Tuesday, March 6, 2018

Nói Với Người CS, 04.3.2018

Nói Với Người CS

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Năm ngoái, năm 2017, là tròn 50 năm xảy ra vụ án “Xét lại, chống Đảng” trên miền Bắc, do chính quyền cộng sản Hồ Chí Minh tiến hành nhằm vào những đồng chí thân hữu nhất của họ.
Cách đây mười năm, năm 2008, nhằm đúng ngày mồng Một Tết Mậu Tý, nạn nhân đứng đầu của vụ án đó, cũng là một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng sau này, đã qua đời, hưởng thọ 89 tuổi. Đó là cố Giáo sư Hoàng Minh Chính. Để tưởng nhớ ông Hoàng Minh Chính và các đồng hữu nạn nhân trong cuộc trấn áp đê tiện này, đồng thời cũng để nhắc lại sự phản phúc, ác độc của đảng cộng sản Hồ-Tàu đối với dân tộc, đối với những người yêu nước, chuyên mục của chúng ta sẽ lần lượt điểm lại một số thông tin quan trọng nhất trong vụ án này kể từ ngày hôm nay.
Thưa quí vị, quí bạn, kể từ khi cướp được chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim – Bảo Đại năm 1945 cho tới trước khi xảy ra vụ án “Xét lại, chống Đảng”, chính quyền cộng sản Hồ Chí Minh đã tiến hành ba cuộc trấn áp dữ dội nhằm vào chính người Việt Nam. Thứ nhất, đó là vụ án “Ôn Như Hầu” năm 1946, nhằm vào các nhân vật, đảng phái chính trị quốc gia phi cộng sản. Thứ hai, cuộc “Cải cách ruộng đất” khởi đầu từ năm 1953 nhằm vào thành phần trung lưu và thượng lưu về gia sản, kinh tế. Và thứ ba, là vụ án “Nhân văn Giai phẩm” bắt đầu từ năm 1955, nhằm vào thành phần văn nghệ sĩ, trí thức có tư tưởng tự do. Trong cả ba vụ thanh trừng này, các nạn nhân chủ yếu là những người không thuộc đảng cộng sản và tuyệt đối không có ai thuộc thành phần đảng viên cộng sản cao cấp.
Nhưng trong vụ án “Xét lại, chống Đảng”, đa phần các nạn nhân đều là đảng viên cộng sản đang nắm các vị trí quan trọng, có người còn nắm chức bộ trưởng như Ông Ung Văn Khiêm; hoặc là người đã từng sát cánh đắc lực với Hồ trong suốt thời kì cầm quyền phôi thai, như Ông Vũ Đình Huỳnh.
Một câu hỏi chắc chắn đang nổi lên trong đầu của quí vị, quí bạn:
Tại sao Hồ và bọn chóp bu cộng sản lúc đó lại ra tay ác nghiệt với những “đồng chí” cao cấp như thế?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta buộc phải xem lại chút ít nguồn gốc, lịch sử hình thành quyền lực của đảng cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Hồ Chí Minh.
Như chúng ta đã biết, khi đi theo con đường cộng sản, Hồ và các cộng sự đã chấp nhận làm đàn em, tay sai cho cả Liên Xô và Trung Cộng. Đối với Trung Cộng và Mao Trạch Đông, cá nhân Hồ và đảng cộng sản Việt Nam phải chịu ơn và chịu ràng buộc rất chặt kể từ sau trận Điện Biên Phủ năm 1954. Bởi, nếu không được Mao cho tiền, cho vũ khí, cho cố vấn và binh lính, Hồ và đảng cộng sản Việt Nam không thể nào trở về Hà Nội để nắm quyền thống trị trên miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, là một kẻ xảo quyệt, Hồ vẫn cố giữ quan hệ tốt đẹp với cả đàn anh Liên Xô.
Nhưng đáng tiếc, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Cộng vào đầu những năm 1960 lại trở thành đối địch, có những thời điểm hai bên đã dàn quân chuẩn bị đánh nhau. Mặc dù cùng là cộng sản, nhưng lãnh đạo tại Liên Xô và Trung Cộng có những quan điểm khác nhau trong vấn đề “thành lập thế giới đại đồng” hoặc “cạnh tranh với thế giới tư bản”. Đặc biệt, Trung Cộng, đứng đầu là Mao, có tham vọng làm bá chủ khối cộng sản, không chấp nhận sự chỉ đạo, thống lãnh của Liên Xô như trước đó nữa.
Đứng trên bình diện khách quan, chúng ta phải thừa nhận lãnh đạo cộng sản Liên Xô lúc đó, đặc biệt là Khrushchev và Đại hội Đảng Liên Xô lần thứ 20 năm 1956, đã có một nhận thức rất cấp tiến. Luận điểm chính trong sự cấp tiến này là: Chung sống hòa bình với Tư bản, không dùng vũ lực, chiến tranh để “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” nữa.
Nhận thức tiến bộ có tính cải cách, xét lại này đã ảnh hưởng và thuyết phục rất nhiều cán bộ cộng sản Việt Nam, nhất là những người được sang Liên Xô du học như Giáo sư Hoàng Minh Chính.
Nhưng, phía Trung Cộng, đứng đầu là Mao, kịch liệt phản đối quan điểm tiến bộ xét lại có tính hòa bình của Liên Xô. Mao vẫn tiếp tục sắt máu, giáo điều, muốn giải quyết mọi vấn đề chủ yếu bằng đối đầu, chiến tranh cách mạng. Mao tuyên bố công khai chống Liên Xô, coi Liên Xô là lực lượng phản động.
Trong bối cảnh hai đàn anh lại lục đục, mâu thuẫn, thù địch nhau như thế, Hồ và giới chóp bu tại Việt Nam phải xử sự thế nào?
Sau đây là một tự thuật của cố Giáo sư Hoàng Minh Chính đã được công bố từ năm 1993, ông viết:
“Hội nghị lần thứ 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 3 họp tháng 11-12 năm 1963 (được phổ biến là Nghị quyết 9) là tiêu điểm bật đèn xanh cho các cao trào khủng bố, đàn áp trắng trợn trên qui mô toàn quốc chống chủ nghĩa xét lại hiện đại ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc bản Nghị quyết 9, được giữ tuyệt đối bí mật, thì vẫn không thấy được rõ nguồn gốc, bản chất và nội dung của chiến dịch lên án chủ nghĩa xét lại và cơ chế bí mật của vụ án Xét lại-Chống Đảng.
Điều quan trọng nhất là phải được nghe lời giải thích về điều ẩn giấu của Nghị quyết 9 không được ghi trên văn bản mà chỉ được phổ biến bằng miệng từ cấp Trung ương rồi truyền miệng xuống tới tận cơ sở. Chính những lời truyền miệng đó mới là thực chất, nội dung, linh hồn sâu kín nhất của Nghị quyết 9.”
Lời giải thích về ẩn giấu này là gì? Đó sẽ là nội dung trong chuyên mục tới của chúng ta.
Tâm Anh và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị anh chị em trong chương trình tuần tới.
Tiến Văn

No comments:

Post a Comment