Sunday, March 11, 2018

Tin Tức, Chủ Nhật 11.03.2018

Tin Tức


Ba giáo dân Nghệ An bị triệu tập vì vụ nộp đơn kiện Formosa cách đây 18 tháng
Ngày 7/3, công an tỉnh Nghệ An đã gởi giấy triệu tập đến bà Bùi Thị Nhiệm, bà Nguyễn Thị Sâm, và ông Cao Sỹ Hoán, đều là giáo dân Phú Yên, yêu cầu có mặt tại công an huyện Quỳnh Lưu vào ngày 09/3 để làm việc liên quan đến sự kiện cách đây 18 tháng khi các giáo dân Nghệ An nộp đơn kiện công ty Formosa đã gây ô nhiễm môi trường biển vào năm 2016, mà nhà cầm quyền Nghệ An quy chụp là “gây rối trật tự công cộng.Linh mục Đặng Hữu Nam từ nhiệm sở mới là giáo xứ Mỹ Khánh cho biết ông Hoán có lên trình diện công an vào buổi sáng và bị giữ đến 2 giờ chiều hôm 9/3 mới được về nhà. 2 người phụ nữ còn lại đã không trình diện.

Blogger Lê Văn Sơn viết trên Facebook: “Sự việc đã xảy ra gần 18 tháng, nhưng nay công an Nghệ An mới đánh lẻ vào từng cá nhân tại Giáo xứ Phú Yên theo cái gọi là ‘gây rối trật tự công cộng’ ngay sau khi Linh mục An Tôn Đặng Hữu Nam rời khỏi Giáo xứ Phú Yên để nhận nhiệm sở mới.”

Việt Nam nói Mỹ ‘nhầm lẫn đáng kể’ khi áp thuế tôm từ VN lên gấp 21 lần
Ngày 8/3, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam. Theo đó, tôm Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế 25,39% khi nhập vào thị trường Mỹ. Hôm sau, ngày 9/3, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã “nhầm lẫn đáng kể” khi tính toán biên độ phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, và đã áp đặt các hệ số chuyển đối từ tôm nguyên con sang tôm bóc vỏ bỏ đầu, dẫn đến kết quả bị sai lệch là 25,39% thay vì chỉ là 1,19%, nghĩa là cao hơn gấp 21 lần.
Mặc dù kết quả sơ bộ chưa có hiệu lực, nhưng kết quả này có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ và các giao dịch thương mại giữa hai bên.
Việt Nam thu hồi dự án lọc hóa dầu Vũng Rô
Ngày 9/3, Hãng tin Reuters cho biết Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên vừa thu hồi dự án lọc dầu Vũng Rô, một dự án trị giá 3.2 triệu đôla do nước ngoài đầu tư tại tỉnh Phú Yên, lý do là vì phía chủ đầu tư là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dầu khí Vũng Rô, một liên doanh giữa Công ty Technostar Management Limited của Anh và Công ty Telloil của Nga, quyết định tự chấm dứt dự án.
Dự án này bao gồm một nhà máy lọc dầu có công suất 8 triệu tấn/năm, tổ hợp hóa dầu và cảng biển Bãi Gốc, được khai triển trên diện tích 538 ha đất, đáng lẽ đã chính thức hoạt động vào năm 2011, với số vốn 1,7 tỉ đôla và công suất 4 triệu tấn/năm. Truyền thông trong nước cho biết nguồn vốn đầu tư dự án đến từ Nga. Khi kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng vì bị EU trừng phạt thì chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chánh nên quyết định bỏ dự án.
Việt Nam và 10 nước ký kết Hiệp định CPTPP
Ngày 8/3, mười một quốc gia trong đó có Việt Nam vừa ký “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP) tại thành phố Santiago của Chile. 11 nước tham gia Hiệp định là: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Dù Hoa Kỳ rút lui năm 2017, Hiệp định này bao gồm một thị trường gần 500 triệu người, chiếm hơn 13% kinh tế toàn cầu. Đây là thỏa thuận mậu dịch lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Mục đích chính của CPTPP là cắt giảm thuế quan giữa các nước thành viên, đồng thời giảm bớt các biện pháp phi thuế quan gây trở ngại cho thương mại thông qua các quy định. Ngoài tiêu chuẩn minh bạch và công bằng, các thành viên còn cam kết thực thi các tiêu chuẩn về môi trường và lao động tối thiểu.

