Friday, March 23, 2018

HIỂM HOẠ MẤT VĂN HOÁ

Quan Điểm

Dưới sự thống trị của đảng CSVN kéo dài nhiều thập niên, dân tộc Việt đang phải đối đầu với nhiều hiểm hoạ trong đó “mất văn hoá” là hiểm hoạ nguy hại nhất .
Mời quý thính giả theo dõi bài Quan điểm của Lực Lượng Cưu Quốc về hiểm hoạ này.
Thưa quý thính giả,
Đầu năm nay, báo chí Đài Loan rầm rộ loan tin một nhóm du khách người Việt tổ chức ăn cắp hàng hoá tại nhiều siêu thị với trị giá lên đến hơn 30 nghìn mỹ kim. Trước đó, giới truyền thông Nhật cũng đã loan tin du khách đến từ Việt Nam là thủ phạm nhiều vụ lấy trộm hàng hoá trong các cửa hiệu khiến nhiều nơi đã dán bảng lưu ý nhân viên trông chừng khách hàng người Việt.

Các sự kiện này khiến nhiều người nhớ lại, vào cuối năm 2016, một số tờ báo nhà nước đã đăng bản tin lược dịch từ một bài báo trên tờ Daily Mail của Anh công bố người Việt nằm ở nhóm các nước cuối bảng “chỉ số trung thực” trên thế giới. Chỉ số này thể hiện mức độ thành thật của người dân một nước so với các nước khác. Các nước cuối bảng còn có Trung Hoa, Ma-rốc, Tanzania. Người dân các nước Anh, Áo, Hoà Lan được xem là trung thực nhất.
Đây là kết quả công trình khảo sát của Giaó sư Simon Gatcher cùng nhóm cộng sự viên thuộc Đại Học Nottingham ở Anh. Cuộc khảo sát được thực hiện bằng cách mời hơn 2,500 sinh viên của 159 quốc gia deo hột xúc xắc trong phòng kín và báo cáo con số các mặt xúc xắc cộng lại. Con số này càng cao, càng nhận được nhiều tiền thưởng. Nhóm khảo sát đã âm thầm theo dõi lúc deo hột xúc sắc để biết sinh viên nào báo cáo sai vì muốn được thưởng nhiều tiền. “Chỉ số trung thực” của mỗi nước được lượng định dựa trên số sinh viên nước này trả lời thành thực.
Khảo sát của Gíao sư Simon Gatcher cũng cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa mức độ thành thực của người dân với tình trạng tham nhũng của quốc gia. Nước nào mức độ tham nhũng càng trầm trọng thì người dân càng ít trung thực.
Hơn bất cứ quốc gia nào, Việt Nam là bằng chứng chính xác nhất để xác định kết quả cuộc khảo sát trên.
Trước hết, tham nhũng là hậu quả tất yếu của một chế độ chính trị độc tài, trong đó thành phần cai trị tự tung tự tác, không bị một quyền lực nào kiểm soát, phanh phui, trừng trị khi tham nhũng. Với sự thống trị một cách tuyệt đối và vĩnh viễn của đảng CS, VN là môi trường thuận lợi nhất để tệ nạn tham nhũng hoành hành!
Mặt khác, để sống còn trong một đất nước chịu sự cai trị hà khắc của một tập đoàn được hình thành bằng chủ thuyết phi nhân và dùng bạo lực cùng dối gạt để cướp quyền và duy trì quyền lực như đảng CSVN, người dân phải “nói dối”. Dần dà nói dối trở thành một thói quen, một nếp sống của người Việt.
Và quan trọng hơn nữa, để bảo vệ ngôi vị lãnh đạo độc tôn, Đảng CSVN đã quan niệm luân lý và đạo đức là những khái niệm có mục tiêu phục vụ đảng thay vì để thăng hoa cuộc sống tinh thần con người cũng như sự ổn định, điều hoà sự vận hành của xã hội.
Quan điểm này đã được minh định rõ ràng và đày đủ nhất qua phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Vĩnh Phúc ngày 25 tháng 2 năm 2013, khi cho rằng người nào “có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng, muốn đa nguyên đa đảng, phi chính trị hoá quân đội, là suy thoái tư tưởng, đạo đức”.
Với quan niệm về tư tưởng và đạo đức như vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy đảng CSVN đã dẫn dắt dân chúng Việt Nam đến tình trạng băng hoại luân lý, đạo đức như ngày nay.
Sau nhiều thập niên bị đảng CSVN thống trị, dân tộc Việt đang phải gánh chịu nhiều thảm hoạ, từ tình trạng mất nhân quyền, phản dân chủ, đến tụt hậu kinh tế, huỷ hoại tài nguyên, môi trường, và ngày càng lệ thuộc vào ngoại bang phương bắc.
Thế nhưng, nếu so với các hiểm hoạ vừa kể thì hiểm hoạ mất văn hoá có tính cách trầm trọng vượt bực. Trầm trọng vì chẳng những nó đã góp phần làm tăng thêm sự tàn hại của các hiểm hoạ khác, mà tự thân, nó là mối nguy khó ngăn chận và đòi hỏi nhiều thời gian và công sức để khắc chế.
Thật vậy, chế độ độc tài đảng trị trước sau gì cũng bị loại bỏ vì đi ngược ý nguyện của toàn dân và đà tiến hoá của nhân loại. Còn nền kinh tế sẽ được phục hồi khi đất nước có tự do, dân chủ. Tương tự, lúc đó tài nguyên cũng sẽ được hồi phục, môi trường được cải thiện. Và trong một thể chế dân chủ, lòng dân sẽ hợp nhất để cùng bảo vệ đất nước chống ngoại xâm.
Thế nhưng tình trạng đạo đức suy đồi, luân lý bại hoại thì không thể nào chấn chỉnh, sửa đổi trong một thời gian ngắn. Công cuộc phục hưng văn hoá dân tộc chẳng những đòi hỏi nỗ lực của toàn dân mà còn đòi hỏi một thời gian kéo dài nhiều thế hệ mới hy vọng đạt được kết quả mong muốn.
Để công cuộc phục hưng văn hoá dân tộc bớt chông gai và mau chóng được khởi phát, bước đầu tiên cần thực hiện là loại bỏ chế độ độc tài CS, nguyên nhân gây ra thảm hoạ mất văn hoá của dân tộc Việt.
Đây là bước khởi đầu vô cùng khẩn thiết, đòi hỏi sự tham gia đóng góp của toàn dân./.

No comments:

Post a Comment