Wednesday, March 14, 2018

Khi thánh thần bị mang ra đấu giá

Chuyện Nước Non Mình

Khi chế độ độc đảng, độc tài khinh lờn tổ tiên qua việc đập phá đền đài, lăng miếu thì chuyện chính họ bày ra lễ lạc cúng bái chỉ có mục đích trước nhất là giải tỏa nỗi tuyệt vọng của người dân bất hạnh, sau đó có cớ để công khai ngang nhiên trục lợi.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Khi Thánh Thần bị mang ra đấu giá” của VietTuSaiGon sẽ được Khánh Ngọc trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Thánh thần bị đấu giá như thế nào? Giá cả thánh thần ra sao? Ai là người mua thánh thần? Ai được lợi trong việc đấu giá thánh thần? Và thánh thần thoi thóp ra sao khi bị mang ra đấu giá? Những câu hỏi nghe ngô nghê và mớ ngủ này tưởng như là một thứ ngôn ngữ đã bị bọc một lớp sương mù của hoang tưởng. Nhưng không, đó là những câu hỏi rất đúng đắn, rành mạch và có tính cập nhật, hoàn toàn không rời xa thực tiễn xã hội chủ nghĩa!
Thiết nghĩ, trước khi nói đến chuyện thánh thần bị mang ra bán, cần phải nói đến chuyện người ta đã bắt nhốt thánh thần ra sao trước khi bán. Bởi từ con gà, con vịt hay bất kỳ con vật gì, dù là vật hoang dã hay vật nuôi, trước khi bán, người ta đều phải bắt nhốt nó. Và thánh thần cũng không thoát khỏi số phận này.
Đầu tiên, có lẽ phải nói đến thời kỳ ‘chống mê tín dị đoan’ gắt gao nhất ở những năm giữa thập niên 1980. Khi mà tất cả đền đài miếu mạo, lăng tẩm, phủ… đều bị đập không thương tiếc. Cái gì đập được thì đập, thánh thần chạy tứ tán, mà có chạy cũng chẳng được yên bởi không có bất kỳ nơi đâu để nấp. Có thể nói rằng nếu thực sự có thần thánh và đền đài miếu mạo, lăng tẩm, phủ, điện thờ là trú xứ của họ thì những năm thập niên 1980 là thời gian họ khủng hoảng hoàn toàn, không còn trú xứ và họ rơi vào thất thủ.
Trong lúc này, lăng Hồ Chí Minh được xây dựng đồ sộ, trang nghiêm nhất và đương nhiên ông nghiễm nhiên trở thành “danh môn thánh thần”, được chiêm bái, phụng thờ như một mẫu mực thánh thần của quốc gia dân tộc. Thử hỏi, chắc gì các thánh thần khác không bị bắt nhốt, cầm tù sau một cuộc tứ tán, thiếu đói, không nơi nương tựa?
Và cuộc tứ tán này kéo dài mãi cho đến những năm đầu của thế kỷ sau nữa. Qua hai mươi năm xiêu dạt, thánh thần giờ chắc cũng đã mệt mỏi và buông xuôi, ai làm gì thì mặc kệ. Và người ta không cần bắt thánh thần bằng cách càn quét, bố ráp hay còng số 8, họ chỉ cần bắt những thánh thần bằng một bữa no. Mà cái bữa no đây chính là cách thức chính qui hóa các loại lễ bái, các loại hình mê tín di đoan. Và thánh thần bị biến thành trò hề trong cuộc chơi này.
Nếu như trước đây việc thờ cúng, chiêm bái là một hành động tâm linh, nhớ ơn bậc tiền nhân, tiền hiền khai khẩn hay tổ nghề và sự chiêm bái này chỉ dừng ở mức giao cảm tâm hồn con người với trời đất, tổ tiên, thần linh. Sự giao cảm này mang tính kính ngưỡng, biết ơn và thờ phụng như một sự nhắc nhớ về nguồn cội, tránh tình trạng vong thân, vong nô. Sự thờ phụng này không có tính lợi dụng hay lừa đảo thì nay ngược lại, các hoạt động mà người ta gọi là lễ hội hay tâm linh trong thời này, yếu tố buôn thần bán thánh, vay mượn thần thánh và lợi dụng lòng tốt của thần thánh một cách mù quáng, đôi khi không hề có tín ngưỡng mà chỉ có những đám đông cuồng tín và man rợ.
Thử hỏi có Bà Chúa Kho nào đủ sức cung cấp tài, lộc cho hàng triệu con người mà ở họ, sự giàu có, lòng tham là không giới hạn? Thử hỏi, có thánh Gióng hay Đức thánh Trần nào chịu đựng nổi lòng tham của hàng triệu con người, ai cũng đến cầu tài, cầu lộc, cầu quyền lực?