Vatican và Trung Quốc đàm phán tiến tới bình thường hóa quan hệ

Ngày 9/3, Hãng tin Reuters loan tin: trong vài tháng tới, Bắc Kinh và Vatican có thể đạt được một thỏa thuận có tính lịch sử liên quan đến việc “ai có quyền bổ nhiệm các giám mục tại Trung Quốc?”. Ông Fang Jianping, phó chủ tịch hiệp hội những người Công giáo Trung Quốc yêu nước cho biết: Vatican và Trung Quốc đã đạt được những bước tiến hướng tới triển vọng bình thường hóa quan hệ.
Hiện Trung Quốc có khoảng 12 triệu người Công giáo gồm hai nhóm. Một nhóm là Giáo Hội Thầm Lặng không được nhà nước Trung Quốc chấp nhận, thậm chí bách hại, và một nhóm là Giáo Hội quốc doanh được nhà nước công nhận. Các giám mục trong Giáo Hội quốc doanh được chính phủ bổ nhiệm. Hồng Y Trần Nhật Quân, một giám mục đã về hưu thuộc địa phận Hong Kong, cho rằng hiện có những bất đồng giữa Giáo hoàng và các nhà ngoại giao Vatican trong việc thực hiện các công việc cơ bản tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Vatican khẳng định tòa thánh hoàn toàn thống nhất với nhau trong cách tiếp cận với Bắc Kinh.

Trong 5 năm chống tham nhũng, 100 quan chức cao cấp của Trung Quốc đã phải ra hầu tòa.

Ngày 09/03 vừa qua, trong báo cáo trước Quốc Hội Trung Quốc, Chánh án Tòa án tối cao Trung Quốc cho biết: trong 5 năm qua, từ 2013 đến 2017, tổng cộng đã có 195 nghìn vụ án tham nhũng hối lộ liên quan tới 263 nghìn người đã được đưa ra xét xử. Trong số các bị cáo, có 101 người là quan chức cao cấp ngang hàng bộ trưởng hay chủ tịch tỉnh trở lên. Còn theo số liệu của Ủy ban Kỷ luật Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, từ năm 2013 đã có hơn 1,5 triệu đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng hoặc làm trái đường lối chính sách của đảng.

Viện bảo tàng Holocaust thu hồi giải thưởng nhân quyền của bà Aung San Suu Kyi

Ngày 7/3, viện bảo tàng Holocaust Mỹ loan báo: Giải thưởng Elie Wiesel trao tặng bà Suu Kyi vào năm 2012 sẽ được thu hồi. Lý do là vì bà không có biện pháp đáp ứng thích đáng trước các vụ giết người tập thể nhắm vào cộng đồng sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya tại Miến Điện.
Bà Aung San Suu Kyi từng được trao tặng Giải tưởng niệm Thorolf Rafto và Giải thưởng Sakharov cho Tự do Tư tưởng năm 1990, sau đó bà lại được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1991. Nhưng hiện nay, danh tiếng quốc tế của bà đang giảm sút vì những cuộc tàn sát người Rohingya tại Miến Điện mà bà không lên tiếng can thiệp. Theo báo Independent của Anh ngày 12/09/2017, đã có hơn 400.000 người ký tên trên trang mạng Change đòi tước giải Nobel hòa bình của bà Aung San Suu Kyi .

Philippines tìm cách quy kết 600 du kích Cộng sản là ‘khủng bố’

Ngày 8/3, Hãng tin Reuters trích dẫn một đơn kiện của chính phủ lên tòa án đối với 600 người bị cáo buộc là du kích Cộng sản mà chính phủ Philippines muốn quy kết là “khủng bố”. Trong 600 người này, có một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, một nhà cựu lập pháp Philippines và 4 cựu linh mục Công giáo. Tháng trước, Bộ Tư pháp Philippines nói họ muốn tòa án tại Manila tuyên bố: Đảng Cộng sản Philippines (CPP) và lực lượng vũ trang của đảng này mang tên “Quân đội Nhân dân Mới” là các tổ chức “khủng bố” từng gieo rắc sợ hãi và hoảng loạn nhằm lật đổ chính phủ.
Bằng cách tuyên bố các nhóm và cá nhân này là “khủng bố”, chính phủ có thể giám sát họ chặt chẽ hơn, theo dõi về tài chính và hạn chế họ tiếp cận các nguồn lực và các biện pháp khác.

No comments:

Post a Comment