tài liệu, nên tôi vẫn tin rằng các kết luận của Bộ Chính trị và của Trung ương đối với Vụ án là đúng đắn, chính xác…Qua nghiên cứu lại một cách tỉ mỉ, nghiêm túc và thận trọng, tôi nhận thấy một cách có căn cứ rằng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng trước đây khi kết luận về vụ án đã tin vào những báo cáo của Ban chỉ đạo vụ án. Những báo cáo đó đã không dựa vững chắc trên những cơ sở khách quan có thực mà chỉ dựa vào một số lời khai (bản thân những lời khai này có nhiều mâu thuẫn giữa người này với người khác và giữa lời khai trước và sau của cùng một người) mà không được xác minh cẩn thận…
Do báo cáo của Ban chỉ đạo thiếu những cơ sở chứng cứ, nên các kết luận của Bộ Chính trị và của Trung ương đều thiếu căn cứ xác thực.
Từ việc phân tích, đối chiếu các tài liệu điều tra và các bản khai cung, rõ ràng không thể quy cho những người đã bị bắt về những tội: chống Đảng, chống Nhà nước, có tổ chức, có cương lĩnh, cung cấp tình báo cho nước ngoài vân vân.
Nhiều đồng chí bị bắt đã phạm một số sai lầm so với những qui định trong Điều lệ Đảng, nhưng họ không phạm tội so với những điều khoản pháp luật.”
Cuối lá thư, ông đã thúc giục lương tâm của bọn lãnh đạo chóp bu và bày tỏ sẵn sàng phục vụ để sửa sai cho vụ án “xét lại, chống Đảng”. Ông Thành đã biểu lộ sự sám hối của mình như sau:
“Với sự thôi thúc của lương tâm hàng ngày, hàng giờ bị cắn rứt, tôi cho rằng vấn đề cấp bách hàng đầu hiện nay là phải khẩn thiết giải oan cho những đồng chí đã bị bắt và bị xử trí oan…
Để xác định lại những nhận xét trên đây của tôi, và cũng để thẩm tra lại toàn bộ công việc điều tra và xử lý vụ án trước đây, tôi đề nghị với Bộ Chính trị cho lập ra một Ban Thẩm tra vụ án nói trên, qua đó rút ra những bài học cho Đảng ta sau này. Tôi xin sẵn sàng phục vụ vô điều kiện.”
Tuy nhiên, sau khi gửi thư, ông Thành đã bị ruồng bố khiến ông phải viết một lá thư bày tỏ sự bức xúc như sau:
“Chúng tôi tha thiết mong các cơ quan lãnh đạo không nên tiếp tục giữ thái độ trước đây: Bỏ qua, không trả lời, thậm chí trấn áp cả người khiếu oan v.v… Cách xử lý như vậy vừa vi phạm pháp luật, vừa trái với đạo nghĩa truyền thống của dân tộc…
Vì vậy, chúng tôi càng không hiểu nổi khi nghe tin: Văn phòng Trung ương Đảng thu hồi các thư tôi viết ngày 3 tháng 2 năm 1995…”
Và, chỉ 3 tháng sau, ngày 19 tháng 6 năm 1995, ông Thành nhận được quyết định kỉ luật, khai trừ Đảng. Từ đó ông Thành phải sống trong tình trạng bị theo dõi, quản thúc cho đến khi qua đời vào năm 2006.
Nhưng hành động sám hối của ông Nguyễn Trung Thành đã được nhiều người ủng hộ, khích lệ như cố đại tá công an Lê Hồng Hà, ông Lê Giản – một trong những lãnh đạo đầu tiên của nghành công an và, quan trọng hơn, ông Thành đã được dư luận, sử sách ghi nhớ, tri ân.
Thưa quí anh chị em, công an, bộ đội và quí vị, trường hợp ông Nguyễn Trung Thành đã cho chúng ta thấy rõ thêm một lần nữa:
Muốn làm người tử tế, muốn lương tâm của chúng ta trở nên trong sạch, chớ nên tin tưởng hay trông chờ vào bọn lãnh đạo chóp bu cộng sản.
Tâm Anh, Hải Nguyên và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị anh chị em trong chương trình tuần tới.
08/04/2018

No comments:

Post a Comment