Thử hỏi, có bao giờ xã hội phát triển theo chiều hướng người ta định giá con người bằng những thứ bâu bám chung quanh như xe cộ, nhà cửa và những tấm bằng (giả thật lẫn lộn)? Thử hỏi có khi nào tình mẹ con, tình anh em được tính bằng sự cho, tặng, thừa kế hay cung phụng đầy dối trá chiếm số đông như bây giờ? Thử hỏi có bao giờ con người lừa đảo thần thánh bằng vài mâm lễ, vài chục bộ vàng mã, vài cành hoa giả, vài con gà… để vay mượn lộc trời, để thu về bạc tỉ, thậm chí trăm tỉ, ngàn tỉ, triệu tỉ… càng nhiều càng thỏa mãn như bây giờ?
Con người, dù đứng trên góc độ nào thì có hai thứ không được phạm vào, đó là Pháp Luật và Người Cõi Âm (trong đó gồm cả Thượng Đế, thánh thần, và ma quỉ). Ngay cả những nước phương Tây, nơi mà tưởng như người dân ít quan tâm đến đời sống cõi âm nhưng thực tế, mức độ tôn trọng pháp luật và người cõi âm của họ rất cao. Mức độ quan tâm pháp luật của người phương Tây biểu lộ trong tinh thần vì cộng đồng, tinh thần thượng tôn pháp luật và đề cao dân chủ của họ. Mức độ quan tâm đến cõi âm được bày tỏ qua lòng yêu kính Thượng Đế, yêu kính Chúa và các bậc thánh thần, thiên sứ, yêu kính và tôn trọng người đã khuất, không lợi dụng Thượng Đế, không lợi dụng Chúa và các thánh thần cũng như không lợi dụng bậc tiền nhân đã khuất.
Ngược lại, số đông, rất đông người Việt hiện tại không những coi pháp luật không ra gì mà mức độ bán rẻ, khinh nhờn và lợi dụng người cõi âm của họ quá cao. Không tôn trọng pháp luật bởi không có một hệ thống pháp luật tốt để họ tôn trọng. Bán rẻ và khinh nhờn người cõi âm bởi ngay cả chính sách vĩ mô của nhà cầm quyền đã ngầm bán rẻ, khinh nhờn tổ tiên, thần linh. Từ việc đập bỏ đền đài, miếu mạo, lăng tẩm, điện, phủ mà chỉ chăm chuốt lăng Hồ Chí Minh như một vị công thần hộ quốc; cho đến khi kỹ nghệ du lịch phát triển thì chính nhà nước, chính các cấp cầm quyền từ trung ương tới địa phương đã xắn tay nhào nặn những lễ lạc, những ông thần, bà chúa và khuấy động truyền thông để tiếp thị các ông thần, bà chúa này thành sản phẩm du lịch với cái tên trá hình là “du lịch tâm linh”.
Nhà nhà lên đồng, người người lên đồng, cả một đất nước đi đâu cũng thấy đồng bóng, đến độ có người bạn Tây phải há hốc: Tại sao Việt Nam có nhiều nhà thơ và nhiều người đồng bóng thế? Có lẽ, câu trả lời này đã có sẵn trong chính sách vĩ mô về văn hóa, giáo dục, kinh tế của nhà nước.
Và một khi đất nước trở nên lơ ngơ như nhà thơ, đồng bóng như xác cậu, xác cô, tham lam như kẻ háo lộc và giành giật cướp lộc như kẻ điên loạn thì không cần đoán cũng biết nó sẽ đi đến đâu. Nhưng đáng sợ hơn cả, chính những kẻ tổ chức, bày trò thơ ca và đồng bóng lại trở thành con nghiện của thơ ca và đồng bóng. Rõ ràng, hãy nhìn bốn câu lục bát của ông Nguyễn Phú Trọng viết ở khách sạn Mường Thanh cũng như các hoạt động đi xin lộc, cầu tài, cầu quyền chức của giới chức Trung ương Cộng sản thì sẽ biết mức độ bệnh hoạn đến đâu! Cuối cùng, chẳng có ai được lợi trong việc mua bán thánh thần cả, ngay cả kẻ nghĩ ra điều này cũng phải trả giá không nhỏ!
Khi chế độ độc đảng, độc tài khinh lờn tổ tiên qua việc đập phá đền đài, lăng miếu thì chuyện chính họ bày ra lễ lạc cúng bái chỉ có mục đích trước nhất là giải tỏa nỗi tuyệt vọng của người dân bất hạnh, sau đó có cớ để công khai ngang nhiên trục lợi.
VietTuSaiGon

No comments:

Post a Comment